| Hotline: 0983.970.780

Loạn "phí” giáo dục tiểu học: Khó xóa!

Thứ Tư 26/01/2011 , 10:10 (GMT+7)

Đại diện của ngành giáo dục cho biết, đây là những bất cập mà ngành không dễ “xóa bỏ” trong nhiều năm học tới.

Kết quả khảo sát mới đây của các chuyên gia giáo dục thuộc Quỹ Hợp tác Phát triển Bỉ và Tổ chức Minh bạch Thế giới, rất nhiều trường tiểu học Việt Nam đã chi tiêu cao hơn ngân sách của địa phương. Đại diện của ngành giáo dục cho biết, đây là những bất cập mà ngành không dễ “xóa bỏ” trong nhiều năm học tới.

Chi tiêu vô tội vạ

Cuối năm 2008, khi tiến hành điều tra tại 89 trường tiểu học thuộc sáu tỉnh, TP là Đồng Nai, Đồng Tháp, Gia Lai, Hải Phòng, Lào Cai và Quảng Ngãi, các chuyên gia nghiên cứu về giáo dục “giật mình” khi phát hiện ra một số địa phương chi tiêu cho giáo dục chỉ theo “định tính”. Tại một Phòng Giáo dục của huyện A, bảng lương dành cho số giáo viên nhận tại trường ít hơn bảng lương tại Phòng Giáo dục huyện. Đại diện của phòng giải thích: Chênh lệch bởi có nhiều giáo viên kiêm chức, phần lớn thời gian làm việc quản lý tại phòng, chỉ thỉnh thoảng mới tham gia giảng dạy ở trường nên không cần có trong danh sách (!?).

Hay một huyện khác, chi phí mua văn phòng phẩm và một số vật dụng khác cho Phòng Giáo dục huyện được phân bổ vào chi tiêu cho các trường, coi như đó là khoản chi tiêu của trường. Phòng Giáo dục này biện hộ: Đây là các chi phí phát sinh khi huyện đi phục vụ cho các trường nên phải tính cho họ thôi.

Bên cạnh đó, việc chi ngân sách ở mỗi địa phương là khác nhau. Ví dụ như ở Đồng Nai, ở cấp huyện, trung bình mỗi học sinh được 1.486.012 đồng/năm nhưng đến cấp trường còn là 1.036.818 đồng/năm. Ở tỉnh Lào Cai, mỗi học sinh cấp huyện là 2.706.993 đồng/năm nhưng khi xuống đến cấp trường chỉ còn 2.253.212 đồng/năm…Các chuyên gia nhận định, đây là 1 trong những nguyên nhân khiến cho chi phí của các trường trong sổ sách thường cao hơn chi tiêu thực tế.

Phát sinh hàng chục loại “phí”

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, phí xây dựng và duy trì cơ sở vật chất ở nông thôn khoảng 5.000 -50.000đồng/học sinh/năm, khu vực thành thị 28.000 – 70.000 đồng/học sinh/năm, còn các trường ở miền núi không thu phí. Thế nhưng, đợt khảo sát này, các chuyên gia nhận thấy, ngoài những phí trên thì dưới hình thức “tự nguyện đóng góp” khiến các bậc phu huynh phải đóng thêm tới 15 loại quỹ như quỹ hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, quỹ khuyến học, quỹ tài năng, tiền nước uống, chất đốt..... Và trường thu ít nhất là 180.000 đồng/học sinh, nhiều nhất cũng lên tới hơn 1 triệu đồng/học sinh.

Ngoài ra, tại các trường ở đô thị, 30- 60% nguồn tổng lực của trường là từ các khoản đóng góp tư nhân. Và thu nhập chính của các trường từ học phí bán trú do cha mẹ đóng góp với nhiều “tên gọi” hợp lệ như học thêm ngoài buổi học 5 tiết bắt buộc mỗi ngày, phí xây dựng trường, quỹ khuyến học…Có trường, số phí và các khoản đóng góp cho các mục đích khác nhau lên tới 15 loại.

+ Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, chuyên gia giáo dục của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc từng khẳng định, bên cạnh những khoản phí bị “lồi” ra như ở trên thì tình trạng chạy trường, đặc biệt ở bậc học mầm non là vấn đề đang bức xúc trong ngành giáo dục. Thậm chí ở bậc tiểu học hay THCS, hình thức “chạy” đó kín đáo hơn khi chính nhà trường yêu cầu phụ huynh có Đơn tự nguyện.

Theo công bố gần đây của Thanh tra Chính phủ, tại cấp tiểu học và THCS ở ba TP lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM) thì 70% phụ huynh cho rằng bỏ thêm chi phí cho con vào trường tốt là chuyện bình thường; hơn 40% phụ huynh cho rằng tuyển sinh đầu cấp đã trở thành gánh nặng tâm lý cho gia đình và gần 40% phụ huynh có con học trái tuyến thừa nhận có chi nhờ người xin cho con vào trường.

Quá trình điều tra cũng cho thấy, một số trường có số lượng giáo viên rất lớn (kể cả giáo viên bán thời gian) so với số lớp học dạy. Thậm chí nhiều giáo viên có tên trong báo cáo tài chính như giáo viên giảng dạy trường đó nhưng lại làm việc ở chỗ khác (?!).

Tham nhũng do...lương thấp! 

Về vấn đề này, trao đổi với NNVN, Phó chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Phạm Văn Tại thừa nhận, đó là những hiện tượng tham nhũng trong ngành giáo dục mà không thể xóa bỏ trong ngày một ngày hai. Nguyên nhân bởi việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng và đề ra các giải pháp về phòng chống tham nhũng ở một số cơ sở giáo dục còn chưa đầy đủ, có nơi còn mang tính hình thức. Rồi đời sống của đa số giáo viên còn rất khó khăn, trong khi mức lương thấp không đủ sống khiến nhiều người không yên tâm với nghề.

Hay như chính sách lương và chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo và cán bộ quản lý còn hạn chế. Đặc biệt, hiện nay các trường đều thiếu một cơ chế giám sát đảm bảo tính công khai minh bạch trong chi tiêu tài chính... Nhằm khắc phục tình trạng trên, đại diện Bộ GD-ĐT cũng cho hay, thời gian tới Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra về phòng chống tham nhũng trong các trường tiểu học.

Ngoài ra, Bộ đã trình Chính phủ xem xét Quyết định về bảo lưu phụ cấp nhà giáo được điều động làm công tác quản lý để tạo thêm điều kiện cho nhiều giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, nhất là giáo viên vùng sâu, vùng xa.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Sôi động mùa cá cơm

Ngư dân bãi ngang tỉnh Quảng Bình trúng đậm mùa cá cơm, cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi chuyến ra khơi.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất