| Hotline: 0983.970.780

Loay hoay chống hạn

Thứ Năm 14/03/2013 , 09:31 (GMT+7)

Hạn hán kéo dài khốc liệt đã làm hàng vạn ha cây trồng ở miền Trung, Tây Nguyên khô cháy. Nơi đây đang gồng mình, tìm mọi biện pháp chống hạn nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại.

Hạn hán kéo dài khốc liệt đã làm hàng vạn ha cây trồng ở miền Trung, Tây Nguyên khô cháy. Nơi đây đang gồng mình, tìm mọi biện pháp chống hạn nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại.

Loay hoay chống hạn

Mùa mưa năm 2012 kết thúc sớm, nắng hạn cũng đến sớm hơn mọi năm. Đến thời điểm này, nhiều diện tích cây trồng ở Tây Nguyên đang trong cơn khát dữ dội. Cà phê héo rũ, ngô lai khô cháy, lúa nước nứt nẻ đặt lọt bàn chân…

SÔNG NGÒI TRƠ ĐÁY

Tại Gia Lai, nắng hạn đã làm trên 8.000 ha cây trồng thiệt hại nặng. Kông Chro là huyện bị hạn nặng nhất tỉnh với gần 3.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng, trong đó trên 1.000 ha mất trắng. Huyện Đăk Pơ có gần 400 ha cây trồng có nguy cơ mất trắng. Thị xã An Khê có gần 200 ha lúa nước hai vụ bị hạn nặng, 150 ha mía trồng mới giảm năng suất từ 30 - 70%.

Nắng nóng đã “dắt” cơn hạn đến các huyện phía Tây của tỉnh này- vốn không thường xuyên chịu hạn, làm ảnh hưởng lớn đến vườn cà phê của người dân. Đến thời điểm này, có trên 500 ha cà phê ở các huyện Đức Cơ, Ia Grai, Chư Prông bị thiếu nước tưới. Nghiêm trọng hơn là khoảng 3.000 ha cà phê đang độ ra hoa, thiếu nước sẽ ảnh hưởng nặng đến năng suất, sản lượng mùa sau…

“Hàng xóm” với tỉnh Gia Lai là Kon Tum cũng không thoát khỏi cảnh thiếu nước tưới cho cây trồng. Các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Sa Thầy… đang ngửa cổ chờ mưa (!). Nặng nhất là huyện Đăk Hà với 600 ha cà phê ở xã Hà Mòn (đoạn cuối nguồn) đang lay lắt vì thiếu nước tưới; quả rụng, cây chết là khó tránh khỏi.


Ruộng đồng nứt nẻ ở Tây Nguyên

Các huyện Krông Nô, Đăk Rlấp, Cư Jút, Đăk Glong… (tỉnh Đăk Nông), hàng ngàn ha cây trồng cũng đang đứng trước nguy cơ mất trắng hoặc chết cháy… Cây trồng lay lắt vì hạn, trong khi các công trình thủy lợi, các dòng sông con suối ở Tây Nguyên, mực nước đã xuống rất thấp, nhiều nơi chỉ còn trơ đáy. Những con sông lớn như Sê San, Sông Ba (Gia Lai), PôKô, Đăk Bla (Kon Tum), Sêrêpôk (Đăk Lăk), Krông Nô (Đăk Nông)… mực nước đã xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây; những con suối nhỏ thì chỉ còn đá, cát sỏi…

CHỐNG HẠN… NHƯ MỌI NĂM

Trước cơn hạn gay gắt, chính quyền và nông dân các tỉnh Tây Nguyên vẫn đang loay hoay tìm cách cứu cây trồng. Tuy nhiên đến nay, trời vẫn nắng gay gắt, sông ngòi, ao hồ đang dần cạn kiệt, ruộng đồng đang khô cháy từng ngày…

UBND các tỉnh Tây Nguyên đã có công điện, gửi các sở ngành liên quan, các địa phương bị hạn khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách, nhằm cứu vãn diện tích cây trồng đang bị hạn. Theo đó, nhiều địa phương đã chủ động cùng nông dân đồng loạt ra quân chống hạn.

Tỉnh Đăk Lăk đã chủ động trích ngân sách dự phòng để hỗ trợ nạo vét hồ, tu sửa kênh mương và các công trình thủy lợi, mua nhiên liệu phục vụ bơm tưới. Tỉnh Kon Tum cũng đã huy động toàn bộ máy bơm, tập trung bơm nước tại các hồ tự tạo, những nơi có nguồn nước trên địa bàn để tưới nước đợt 2 cho cây cà phê.


Hiếm hoi nước tưới cà phê

Các địa phương ở Gia Lai cũng đã thực hiện nghiêm công điện của UBND tỉnh (do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Xuân Liên ký ngày 7/3/2013). Cụ thể, huyện Đăk Pơ đã chỉ đạo nông dân chuyển đổi hơn 170 ha cây lúa nước, dưa hấu sang trồng sắn (là cây có khả năng chịu hạn cao); hạn chế gieo trồng những loại cây trồng cần nhiều nước tưới; sử dụng những loại giống ngắn ngày, có khả năng chịu hạn cao; không gieo trồng ở những nơi xa hoặc thiếu nguồn nước tưới; tổ chức tu sửa, đào mới nhiều giếng nước nhằm tìm nguồn nước phục vụ cây trồng và nước sinh hoạt cho dân…

Huyện Mang Yang cũng đã kịp thời xuất ngân sách, hỗ trợ nông dân mua dầu phục vụ bơm tưới ở những cánh đồng bị hạn; ra quân nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy; tiết kiệm nước tưới, ưu tiên nước tưới cho những nơi bị hạn nặng hơn, cho những loại cây trồng cần nước nhiều hơn…

Các sở ngành liên quan, các địa phương tìm mọi phương cách nhằm hướng dẫn nhân dân chống hạn, hỗ trợ giống cây trồng, tiền bơm tưới, xuất ngân sách cứu đói… Bà con nông dân thì đồng loạt ra quân chống hạn với đủ mọi cách thức từ cổ truyền đến hiện đại. Tuy nhiên tất cả những động thái trên mặc dù là tích cực, là cần thiết, là… tối ưu, những cũng đã áp dụng từ nhiều năm nay trong việc chống hạn ở Tây Nguyên.

Trong khi đó, nắng nóng vẫn kéo dài, mực nước vẫn xuống thấp, diện tích cây trồng bị thiếu nước, khô héo vẫn tiếp tục tăng lên mỗi ngày. Làm thế nào để chống hạn một cách triệt để, lâu dài và hiệu quả cao? Nông dân Tây Nguyên đang vừa khẩn trương chống hạn cứu cây trồng, lại vừa loay hoay đi tìm lời giải cho câu hỏi trên.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất