| Hotline: 0983.970.780

Lo thiếu vốn

Thứ Hai 14/11/2011 , 11:46 (GMT+7)

Vào thời điểm cơn lũ lịch sử đạt đỉnh, đã có hàng ngàn hộ dân chịu cảnh mất trắng vì vỡ đê. Do đó, vụ lúa kế tiếp chắc chắn nông dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thiếu vốn.

Nông dân chuẩn bị đất cho vụ đông xuân
Vụ lúa thu đông (vụ 3), nông dân ĐBSCL đã trúng mùa, còn trúng giá. Tuy nhiên, vào thời điểm cơn lũ lịch sử đạt đỉnh, đã có hàng ngàn hộ dân chịu cảnh mất trắng vì vỡ đê. Do đó, vụ lúa kế tiếp chắc chắn nông dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thiếu vốn.

Chúng tôi trở lại huyện Tân Hồng và thị xã Hồng Ngự, hai địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất trong trận lũ lịch sử vừa qua ở tỉnh Đồng Tháp. Tại các xã Tân Hội (thị xã Hồng Ngự), Tân Thành A, Thông Bình (huyện Tân Hồng) đã có hàng ngàn ha lúa bị mất trắng do vỡ đê. Cùng với đó, có hàng ngàn hộ dân chịu cảnh nợ nần và khó có khả năng tái đầu tư vì thiếu vốn.

Ông Nguyễn Văn Niếu ở xã Tân Hội (thị xã Hồng Ngự) cho biết, vụ 3 năm nay gia đình đã mất trắng 8,5 công lúa, với số tiền gần 15 triệu đồng. Đáng lo nhất chính là phần chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào. Bởi lẽ thông thường nông dân nơi đây đều chạy đến cửa hàng VTNN để mua thiếu và chịu lãi về sử dụng. Do vậy, khi tiếp tục đầu tư sản xuất cũng đồng nghĩa với việc nợ chồng lên nợ.

 “Không ai ngờ năm nay lũ lên lớn quá, nếu không bị bể đê thì với giá lúa như hiện giờ gia đình tui cũng kiếm lời được khoảng 20 triệu. Còn bây giờ chẳng những không có lúa ăn, lúa giống mà số nợ vẫn còn nguyên ở ngân hàng và ở đại lí phân bón, thuốc BVTV. Nếu không được hỗ trợ vay vốn thì không biết lấy đâu ra tiền để làm tiếp vụ sau” - ông Niếu lo lắng nói.

Còn ông Trần Văn Huệ, ở ấp Thi Sơn, xã Tân Thành A (huyện Tân Hồng) lại than rằng, gia đình ông chỉ có 3 công ruộng để sản xuất giống. Để có thêm thu nhập, trong vụ 3 vừa qua, ông sang ấp Chiến Thắng thuê 52 công ruộng với tổng số tiền gần 50 triệu đồng làm lúa thương phẩm. Thế nhưng nước lũ lần lượt nhấn chìm tất cả diện tích lúa giống và lúa thương phẩm, hiện ông Huệ đang ẵm khoản nợ khá lớn mà không biết bao giờ trả hết.

Ông Huệ chua xót nói: “Khi thấy nước lũ uy hiếp đê, gia đình tui đã hy sinh một chiếc phà mới đóng hơn 100 triệu để cùng bà con bảo vệ lúa chỉ còn khoảng 15 ngày là cắt. Vậy mà chỗ ém chiếc phà nó không bể nhưng lại bể chỗ khác mới chết chứ! Nghe địa phương nói đã đề nghị phía ngân hàng cho khoanh nợ nhưng không biết chắc là như thế nào. Nếu không có vốn làm tiếp cho vụ sau thì khó khăn lắm!”.

Ông Nguyễn Ngọc Rạng - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong đợt lũ vừa qua, nông dân trong tỉnh bị thiệt hại khoảng 49 tỉ đồng, bao gồm thiệt hại về lúa, cá, cây ăn trái. Số hộ dân bị thiệt hại này đã được đồng ý cho gia hạn nợ và bổ sung vốn mới. Qua thống kê nhu cầu vốn cho vụ đông xuân, toàn tỉnh cần đến 400 tỉ đồng để phục vụ sản xuất. Trong đó, 350 tỉ đồng cho vay ngắn hạn và 50 tỉ đồng vay theo hình thức trung hạn để trang bị máy móc, thiết bị phục vụ cơ giới hóa.

 “Hiện tại một số ngân hàng ở các huyện đã triển khai cho nông dân vay vốn. Tùy theo nhu cầu, nông dân có thể vay trên mức 20 triệu đồng/ha vì phía ngân hàng đã chuẩn bị đầy đủ vốn phục vụ” - ông Rạng nói.

Bà Phan Thị Yến Nhi, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang:

Trước khó khăn của nông dân vùng bị thiệt hại do những vụ vỡ đê vừa qua trên địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp đã có kiến nghị để ngân hàng tiếp tục cho nông dân được gia hạn nợ và vay vốn mới sản xuất. Hiện tại phía ngân hàng cũng đã có thống kê số hộ bị thiệt hại và nhu cầu vốn vay mới. Quyết tâm của tỉnh là không để nông dân không thể sản xuất vì thiếu vốn.

Cùng cảnh ngộ trên, nông dân ở các huyện bị thiệt hại do lũ như Châu Thành, Châu Phú, Chợ Mới, Tri Tôn, Tịnh Biên và thị xã Châu Đốc (An Giang) đã có trên 5.000 ha lúa bị mất trắng. Do đó, cũng có hàng ngàn hộ dân tỏ ra lo lắng khi vụ đông xuân đã cận kề mà không biết lấy vốn đâu sản xuất. Qua trao đổi, ông Mai Văn Điền ở xã Vĩnh Châu, thị xã Châu Đốc cho biết, trong trận lũ làm vỡ đê vừa qua ở xã, gia đình ông Điền cũng mất trắng 3 ha lúa trong giai đoạn 40 ngày tuổi.

Theo ông Điền, mỗi ha lúa, nông dân đầu tư ít nhất cũng trên 15 triệu đồng. Do đó, trong vụ vỡ đê gia đình ông đã ngậm ngùi nhìn nước lũ “cuốn trôi” khoảng 45 triệu đồng. Cũng như nhiều nông dân khác, ông Điền than rằng, cứ một mùa vụ trắng tay là nông dân phải gánh số nợ dài dài vài ba năm sau mới có thể trả dứt.

“Hy vọng vụ tới được ngân hàng tiếp tục cho nông dân vay vốn và đại lí phân, thuốc trừ sâu đừng tính thêm tiền lời. Có như vậy thì mới mong bà con mình có thể gỡ gạc được phần nào thiệt hại” - ông Điền than vậy.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất