| Hotline: 0983.970.780

Loạn giống lúa kháng bạc lá, nông dân rơi vào 'ma trận'

Thứ Ba 13/06/2017 , 08:28 (GMT+7)

NNVN khởi đăng loạt bài "Nhức nhối chất lượng vật tư nông nghiêp..." với hy vọng góp thêm một tiếng nói với cơ quan quản lý Nhà nước, nhằm bảo vệ quyền lợi của người nông dân...

Chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN), đầu vào của SX lâu nay vẫn là vấn đề nhức nhối. Giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi... vàng thau lẫn lộn, gây hoang mang và thiệt hại không nhỏ cho người nông dân. NNVN khởi đăng loạt bài này với hy vọng góp thêm một tiếng nói với cơ quan quản lý Nhà nước, nhằm bảo vệ quyền lợi của người nông dân vốn luôn chịu thiệt thòi...

15-17-17_kbl1
15-17-17_kbl2
Nhiều sản phẩm giống lúa BT7 khác nhau được quảng cáo tính năng kháng bạc lá tại một đại lý ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình)

Bất chấp văn bản “tuýt còi” của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), nhiều doanh nghiệp giống cây trồng vẫn ngang nhiên quảng cáo sai sự thật, thiếu căn cứ về tính kháng (chống) bạc lá của một số giống lúa khiến nông dân dễ hiểu lầm về chất lượng thực sự của sản phẩm. Những sai phạm trong kinh doanh giống diễn ra tràn lan và không khó để kiểm tra, phát hiện ở nhiều tỉnh ĐBSH. Thế nhưng, chẳng thấy bóng dáng cơ quan chức năng đâu.
 

Lời cảnh báo ứng nghiệm

Cùng thời điểm này năm 2016, nhóm phóng viên Báo NNVN đã thực hiện loạt bài điều tra công phu: “Ma trận” giống lúa kháng bạc lá”. “Sức nóng” của những bài báo thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Bởi, bệnh bạc lá được coi là căn bệnh “ung thư” đối với cây lúa, đặc biệt là các giống lúa chất lượng cao.

Qua khảo sát của NNVN vào thời điểm thực hiện loạt bài trên tại một số vùng trọng điểm sản xuất lúa chất lượng cao như huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng (Nam Định); Kim Sơn (Ninh Bình), Kiến Xương (Thái Bình), nơi nào cũng hiện diện hàng chục giống lúa được quảng cáo với tính năng kháng (chống) bạc lá,... được sản xuất bởi hàng chục công ty lớn, nhỏ.

Để rồi, khi bước vào một đại lý giống cây trồng, nông dân như lạc vào một ma trận, chẳng thể phân biệt được thật giả. Không ít người đã đặt cược niềm tin của mình vào những dòng chữ được in trên bao bì sản phẩm. Thế nhưng “chiếc áo không làm nên thầy tu”.

Ví dụ, trong “tập đoàn” giống lúa Bắc thơm 7 (BT7) được quảng cáo có thể kháng, chống, ít nhiễm bạc lá trên thị trường lúa giống vụ mùa, chỉ có hai sản phẩm đã được Bộ NN-PTNT công nhận về khả năng kháng bạc lá (thông qua chạy gen xác định gen kháng bạc lá, lây nhiễm nhân tạo và khảo nghiệm thực tế nhiều vụ trên đồng ruộng). Đó là giống Bắc thơm số 7 Kháng bạc lá của Cty CP Giống cây trồng Hải Dương và một đơn vị phân phối khác của Viện Nghiên cứu phát triển cây trồng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam).

15-17-17_kbl4
Một số sản phẩm giống lúa kháng bạc lá đang được lưu hành trên thị trường giống lúa vụ mùa 2017

Ngoài ra, theo ghi nhận của Thanh tra một số Sở NN-PTNT khu vực ĐBSH, nhiều giống lúa khác cũng được quảng bá nổi bật về khả năng kháng (chống) bạc lá trên bao giống như LT2, Nhị ưu 838, Kim cương 111... Tuy nhiên, không ít giống mới chỉ được Bộ NN-PTNT công nhận sản xuất thử và chưa có cơ sở chắc chắn để khẳng định, giống đó có khả năng chống, kháng bạc lá hay không và nếu có thì ở mức độ nào.

Rất nhiều nông dân ở các tỉnh trọng điểm trồng lúa chất lượng cao đã mua phải giống kháng bạc lá “dởm” và hứng chịu thêm một vụ mùa cay đắng. Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) đã đưa ra một con số gây choáng váng: Vụ hè thu - mùa năm 2016, tại các tỉnh phía Bắc, diện tích nhiễm bệnh bạc lá là gần 90.000ha (chiếm 9,4% tổng diện tích gieo trồng và tăng hơn 9 lần so cùng vụ năm 2015); diện tích nhiễm nặng 18.071ha, mất trắng 385ha (chủ yếu trên các giống lúa BT7 và LT2...). Bệnh thường gây hại bộ lá và lá đòng vào giai đoạn đòng - chín sữa, có thể giảm năng suất lúa từ 25 - 50%, thậm chí mất trắng.

Riêng tại Nam Định- “thủ phủ” lúa BT7 của cả nước”, nguồn tin từ Sở NN-PTNT cung cấp cho Báo NNVN, vụ mùa năm 2016 có tới 13.866 ha lúa nhiễm bệnh bạc lá, trong đó nhiễm nặng là 3.552 ha, diện tích thiệt hại giảm 70% năng suất là 15 ha.

Giả thiết, năng suất lúa BT7 đạt khoảng 5 tấn/ha (tương đương 180kg/sào), nếu năng suất lúa thiệt hại giảm vì bệnh bạc lá gây ra khoảng 30%, thì mỗi héc ta, nông dân thất thu 1.500kg lúa. Giá 1kg thóc khô BT7 khoảng 8.000 đồng/kg, do đó tỉnh Nam Định đã mất gần 21.000 tấn lúa, tương ứng với trên 160 tỷ đồng.
 

Doanh nghiệp nào đang gây nhiễu loạn thị trường?

Vào vai nông dân đi mua thóc giống vụ mùa, nhiều ngày qua, nhóm PV NNVN đã tiếp cận nhiều đại lý giống tại các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nội và Hà Nam để "thị sát" thị trường.

Thật bất ngờ, tại một đại lý gần UBND xã Đồng Hướng (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), trên sạp hàng bày bán 7 giống lúa của các công ty lớn, nhỏ khác nhau. Sản phẩm giống lúa BT7, ghi rõ “chống chịu bạc lá” của Công ty TNHH Giống lúa Thái Bình (địa chỉ: xã Nam Chính, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương); Sản phẩm giống lúa BT7 - “chống chịu bệnh bạc lá” của Công ty CP Nông nghiệp Thái Bình (địa chỉ: xã An Thọ, huyện An Lão, TP Hải Phòng).

Sản phẩm BT7 – “chống bạc lá” của Công ty CP Giống cây trồng và Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam (địa chỉ: CCN Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, không ghi số điện thoại). Đáng chú ý, ngày sản xuất và hạn sử dụng ghi trên gói giống 1 kg mà PV đã mua được ghi rất mờ ngày sản xuất và đặc biệt là không thể biết được hạn sử dụng.

Sản phẩm giống lúa BT7 – “chống chịu bạc lá” của Công ty Nam Dương (địa chỉ: 148 Nguyễn Hữu Tiến, Đồng Văn, Duy Tiên, Hà Nam), thông tin về hạn sử dụng in trên bao bì rất mờ...

15-17-17_kbl3
Sản phẩm BT7 được quảng cáo là “chống bạc lá” của Cty CP Giống cây trồng Nam Định

Chỉ có duy nhất sản phẩm BT7 của Tổng công ty CP Giống cây trồng Thái Bình (địa chỉ: Số 36 phố Quang Trung, phường Trần Hưng Đạo, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) là không quảng cáo khả năng kháng/chống bạc lá của giống lúa.

Tại một số cửa hàng VTNN tại huyện Yên Khánh (Ninh Bình), Kiến Xương (Thái Bình) và đường Văn Cao (TP Nam Định), nhóm PV ghi nhận một lượng giống BT7 khá lớn được quảng cáo có khả năng “chống bạc lá” của Cty CP Giống cây trồng Nam Định (số 96A đường Giải Phóng, phường Trường Thi, TP Nam Định) được bày bán công khai.

Còn tại đại lý N.P, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa (Hà Nội), giống lúa BT7 của Công ty CP Giống cây trồng Miền Nam đang được bày bán. Mặc dù không quảng cáo trực diện về tính năng kháng bạc lá, nhưng công ty này lại in rất to và đậm dòng chữ “không bạc lá là SSC” trên mặt trước bao bì sản phẩm, nhìn cách đó 4 mét cũng đọc rõ.

Nhờ những cụm từ “kháng bạc lá”, “chống bạc lá” giống như một “chất kích thích” để những nông dân vốn “nghiện” gieo cấy lúa an tâm sử dụng, thế nhưng sự chà đạp lên sự thật, lập lờ gây nhiễu loạn về chất lượng giống lúa bằng những quảng cáo “nổ như pháo rang” đã khiến nhiều người lầm tưởng và mắc lừa. Cuối cùng, người chịu thiệt hại không ai khác chính là nông dân.

Doanh nghiệp thừa nhận quảng cáo vống?

Có một điều hiển nhiên mà tất cả các chuyên gia về giống lúa ở Việt Nam đều thừa nhận, giống lúa BT7 có điểm yếu cốt tử là dễ nhiễm bạc lá trong vụ mùa khi gặp thời tiết bất lợi (mưa bão, nóng ẩm). Đồng thời, năng suất lúa không cao. Vậy thì dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn nào để các công ty lúa giống ở Việt Nam biến “gót chân A-sin” của giống BT7 trở nên hoàn hảo?

Câu trả lời được ông Mai Văn Đức – Giám đốc Cty CP Giống cây trồng Nam Định (đơn vị tung ra sản phẩm BT7 được quảng cáo là có khả năng chống bạc lá), thú thực: “Chúng tôi sản xuất bao bì (giống lúa BT7) có đề mấy chữ là “chống bạc lá”, nếu mình hiểu là quảng cáo quá mức cũng được. Trong quá trình mình chọn lọc, cũng có những dòng nó khá hơn, ý nó là như thế đấy chứ còn chúng tớ không có kháng bạc lá bạc liếc gì hết. Năm ngoái, anh Dũng (Hà Quang Dũng – PV), Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia cũng có ý kiến về việc công ty quảng cáo tính năng chống bạc lá của giống BT7, tinh thần của chúng tôi là tiếp thu ý kiến”.

Mặc dù ông Đức nói rằng: Giống BT7 của công ty chỉ bán với số lượng rất ít, và chỉ giới hạn trong địa phận tỉnh Nam Định. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi tại các đại lý ở Thái Bình và Ninh Bình đang bán rất nhiều sản phẩm này của công ty.

 

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm