| Hotline: 0983.970.780

Loại hàng trăm dự án thủy điện khỏi quy hoạch

Thứ Ba 15/10/2013 , 08:52 (GMT+7)

Chính phủ rút Dự án xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ra khỏi quy hoạch đồng thời loại bỏ thêm 6 Dự án thủy điện bậc thang, 418 Dự án thủy điện nhỏ ra khỏi quy hoạch.

Chính phủ rút Dự án xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ra khỏi quy hoạch đồng thời loại bỏ thêm 6 Dự án thủy điện bậc thang, 418 Dự án thủy điện nhỏ ra khỏi quy hoạch.

Dứt điểm

Ngày 14/10, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về kết quả rà soát quy hoạch đầu tư xây dựng các dự án thủy điện trên cả nước.

Đề cập đến lợi ích kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Hoàng cho biết, hàng năm các nhà máy thủy điện (NMTĐ) đang vận hành đã đóng góp cho ngân sách nhà nước và xã hội khoảng 6.500 tỷ đồng tiền thuế VAT, thuế tài nguyên nước, phí DVMTR…

Đồng thời với việc đầu tư xây dựng các DATĐ, một số cơ sở hạ tầng trong khu vực dự án và tại các khu/điểm tái định cư được nâng cấp, xây dựng mới khá đồng bộ và kiên cố, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KT-XH và văn hóa cho người dân địa phương.


Ảnh minh họa

Ví dụ, các NMTĐ trên toàn tỉnh Đắk Lắk hiện nay tạo việc làm cho 542 lao động với thu nhập ổn định. Tại tỉnh Sơn La, các NMTĐ nhỏ đã nộp ngân sách Nhà nước năm 2012 khoảng 100 tỷ đồng trong tổng số doanh thu khoảng 700 tỷ đồng; số lao động có Hợp đồng lao động dài hạn tại các NMTĐ này là 485 người với mức thu nhập khá cao (5,5 triệu đồng/người/tháng).

Các DATĐ này cũng đã tham gia đầu tư mới trên 55 km và cải tạo trên 100 km đường nông thôn tại nhiều xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa; bình quân, 1 MW thủy điện nhỏ chỉ chiếm dụng 2,99 ha đất và 1 ha đất bị chiếm dụng đem lại giá trị sản xuất công nghiệp 1,22 tỷ đồng/năm.

Nhưng việc đầu tư xây dựng các DATĐ cũng đã gây ảnh hưởng khá lớn đến dân cư trong khu vực dự án; chiếm dụng khá nhiều đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng; phần nào làm thu hẹp không gian sống của người dân bản địa; tác động tiêu cực nhất định đến môi trường - xã hội…

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rà soát đánh giá hiệu quả của các Dự án xây dựng công trình thủy điện trên cả nước và quyết định loại khỏi quy hoạch 6 DATĐ bậc thang và 418 DATĐ nhỏ do tác động tiêu cực lớn đối với MT-XH, hiệu quả thấp, ảnh hưởng quy hoạch/dự án ưu tiên khác.

Đồng thời, không xem xét quy hoạch 172 vị trí tiềm năng thủy điện. Tạm dừng, chỉ đầu tư xây dựng sau năm 2015 nếu điều kiện thực hiện thuận lợi đối với 4 DATĐ bậc thang và 132 DATĐ nhỏ. Các dự án cần tiếp tục rà soát đánh giá: gồm 149 DATĐ nhỏ và 9 DATĐ bậc thang.

Sau khi loại bỏ các DATĐ nêu trên, cả nước hiện còn lại 815 DATĐ có tổng Nlm = 24.324,3 MW. Trong đó, đã vận hành phát điện 268 dự án (14.240,5 MW); đang thi công xây dựng 205 dự án (6.198,8 MW), dự kiến đưa vào vận hành khai thác từ nay đến năm 2017.

Về DATĐ Đồng Nai 6 và 6A, sau khi có báo cáo số 142/BC-BTNMT ngày 30/8/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo loại hai DATĐ này khỏi qui hoạch. Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ ngành và địa phương lưu ý khắc phục các mặt trái, tiêu cực đến môi trường-xã hội.

Cần rút ra bài học kinh nghiệm

Đánh giá cao sự kiên quyết loại bỏ các công trình thủy điện nhỏ của Chính phủ, Chủ nhiệm UB Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng số lượng các dự án TĐ nhỏ trong quy hoạch là rất lớn (gần 90%) nhưng đóng góp về tổng công suất của các dự án này không nhiều (khoảng 26%) nên loại bỏ là cần thiết.

Tuy nhiên theo số liệu Chính phủ cung cấp thì các dự án TĐ nhỏ phải loại bỏ khỏi quy hoạch sẽ chiếm khoảng 37% đó là chưa tính những dự án phải tạm dừng tức là quy hoạch TĐ nhỏ sẽ thay đổi khá nhiều nên Chính phủ cần quan tâm đánh giá thêm tác động môi trường, KT-XH và hiệu quả đầu tư sau khi điều chỉnh quy hoạch TĐ nhỏ vì có trường hợp trên cùng một lưu vực sông nhiều dự án TĐ lớn và nhỏ đều bị loại hoặc tạm dừng.

Cũng trên cơ sở việc rút khỏi quy hoạch hai thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, ông Dũng đề nghị Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân, nghiên cứu sửa đổi quy trình, thủ tục lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường để rút ra bài học kinh nghiệm hạn chế thất thoát lãng phí cho xã hội.

Quan tâm đến sự an toàn của các công trình thủy điện, ông Kso Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc QH yêu cầu Chính phủ đưa nội dung đánh giá nguyên nhân dẫn đến sự cố các công trình thủy điện và báo cáo QH các giải pháp xử lý. Nội dung này là điểm nóng của dư luận trong suốt thời gian qua nhưng chưa được thể hiện trong báo cáo.

Trả lời ý kiến của ông Phước, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng báo cáo trực tiếp trước UBTVQH về công trình thủy điện Sông Tranh 2 đang tạm dừng tích nước và chỉ hoạt động cầm chừng, đặt mục tiêu đảm bảo an toàn về hồ đập, an toàn về tính mạng của nhân dân lên hàng đầu rồi mới tính đến hiệu quả kinh tế. Hiện Bộ vẫn đang quan trắc tiếp rồi mới trình Chính phủ quyết định tiếp tục tích nước hay chỉ giữ nước ở mức thấp.

Kết luận nội dung rà soát quy hoạch xây dựng dự án thủy điện, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua. Theo bà, nhìn ở khía cạnh tích cực thủy điện đã góp phần gia tăng tỉ trọng phát triển công nghiệp, tạo việc làm, điều tiết chống lũ...

Tuy nhiên thủy điện cũng tác động ngược lại đối với môi trường vì vậy khi xây dựng các công trình thủy điện cần cân nhắc, đánh giá kĩ lưỡng hiệu quả kinh tế với những nguy cơ mà công trình thủy điện có thể đem lại.

Để có được đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tiếp thu ý kiến của UBTVQH và bổ sung hoàn thiện báo cáo trước khi đưa ra trình QH.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.