| Hotline: 0983.970.780

Lo ngại cá khô tẩm màu

Thứ Ba 30/12/2014 , 14:38 (GMT+7)

Hiện nay trên thị trường có một số loại cá khô tẩm màu gạch tôm và gia vị không rõ nguồn gốc, nhìn rất bắt mắt. Loại cá này có giá bán khá cao, khi ăn có vị mặn-ngọt và đăng đắng ở đầu lưỡi.

Ngoài ra, rất nhiều loại cá loại 2 – 3 bị ươn, bốc mùi đã được một số cơ sở xử lý hóa chất, sau đó ngâm thật nhiều muối và phơi khô tung ra bán dịp cuối năm…

Theo chỉ dẫn của chị Loan, một tiểu thương chuyên bán hàng khô trong chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình, TP.HCM), chúng tôi tìm về thị trấn Vàm Láng (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) nằm cách TP.HCM khoảng 90 km để tìm hiểu “công nghệ” tẩm màu cá khô ở đây.

“Cá khô nhiều loại lắm, như cá mói, cá đổng, chỉ vàng, đú, lạch, lịch, ngát, lưỡi trâu… để cả năm không hư. Tụi này lấy trực tiếp từ mấy chủ vựa ở cảng Vàm Láng, bình quân khoảng vài chục ngàn đồng một kg, nhưng loại có tẩm màu, gia vị thì đắt hơn, giá từ 80-90 ngàn đồng/kg” - chị Loan nói.

Cá khô tẩm màu và không tẩm màu

Chúng tôi nhờ anh Hiệp, ấp Chợ, thị trấn Vàm Láng dẫn đi khảo sát tại một số chủ vựa bán cá khô ngay tại cảng Vàm Láng. Bà Hải (quen gọi bà Tư), một người có tiếng bán cá khô với giá phải chăng hỏi tôi: “Mua cá khô về dùng hay biếu.

Nếu dùng nên mua cá chỉ vàng đã ướp gia vị, nướng lên thơm phức, nhưng về nhà để 2-3 tháng phải mang ra phơi 1-2 nắng chống hư. Còn cá khô tẩm màu như con cá lịch, lịch củ, cá chành thì hơi mắc, 90 ngàn/kg. Mấy người mua thường mang về quê biếu bởi thân cá dài, lớn, màu đẹp, ăn cũng ngon, để cả năm không hư”.

Sau khi băng qua nhiều ngõ ngách chật hẹp của con đường xuyên chợ Vàm Láng, chúng tôi tiếp cận với hộ ông Tài, làm nghề cá khô từ chục năm nay.

Trên nền xi măng, cá biển chết được chất la liệt, mùi tanh hôi bốc lên khó chịu. Tại đó đang có 3 lao động nữ mang khẩu trang kín mít, tay thoăn thoắt móc ruột, đánh vây, vảy, kể cả lột da (đối với cá lưỡi trâu) trước khi đưa vào các thau nhựa 20 lít để ngâm muối.


Cá lịch được tẩm màu và gia vị trước khi đem phơi khô, giá bán 80 ngàn/kg

Do nguyên liệu chủ yếu là cá chết nên vào những lúc cá biển về nhiều, chế biến không kịp thì ông Tài sẽ ướp muối đá cho vào “kho” dự phòng để sản xuất vào những ngày biển động. Bình quân mỗi ngày gia đình ông Tài chế biến cả tạ cá khô, còn vào các ngày tết thì công suất tăng gấp 2-3 lần.

“Làm nghề này sướng nhất là mùa nắng nóng bởi nhiệt độ cao, cá khô nhìn đẹp, hấp dẫn, chi phí lại không cao. Còn mùa mưa thì chất lượng giảm, chi phí cũng cao vì muốn để cá khô đạt yêu cầu là phải sấy bằng nhiệt, tức sử dụng quạt đẩy hơi nóng từ bếp than sang các vỉ khô”- ông Tài giải thích.

- Còn cá khô tẩm màu thì sao?

- Nói chung là muốn làm được 1 kg cá khô phải mất 4-5 kg cá tươi. 1 kg cá chết tùy loại, thấp nhất giá 7.000đ/kg, cao nhất mười mấy ngàn đồng. Tùy loại cá mà tẩm màu, gia vị. Cá chỉ vàng, cá lịch, cá chành… đều có tẩm màu và gia vị.


Cá biển sau khi xử lý (móc ruột, đánh vảy) được đem ngâm muối trong các thau nhựa lớn 20 lít

Tui thường dùng phẩm màu “gạch tôm” giá chỉ có 500đ/ống màu trắng, không biết của ai (?) mà xài thấy tốt, giữ màu lâu không phai. Cứ 1 ống màu dùng được 2 kg cá nguyên liệu và trộn chung với gia vị như đường, bột ngọt, ngũ vị hương; có trường hợp chỉ sử dụng phẩm màu không trộn chung gia vị khi nguyên liệu cá chết chuyển qua dấu hiệu ươn (thối) biến màu.

Ông Lê Văn Tuấn, Chi hội trưởng Hội Nông dân Ấp Chợ, cũng làm nghề chế biến sản xuất cá khô cho hay: Do nguồn nguyên liệu hầu hết là cá chết nên có 3 công đoạn quan trọng nhất trong chế biến cá khô là: Phân loại, ngâm muối và phơi khô.

Những hộ có uy tín làm nghề lâu năm (mỗi ngày từ 1-2 tạ), phân loại cá chết ngay lúc tàu đánh bắt vừa cập cảng, sau đó đem về chế biến ngay, không kể ngày đêm nhằm bảo đảm độ “tươi”...

Nếu nắng tốt, chỉ cần phơi 2 nắng là cá khô đạt yêu cầu. Còn đối với những hộ làm nhỏ lẻ, sản xuất chừng 20 kg cá khô/ngày thì họ mua bất kể loại cá nào, kể cả cá ươn ngả màu, bắt đầu có mùi, cá loại 3, giá rẻ khoảng 3-5 ngàn đồng/kg như cá đù, cá chỉa, cá thòng lòng…, sau đó mang về xử lý bằng hóa chất (chủ yếu là NaOH, dân gian gọi là sút) trước khi móc ruột.

Tiếp theo là ngâm thật nhiều muối để xử lý “độ” ươn. Bình thường chỉ có 2 kg muối pha 1 thau nhựa 20 lít nước thì họ ngâm số lượng muối gấp 2-3 lần. Sau đó là trộn màu cho cá trước khi phơi khô để giữ màu đẹp...


Cá biển chết được “móc ruột, đánh vây, vảy” trước khi ngâm muối và đem phơi khô

Loại khô cá này có đặc điểm để lâu, ăn rất mặn nhưng cũng dễ nhận biết là khi nướng lên cá sẽ nhanh chóng bị cháy đen, mùi khét. “Tuy nhiên những hộ nhỏ lẻ này không nhiều, họ chỉ tranh thủ làm theo thời vụ như đón đầu những ngày lễ, ngày tết, chứ bên VSATTP của huyện, tỉnh lâu lâu xuống kiểm tra, người ta siết kỹ lắm nên cũng giảm đi nhiều”- Ông Tuấn nói.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm