| Hotline: 0983.970.780

Lô xoài chiếu xạ phía Bắc đầu tiên đi Úc

Thứ Năm 29/06/2017 , 07:20 (GMT+7)

Ngày 28/6, lô xoài đầu tiên chiếu xạ tại phía Bắc được trồng tại Sơn La đã chính thức XK sang thị trường Úc. Dù lượng XK chưa lớn, nhưng đây là tín hiệu vui nhằm mở ra triển vọng để khai thác tiềm năng cho ngành hàng hoa quả tại các tỉnh phía Bắc.

Nhiều lợi thế cho xoài phía Bắc

Theo Cục BVTV, đây là lô xoài tượng da xanh được trồng tại 2 vùng trồng đã được Cục BVTV cấp mã số gồm vùng trồng tại bản Văn Lùng, xã Chiềng Hặc (huyện Yên Châu) và bản Noong Xôm, xã Hát Lót (huyện Mai Sơn) của tỉnh Sơn La.

18-06-59_nh_1
Kiểm dịch lô xoài của Sơn La trước khi chiếu xạ tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội

Để xúc tiến cho kế hoạch XK xoài của Sơn La, trong 2 năm 2016-2017, Cục BVTV phối hợp với các cơ quan của tỉnh Sơn La và Đại sứ quán Úc tại Việt Nam tích cực triển khai xây dựng, cấp mã số vùng trồng và đã được cơ quan kiểm dịch thực vật (KDTV) phía Úc chấp nhận.

Lô xoài vừa XK được đóng gói và chiếu xạ tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam) theo đúng quy cách mà phía cơ quan thẩm quyền Úc và Việt Nam đã thỏa thuận. Năm nay, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì cơ chế hỗ trợ đối với các loại nông sản XK, theo đó, mức chi phí đối với mỗi kg xoài XK với liều lượng 400-1.000 Gray là 8.000 đ. Đây là mức phí khá thấp so với các Cty chiếu xạ thực phẩm tại phía Nam (thường từ 10.000 – 15.000 đ/kg).

Ông Đàm Quang Thắng, GĐ Cty TNHH Agricare Việt Nam (Cty Agricare), đơn vị thực hiện XK cho biết: Theo kế hoạch, toàn bộ các lô xoài tại phía Bắc năm nay sẽ được vận chuyển bằng đường biển qua cảng Hải Phòng. Trước đó, Cty này cũng đã chuyển vào TP.HCM chiếu xạ và XK thí điểm một lô xoài của Sơn La sang Úc.

Theo đó, loại xoài tượng da xanh của Sơn La đã được đối tác cũng như người tiêu dùng Úc đánh giá rất cao. Xoài là mặt hàng XK truyền thống của Cty Agricare, nhưng lâu nay đều là xoài miền Nam, đây là năm đầu tiên Cty triển khai XK xoài tại phía Bắc. Đối với xoài tượng xanh Sơn La, ông Thắng cho biết thời gian thu hoạch tập trung từ cuối tháng 6 đến tháng 8 hàng năm, đây cũng là thời điểm mà vụ xoài miền Nam đã hết nên lách được vụ để duy trì nguồn hàng XK bổ sung cho xoài miền Nam rất tốt. Về chất lượng, xoài Sơn La có hương vị, độ chua thanh và giòn đặc trưng, được khách hàng tại Úc ưa chuộng do vừa phù hợp với ăn xanh, làm nộm, sa-lát, vừa có thể ăn chín với chất lượng thơm ngọt.

18-06-59_nh_2
Đóng gói và đưa xoài đi chiếu xạ

Cũng theo ông Thắng, xoài Việt Nam nói chung có khả năng cạnh tranh rất tốt so với xoài các nước tại Úc về chất lượng, tuy nhiên do phí vận chuyển còn cao nên giá vẫn còn hơi cao. Điều này một phần do công nghệ bảo quản của chúng ta chưa cho phép kéo dài để vận chuyển bằng đường biển.

“Xoài tượng da xanh Sơn La có thể ăn tươi hoặc chín, thu hoạch được từ khi còn xanh, kéo dài thời gian lưu trữ tới 3 tuần rất thuận tiện để vận chuyển bằng đường biển. Bên cạnh đó, do là tỉnh miền núi, chi phí vận tải còn cao nên tới đây, vùng trồng, thu hoạch, sơ chế đóng gói sẽ phải tiếp tục hoàn thiện theo hướng thành vùng tập trung để hạ tối đa chi phí” – ông Thắng đánh giá.
 

Thêm cú hích cho cây ăn quả phía Bắc

Ông Lê Sơn Hà, Trưởng phòng KDTV (Cục BVTV) đánh giá: Vụ xoài 2017, mặc dù diện tích và lượng xoài XK được cấp mã số vùng trồng tại Sơn La chỉ mới dừng ở quy mô thí điểm khoảng 20ha, tuy nhiên, việc những lô xoài đầu tiên tại phía Bắc XK được sang thị trường Úc có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi Úc (cùng với Newzeland và Mỹ) là một trong những nước có quy định về KDTV thuộc diện ngặt nghèo nhất thế giới hiện nay. Điều đó có nghĩa khi hoa quả đã XK được sang Úc, sẽ tạo được thương hiệu, uy tín lớn trên thị trường quốc tế và hoàn toàn có thể XK được sang đại đa số các thị trường khó tính trên thế giới.

18-06-59_nh_3
Việc XK được xoài sang thị trường khó tính như Úc sẽ tạo cú hích cho SX cây ăn quả tại các tỉnh phía Bắc

Đối với các tỉnh phía Bắc nước ta, cùng với một số ít hoa quả đã XK được sang thị trường khó tính như vải thiều sang Mỹ, Úc, việc có thêm xoài phía Bắc XK được sang Úc sẽ là cú hích mới để tổ chức SX trong nước theo hướng có điều kiện, nhất là kiểm soát vệ sinh ATTP và kiểm soát dịch hại, đảm bảo chất lượng có điều kiện khắt khe để XK.

Ông Hà cho biết, thời gian qua, mặc dù kim ngạch XK mặt hàng rau quả liên tục tăng trưởng với tốc độ bình quân 30%/năm (dự kiến cán mốc 3 tỉ USD năm 2017), tuy nhiên điều đáng mừng là cơ quan KDTV Việt Nam không nhận được thông tin nào phản hồi từ các thị trường XK liên quan tới các vấn đề về vi phạm điều kiện vệ sinh ATTP cũng như kiểm soát dịch hại. Điều này cho thấy khâu tổ chức, giám sát SX trong nước cũng đang từng ngày được cải thiện theo chiều hướng tốt hơn so với nhiều năm trước đây.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đàm Quang Thắng, GĐ Cty Agricare cho biết: Mặc dù mới là năm đầu tiên triển khai cấp mã số vùng trồng và SX xoài theo quy trình nghiệm ngặt để XK sang thị trường khó tính như Úc, tuy nhiên về cơ bản, nông dân tại tỉnh miền núi Sơn La đã đáp ứng được các yêu cầu.

“Cái chúng tôi ái ngại nhất vẫn là khâu tổ chức SX của nông dân, và phải duy trì được quy trình SX ở các vùng trồng đã cấp được mã số. Vì vậy ngành nông nghiệp, đặc biệt là chính quyền các địa phương nơi có các vựa cây ăn quả lớn có tiềm năng XK phải đặc biệt dành sự quan tâm, tập huấn, đào tạo thật nhiều hơn nữa cho nông dân trong quản lí SX thì mới tiến tới XK bền vững được” – ông Thắng đề nghị.

Theo Cục BVTV, trong năm 2017, Cục đang tiếp tục bám sát để đẩy nhanh tiến độ đàm phán, phân tích đánh giá nguy cơ dịch hại (PRA) đối quả thanh long (ruột đỏ và ruột trắng) để XK sang Úc. Hiện Cục đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan KDTV của Úc để hoàn thiện các bước thủ tục kỹ thuật cuối cùng, nhiều khả năng Úc sẽ cho phép NK thanh long vào cuối năm 2017. Ngoài ra, Cục cũng đang đàm phán với phía Nhật Bản để sớm XK quả vải sang thị trường này, hiện tiến độ công việc đã hoàn thiện khoảng 50%. Đối với nhãn, ngoài việc đã XK được sang Mỹ, Cục BVTV đang đàm phán với Úc và Newzeland…

Đối với tỉnh Sơn La, ngoài quả xoài vừa được XK đi Úc, hiện UBND tỉnh và Cục BVTV đang khẩn trương lựa chọn, xây dựng để cấp mã số vùng trồng cho một số diện tích nhãn (tập trung tại huyện Sông Mã) để XK sang Mỹ.

“Hiện tại, giá xoài tượng xanh bán xô tại Sơn La khoảng 16.000 đ/kg, nhưng xoài XK được DN thu mua giá từ 20.000-22.000 đ/kg, hiệu quả thấy rõ. Sơn La đã có quy hoạch cây ăn quả lên 100 nghìn ha vào năm 2030 (trong đó xoài 50 nghìn ha), tập trung vào các cây có thế mạnh như nhãn, xoài, bơ… để tiến tới XK. Chúng tôi cố gắng sẽ cấp xong mã số vùng trồng trong năm 2017 và vụ nhãn năm 2018, sẽ XK được những lô vải đầu tiên của Sơn La đi Mỹ” – ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết.

 

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm