| Hotline: 0983.970.780

Lo lắng nhân lực phục vụ tam nông

Thứ Tư 13/10/2010 , 10:06 (GMT+7)

Trao đổi với NNVN, PGS.TS. Dương Văn Viện, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ cho biết những suy tư trong đào tạo nghề.

PGS.TS. Dương Văn Viện
Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ (xã Tân Mỹ Chánh, thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang), trực thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, được nâng bậc Cao đẳng từ sự sáp nhập hai trường Trung cấp Thủy lợi 3 (Tân Mỹ Chánh) và Nông nghiệp (Long Định). Trường có truyền thống trên 30 năm, được Bộ chủ quản và Bộ Giáo dục - Đào tạo, cùng lãnh đạo địa phương tỉnh Tiền Giang quan tâm, ủng hộ trong quy hoạch, phát triển để có được quy mô bề thế như hôm nay.

Tuy nhiên, còn khó khăn do cơ sở đã lâu không có sửa chữa lớn, trang thiết bị xuống cấp; đồng thời đang phải đối mặt với xu hướng học sinh không thích học nông nghiệp nên lãnh đạo nhà trường cũng có những trăn trở. Trao đổi với NNVN, PGS.TS. Dương Văn Viện, Hiệu trưởng nhà trường cho biết những suy tư trong đào tạo nghề, nhất là nghề nông:

Thưa thầy, hiện nay nhà trường đã ổn định công tác tuyển sinh?

Ổn thì chưa, nhưng thế này: năm nay trường tuyển sinh 3 mảng: cao đẳng 600, trung cấp chuyên nghiệp 600, dạy nghề 600. Hệ CĐ, có 400 chính quy, 200 liên thông; liên thông được, còn chính quy 400 thì hơi khó, phát giấy báo 300 nhưng chỉ được 100 đến trường. TCCN gồm 500 chuyên nghiệp, 100 tại chức thì được. Còn dạy nghề liên kết với các trung tâm giáo dục nghề cấp huyện nên không khó khăn.

Thực tế ngành nào thu hút nhiều học sinh và ngành nào các em ít theo học?

Nông nghiệp nói chung ít hấp dẫn, bản thân phụ huynh và học sinh thích học những ngành mà họ nghĩ sang sang như tài chính, ngân hàng, luật…, còn các ngành nông nghiệp họ cho là vất vả nên không muốn theo. Có những ngành như trắc địa (khảo sát địa hình) rất cần cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì các em lại không biết, có nhiều lớp rất ít người đăng kí học. Đây là ngành cơ bản cho công tác thiết kế, xây dựng cầu đường, dân dụng, phát triển nông thôn…

Nội dung và phương pháp giảng dạy nhà trường được cập nhật và cải tiến như thế nào?

Ba năm nay, thực hiện dự án ADB, trường được Bộ rót 1 triệu đô la cho việc nâng cấp và trang bị phòng thí nghiệm nên năng lực trường được nâng cao. Chúng tôi thực hiện theo chương trình khung của Bộ, nhưng chú ý nhiều đến việc cân đối thực hành phù hợp với tình hình, đặc điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vì địa bàn nông thôn mỗi nơi có khác. Gần đây, Long An họ đề nghị chúng tôi mở lớp phát triển nông thôn để giúp có được định hướng và kế hoạch phát triển nông thôn đúng điều kiện đặc thù địa phương họ; hay khảo sát địa hình để thiết kế xây cầu, cống, công trình… nhất thiết phải chú ý đến đặc trưng vùng đất, điều kiện sông nước…

Ngoài ra, chúng tôi thường liên kết với những đơn vị cơ sở, như Trung tâm bảo vệ thực vật An Giang, trạm khuyến nông, khuyến ngư các tỉnh, các công ty, công trình thủy lợi cụ thể để đưa các em đến thực tập, hầu có được tay nghề thực tế. Ngoài ra, công cụ cũng hỗ trợ rất nhiều cho công tác dạy học. Mỗi thầy cô lên lớp cần Laptop, đèn chiếu… nhà trường đều đáp ứng; đồng thời có ảnh, phim quay lại hiện trạng, hoạt động công trình thủy lợi, xây dựng giúp các em hình dung công việc đổ bê tông, đầm, lèn như thế nào, công tác chống dịch heo tai xanh, cúm gia cầm ra sao hay xem một mô hình hoạt động cụ thể về trồng trọt, thủy sản…

Mặt khác, đa số gia đình các em học ngành nông nghiệp đều nghèo nên nhà trường cũng đang vận động thành lập quỹ học bổng từ những đơn vị tài trợ, sinh viên ra trường thành đạt, đóng góp của thầy cô, để giúp học sinh nghèo, vượt khó. Nhưng trên hết, cần chính sách hỗ trợ Nhà nước như đã từng làm cho ngành sư phạm có được đầu vào tốt. Vì xét cho cùng, nếu các ngành phục vụ nông nghiệp, nông thôn được sự hỗ trợ chính sách trong việc dạy và học thì mới hi vọng có được sinh viên đầu vào tốt làm cơ sở cho đầu ra tốt.

Còn khả năng tìm việc của sinh viên ra trường?

Trường rất quan tâm đến công việc làm ăn của các em sau ra trường. Điều này là thước đo năng lực nhà trường. Tới đây, hàng năm chúng tôi sẽ công bố việc làm các em. Còn hiện nay khi ra trường nhà trường đều phát phiếu khai báo cho các em, để khi có việc làm thì thông tin về trường; nhà trường cũng có trang Web nhận thông tin phản hồi các em; đồng thời, giao giáo viên chủ nhiệm theo dõi tình hình tìm việc của các em sau ra trường. Nhìn chung, qua 3 kênh thông tin, chúng tôi được biết hầu hết các em có công ăn việc làm ổn định, nhiều em thành đạt, có địa vị. Có thể nói, nhu cầu nhân lực hiện nay cho tam nông chưa đáp ứng đủ thực tế, nên không sợ thừa.

Xin cám ơn thầy|

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Sôi động mùa cá cơm

Ngư dân bãi ngang tỉnh Quảng Bình trúng đậm mùa cá cơm, cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi chuyến ra khơi.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất