| Hotline: 0983.970.780

Lo ngại ba má biết mình "ăn cơm trước kẻng"

Thứ Sáu 16/01/2015 , 09:50 (GMT+7)

K và cháu tính, cháu viết khóa luận xong, lúc chờ kết quả thì sẽ công bố với hai bên. Ba K rất mừng vì K gặp người như cháu. Chỉ còn chỗ ba má cháu thôi. 

Cô kính mến!

Học xong PTTH, cháu tự mình chọn trường và đi thi cao đẳng ở SG. Từ quê cháu đến thành phố xa lắm cô. Cháu ở với ngoại nên cháu cũng muốn thoát ra, khi ấy ba má cháu làm ăn thất bại nên đã đi miền đông làm rẫy, mang theo đứa em trai út của cháu.

May mắn là cháu thi vừa điểm đậu. Tội nghiệp ngoại, ngoại khăn gói lên SG cùng với cháu, tìm nhà trọ, gửi gắm người ta đủ thứ. Giờ cháu mới thấy sao cháu đèo bòng quá vậy, học ở thị xã tỉnh nhà cũng được mà.

Ở đây cháu gặp K, anh ấy là công nhân, ở chung dãy nhà trọ với cháu và các bạn. Khu nhà rộng 200 mét vuông, có cả thảy 10 phòng trọ, ông bà chủ ở đầu hồi. Hầu như nhà nào cũng kinh doanh nhà trọ, người đông phát sợ. Công nhân ở chung lộn với sinh viên, hơi phức tạp.

Đến năm thứ hai vừa rồi cháu mới để ý đến K, vì cháu vẫn quan niệm, cháu có học, cháu phải lấy bằng, cháu phải thành công để nuôi em giúp ba má, để báo hiếu với ngoại.

Hôm đó phòng trọ của cháu với mấy đứa bạn bị nghẹt cống, bà chủ nhà nhờ K đến thông. Trong số công nhân như K, nhiều người bậm trợn, nói hay có chữ đệm như chửi thề, bọn nữ sinh viên tụi cháu ít dám làm quen.

Nhưng riêng K thì giỏi những việc lặt vặt của đàn ông lắm cô. Sau đó cháu cũng biết K biết sửa điện, sửa máy móc điện tử. Anh ấy thấp đậm, lanh lẹ, nhiều tuổi nhất trong số bạn của anh ở mấy phòng trọ bên trong đó. K nói K thích cháu nhiều lắm nhưng không dám biểu hiện ra, K mặc cảm.

Nhà K ở TN, mồ côi mẹ, ba của K làm rẫy, gà trống nuôi ba anh em K mười năm nay rồi. K là anh trai cả, dưới K còn một em gái và một em trai nữa. Có lẽ cháu thương K từ hoàn cảnh, cùng là con nhà nông dân với nhau nhưng K cơ cực hơn cháu nhiều.

K không có ngoại, ngoại cũng chết sớm, còn nội của K thì không giúp được gì, không như cháu có cả nội lẫn ngoại, nhứt là ngoại chăm nom cháu từ khi cháu vô cấp II đến tận bây giờ.

Khi biết cháu có người như vậy, ba má cháu ngăn cấm liền. Ba má muốn cháu lấy bằng, xin được việc và có chồng là một người có bằng cấp và có công việc. Nhưng cháu lỡ thương K rồi cô.

Cháu đã thực tập xong, đang làm khóa luận thì phát hiện mình gặp sự cố rồi. Cô trách cháu lắm phải không cô? Cháu đã mua que thử và que cho kết quả rồi cô. Giờ cháu làm sao đây cô? K nói K muốn cưới ngay, K không cho cháu đi viện, K nói nếu cháu cãi mà lén đi phá thì coi như không yêu đương gì nữa. Vậy cũng lỡ dở một đời của cháu, đúng không cô?

K và cháu tính, cháu viết khóa luận xong, lúc chờ kết quả thì sẽ công bố với hai bên. Ba K rất mừng vì K gặp người như cháu. Chỉ còn chỗ ba má cháu thôi. Chắc cháu nói thật với ngoại rồi nhờ ngoại giúp, được không cô?

Cháu muốn nghe ý kiến của cô.

----------------------

Cháu thân mến!

Cô cũng thấy cháu đánh đường từ quê xa lên SG học cao đẳng là hơi phiêu lưu. Nói đúng ra, bằng cao đẳng không khiến mình phải đánh đổi xa xôi, cô thân cô thế chốn phồn hoa như vậy. Nhưng nói như cô thì không ai đi đại học ở nước ngoài sao, trong nước cũng tốt chán rồi mà.

Việc cháu gặp K hay ai đó cũng là tự nhiên của tuổi trẻ thôi. Không K thì cũng là cậu nào ấy. Cô không nghĩ như ba má cháu dù kỳ vọng của họ cô thông cảm được. Nhưng cháu có bằng, xin việc được ở SG cũng nan giải chứ không như họ hình dung đâu. Và lấy một người có việc, có bằng và muốn có nhà nữa ư, nghe bài toán này sao thực tế quá, thực dụng quá, đúng không?

Biết bao đôi trẻ ở SG đi làm và vẫn ở nhà thuê, khi họ đã có một hai con rồi. Chạy việc không khó bằng tìm được một tấm chồng có nhà có cửa. Có việc, có hạnh phúc, rồi thì dần dần sẽ có tất cả. Cơ hội ấy phải tính bằng thập kỷ cháu ơi.

Nước xa lửa gần, cháu không cho cô cơ hội có một lời khuyên khác. Nghĩ như K là đúng. K đã nhiều tuổi (dù cháu không nói tuổi K), K đã chống chọi với cuộc sống mồ côi mẹ quá lâu rồi, K thèm một bữa ăn có bàn tay phụ nữ. Không cứ gì vợ cao đẳng thì chồng phải đại học, K có trường đời. Miễn sao K đừng sa đà như những người ít học hiện nay là nhậu nhẹt, bài bạc, nợ nần, chửi thề, văng mạng.

Một chướng ngại là ba má cháu nhưng cháu đã trao thân gửi phận cho K thì nếu biết sự thật, ba má cháu sẽ thôi không quá kỳ vọng nữa. Nói thật với ngoại, ngoại sẽ lo buồn, cháu chưa xong đường học mà đã vội vã đường hôn nhân, con cái. Nhưng biết làm sao được, đời có số mà. Dẫu vậy, vẫn cần có ngoại trong cuộc đời này, vì vậy mà ngoại vẫn là cái bóng, là chỗ dựa cho hai đứa đó.

Tin yêu nhau, tin vào lựa chọn và tình yêu của mình. Làm khóa luận, an thai, chuẩn bị. Nhất định K sẽ vất vả hơn nhưng là vất vả trong niềm vui, hạnh phúc.

Nên nhớ đất SG cạm bẫy dày, vật giá cao, giỏi thu xếp gói ghém mới xong, nhá. Mong cháu may mắn, bình an, hạnh phúc.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất