| Hotline: 0983.970.780

Lo sốt vó lệnh cấm trại lợn

Thứ Ba 29/04/2014 , 09:22 (GMT+7)

Hơn 2 tháng nay, 27 hộ gia đình và xã viên HTX chăn nuôi & dịch vụ Cổ Đông lo sốt vó trước văn bản yêu cầu chấm dứt hoạt động do gây ô nhiễm.

+ 27 trại lợn đứng trước bờ vực phá sản

+ Hàng trăm lao động mất việc làm

Hơn 2 tháng nay, 27 hộ gia đình và xã viên HTX chăn nuôi & dịch vụ Cổ Đông lo sốt vó trước văn bản của UBND TP Hà Nội và UBND huyện Thạch Thất, yêu cầu các chủ trại phải chấm dứt hoạt động chăn nuôi trên khu đất D26 thuộc Bộ Tham mưu - Tổng cục Hậu cần (BTM/TCHC) sau ngày 30/6/2014.

“ÁN TRẢM” Ở KHU TRẠI LỢN LỚN NHẤT HÀ NỘI

Năm 2006, sau khi đạt được thỏa thuận liên doanh liên kết chăn nuôi với BTM/TCHC, ông Nguyễn Văn Luân, Phó Chủ nhiệm HTX Cổ Đông cùng nhiều hộ gia đình đã góp vốn, góp sức xây dựng một khu trang trại nuôi lợn tập trung quy mô lớn, xa khu dân cư trên vùng đồi bán sơn địa hoang vu tại khuôn viên đất quốc phòng trên địa bàn xã Yên Bình, huyện Thạch Thất.

Tổng số vốn đầu tư đến nay ước khoảng 120 tỷ đồng (gồm 80 chuồng nuôi khép kín số lượng 500 con/chuồng/lứa; hệ thống xử lý chất thải, xây dựng 2 trạm điện và mở rộng đường, đào ao hồ…).

Hàng năm, khu chăn nuôi này cung cấp ra thị trường khoảng 80.000 tấn thịt lợn chất lượng cao, đảm bảo nguồn thực phẩm sạch đạt tiêu chuẩn quốc tế cho người tiêu dùng Thủ đô. Số lượng lao động thường xuyên tại khu chăn nuôi khoảng 250 người và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động thời vụ/năm.

Tuy nhiên, trước văn bản số 144/UBND – TNMT của UBND huyện Thạch Thất ngày 17/2/2014, yêu cầu các chủ trại chăn nuôi trên khu đất Tiểu đoàn 26 (Bộ Tham mưu - Tổng cục Hậu Cần) không nhập thêm giống lợn; sau ngày 30/6/2014 chấm dứt việc chăn nuôi tại khu đất trên; đồng nghĩa sẽ có 27 trại lợn với tổng số 50 chuồng nuôi khép kín theo mô hình công nghiệp (500 con/lứa) hiện đại, tổng vốn đầu tư ước khoảng 75 tỷ đồng bị xóa sổ.

Dựa vào kết quả kiểm tra về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước tại các trang trại chăn nuôi trong khuôn viên đất Tiểu đoàn 26 trong các năm 2011, 2012, 2013 của UBND huyện Thạch Thất, và kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra Thanh tra Bộ Quốc phòng ngày 20/11/2013 về việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng tại D26, BTM/TCHC thì hầu hết các chủ hộ được ông Nguyễn Văn Luân giao quản lý các chuồng trại đã đầu tư các công trình xử lý môi trường không đúng bản cam kết theo đề án bảo vệ môi trường đã được xác nhận.

Các công trình chỉ để chứa chất thải chứ không xử lý, do đó có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng môi trường khu vực xung quanh. Và, các hộ chăn nuôi không có khả năng khắc phục hậu quả.

KẾT LUẬN CÓ KHÁCH QUAN?

Ông Nguyễn Văn Luân, Phó chủ nhiệm HTX chăn nuôi & dịch vụ Cổ Đông, người đại diện phát ngôn cho các hộ chăn nuôi ở khu đất trên cho rằng, kết luận của UBND huyện Thạch Thất chưa phản ánh đúng với thực tế. Bởi, hơn 70% số hộ chăn nuôi đã trang bị hầm biogas để xử lý chất thải. 30% hộ chăn nuôi còn lại đã trang bị hầm xử lý chất thải có che phủ và số hộ này đang tiến hành xây dựng hầm biogas.

Mặt khác, khu vực chăn nuôi cách khu dân cư 1.500 m (theo quy định là 500 m), đảm bảo độ an toàn cho người dân ở khu vực lân cận.

Toàn bộ 100% nước thải do các chuồng nuôi thải ra bản chất đều là chất thải hữu cơ nhanh phân hủy, và cũng không đổ trực tiếp ra môi trường tự nhiên mà được xử lý qua hầm biogas rồi lắng, lọc và chảy vào hệ thống hồ thủy sinh có thả ao bèo tự nhiên diện tích 5 ha (thuộc quyền sử dụng của HTX Cổ Đông) để tiếp tục xử lý, sau đó theo dòng chảy vào phần mương có độ dài 1 km và nhập vào phần hệ thống thoát nước chung.

13-15-05_nh-2
Sau khi được xử lý qua hầm biogas, nước thải chăn nuôi chảy vào hồ thủy sinh có thả ao bèo rộng 5 ha rồi mới đổ ra hệ thống thoát nước chung

Tuy nhiên, ông Luân cũng thừa nhận do trình độ hiểu biết về pháp luật cũng như khoa học kỹ thuật về môi trường của các hộ chăn nuôi còn hạn chế và thiếu vốn đầu tư nên một số hạng mục xử lý chất thải (như hầm biogas) chưa đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng. Do đó đã xảy ra tình trạng ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Các đơn vị, ban ngành liên quan đã từng đến làm việc và xử lý vi phạm đối với các hộ chăn nuôi, theo đó họ đã chấp hành nộp phạt, từng bước khắc phục vấn đề môi trường như nạo vét tuyến kênh mương chảy từ khu chăn nuôi đến địa bàn xã Thạch Hòa (tiếp giáp với xã Yên Bình).

Đầu năm 2014, các hộ chăn nuôi đã liên kết xử lý chất thải rắn đối với Cty TNHH MTV Phát triển và đầu tư Thịnh Phát để thu gom, xử lý đúng quy trình và sản xuất phân vi sinh tại chỗ, từ đó giảm lượng chất thải ra môi trường xung quanh.

Ông Phùng Văn Vượng, GĐ Cty Thịnh Phát cho biết: Khu vực sản xuất phân vi sinh của Cty chúng tôi được quy hoạch trên diện tích 1,5 ha, kề sát các khu chuồng trại của các hộ dân trong khuôn viên đất quốc phòng. Tuy mới triển khai xây dựng từ cuối năm 2013, nhưng hiện Cty đã có hệ thống nhà kho và 3 bể thẩm thấu, ủ men vi sinh với thể tích 230 m3/bể, giải quyết triệt để chất thải chăn nuôi cho khoảng 24 chuồng nuôi.

Cty vẫn đang tiếp tục huy động vốn để đầu tư mạnh cho xây dựng bể thẩm thấu và ủ men. Đồng thời, kết hợp với các chủ trại xây dựng hệ thống dẫn phân thải khép kín từ các chuồng nuôi đến xưởng sản xuất phân.

NÊN CỨU, KHÔNG NÊN CẤM?

“UBND huyện Thạch Thất đánh giá chúng tôi không đủ khả năng bảo vệ môi trường và làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là chưa thật khách quan và công bằng, không đúng với thực tế”,
ông Luân nói.

"Quyết định của UBND huyện Thạch Thất về việc chấm dứt chăn nuôi và ngừng sản xuất tại khuôn viên Tiểu đoàn D26, BTM/TCHC sau ngày 30/6/2014 khiến chúng tôi rất hoang mang và lo lắng. Bởi một nửa khu trại lợn của HTX sẽ bị xóa sổ.

Trong khi đó, để đầu tư xây dựng chuồng nuôi, toàn bộ 27 hộ gia đình nằm trong diện cưỡng chế đang phải thế chấp sổ đỏ và tài sản để vay vốn từ 500 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/hộ. Chắc chắn, họ sẽ lâm vào cảnh nợ nần, phá sản. Và, ngân hàng sẽ phải gánh thêm hàng chục tỷ đồng nợ xấu", ông Nguyễn Văn Luân, Phó chủ nhiệm HTX chăn nuôi & dịch vụ Cổ Đông cầu cứu.

Từ thực trạng của các hộ chăn nuôi; thực tế sự đóng góp về mặt kinh tế cũng như an sinh xã hội tại địa phương và nhận thức sai phạm, đồng thời tiến hành các biện pháp bảo vệ môi trường, giải quyết hậu quả do quá trình chăn nuôi tạo ra, các xã viên HTX Cổ Đông đã viết đơn kiến nghị lên Thành ủy Hà Nội, UBND TP Hà Nội, Tổng cục Hậu cần và Thủ tướng Chính phủ.

13-15-05_nh-4Xưởng sản xuất phân vi sinh trong khu trại lợn đã đi vào hoạt động, và xử lý chất thải chăn nuôi hiệu quả

Trong đó đề nghị các cơ quan, ban ngành chức năng kết hợp với một số chuyên gia trong lĩnh vực xử lý môi trường xuống hiện trường kiểm tra thực tế và đánh giá năng lực thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường của bà con. Đồng thời hướng dẫn bà con hoàn thiện quy trình xử lý môi trường đảm bảo yêu cầu và đúng với các quy định của pháp luật về môi trường.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Agribank bổ sung 35.000 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi hỗ trợ nền kinh tế

Ngay đầu quý II/2024, Agribank bổ sung thêm 35.000 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp.