| Hotline: 0983.970.780

Loay hoay xử lý rác thải

Thứ Sáu 17/10/2014 , 08:19 (GMT+7)

Theo Sở TN-MT TP.HCM, mỗi ngày TP có khoảng 7.500 tấn rác thải rắn thải ra, trong đó có từ 1.500 - 2.000 tấn chất thải công nghiệp. 

Đây là mối đe dọa thường trực đối với môi trường TP. Về lâu dài việc xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp sẽ khiến TP gặp nhiều khó khăn khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp.

CÔNG NGHỆ LẠC HẬU

Với lượng rác thải như trên, tiềm năng thu hồi năng lượng từ nguồn rác thải là rất lớn vì có khoảng 70% trong tổng lượng rác có thể sử dụng làm nguồn nguyên liệu sản sinh năng lượng. Tuy nhiên, cho đến nay tiềm năng này vẫn bị lãng phí vì vẫn còn 90% lượng rác được xử lý theo kiểu chôn lấp.

Trên thực tế, hầu hết công nghệ xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp đang phát sinh nhiều bất cập cho môi trường, đặc biệt là nước rỉ rác và khí thải phát sinh. Không phải ở bãi rác nào cũng có NM xử lý nước rỉ rác. Hơn nữa, nếu có thì cũng ít khi chạy hết công suất.

Ngay từ năm 2011, Sở TN-MT đã có những hoạt động tích cực nhằm giải quyết vấn đền xử lý chất thải như kết hợp với Quỹ Trung tâm môi trường toàn cầu (GEC) và Hiệp hội Giải pháp về nước & môi trường đô thị TP Osaka (Nhật Bản) tổ chức hội thảo "Quản lý tổng hợp chất thải rắn tại TP.HCM” nhằm tìm giải pháp, tìm công nghệ. Các chuyên gia Nhật Bản cũng đã giới thiệu các công nghệ tiên tiến liên quan đến xử lý chất thải, thu hồi năng lượng từ lò đốt, xử lý nước rỉ rác, chất thải y tế để TP.HCM tham khảo.

Một số DN trong và ngoài nước như Cty Trisun International Developments Pty Ltd (Australia), Cty TNHH Kiên Giang Composite (KGC)cũng đưa ra dự án đầu tư NM xử lý rác thải bằng công nghệ Plasma. Theo đó, thông tin khả quan, nếu dự án này triển khai thì 1 tấn chất thải rắn có thể SX được 815 KWh điện, tạo ra năng lượng sạch, an toàn và hiệu quả thông qua công nghệ khí hóa plasma.

Đánh giá của các chuyên gia công nghệ cho rằng dự án này hoạt động tốt sẽ tiến tới loại bỏ hoàn toàn các bãi chôn lấp rác thải hiện tại ở vùng ven gây ô nhiễm môi trường.

Một DN lớn chuyên xử lý môi trường, có trụ sở tại TP.HCM là tập đoàn Hoài Nam - Hoài Bắc cũng từng có đề xuất giải pháp xử lý tất cả các loại chất thải bằng phương pháp ủ kỵ khí, thu hồi biogas, một phương pháp hiện đại đang được sử dụng nhiều tại các nước tiên tiến.

Tuy nhiên, đến nay việc xử lý chất thải, rác thải rắn tại TP.HCM vẫn đang được tiến hành trên công nghệ lạc hậu.

LÃNG PHÍ NGUỒN NĂNG LƯỢNG

Ông Nguyễn Trung Việt, Chánh văn phòng Ứng phó biến đổi khí hậu TP.HCM cho rằng, việc biến rác thải thành nguồn nguyên liệu SX điện sạch giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cung cấp thêm nguồn năng lượng vốn đang có nguy cơ thiếu hụt.

Tuy nhiên, để có thể tận dụng nguồn năng lượng từ rác thải, rất cần tập trung đầu tư đúng mức cho các công nghệ xử lý tiên tiến. Từ năm 2003 đã có rất nhiều nhà đầu tư xử lý rác bằng phương pháp đốt để thu hồi năng lượng tìm đến TP.HCM khảo sát đầu tư. Thế nhưng, TP chưa có nhiều ưu đãi, giá điện thu mua quá thấp… nên nhiều đối tác đến rồi lại đi.

"Khó khăn đối với các chủ đầu tư dự án là quỹ đất đã hết. Bên cạnh đó, rác thải được thu gom hỗn tạp, không phân loại tại nguồn, ngoại trừ mô hình khu phố xanh của quận Tân Phú (tại đây đã có 2.000 hộ gia đình hưởng ứng tự nguyện duy trì vĩnh viễn hoạt động phân loại rác tại nguồn.
Đây được xem là mô hình khu dân cư thực hiện phân loại rác tại nguồn thành công nhất tại TP hiện nay). Nhưng với một TP hơn 10 triệu dân thì khu phố trên chẳng là gì để tạo nền tảng vững chắc cho các nhà đầu tư xây dựng NM xử lý rác thải bằng phương pháp đốt phát điện”, ông Nguyễn Văn Phước, PGĐ Sở TN-MT TP.HCM.

Còn ông Nguyễn Văn Phước, PGĐ Sở TN-MT TP.HCM cho biết, việc xử lý hiệu quả các nguồn rác thải thành năng lượng phục vụ phát triển KT-XH của TP đang là vấn đề được quan tâm. Nếu ngày càng có nhiều dự án xử lý rác thải bằng phương pháp đốt phát điện sẽ giải quyết ô nhiễm môi trường, góp phần giải bài toán năng lượng; đặc biệt giúp TP giảm quỹ đất cần sử dụng chôn lấp rác thải.

Từng có nhiều năm nghiên cứu về hiện trạng chất thải rắn tại TP.HCM, ông Mizuno Yuji, GĐ đàm phán quốc tế, Văn phòng Cơ chế thị trường, Bộ Môi trường Nhật Bản cho biết: "Theo kết quả nghiên cứu, lượng chất thải rắn phát sinh tại TP.HCM là 7.500 tấn/ngày và 90% trong số đó được đưa đến các bãi chôn lấp rác thải. Qua tham khảo quy hoạch quản lý chất thải rắn tại TP.HCM, chúng tôi nhận thấy lượng chất thải rắn phát sinh trong TP vào năm 2020 là 12.000 tấn/ngày và đạt đến 21.000 tấn/ngày vào năm 2030.

Nếu lượng rác này được xử lý bằng phương pháp đốt sẽ đóng góp đáng kể vào mục tiêu bảo vệ môi trường và chương trình các bon thấp. Cụ thể, giúp giảm lượng chất thải phải chôn lấp tại bãi rác khoảng 300.000 tấn/năm; tạo ra năng lượng điện xanh 128 GWh/năm; giảm phát thải khí nhà kính 70.000 tấn/năm…".

Ông Mizuno Yuji cho biết thêm, Bộ Môi trường Nhật Bản đang xem xét việc hỗ trợ vốn cho các dự án đốt rác phát điện tại TP.HCM. Trước mắt, Cty Hitachi Zosen của Nhật Bản đang nghiên cứu và dự kiến sẽ triển khai xây dựng nhà máy đốt rác phát điện tại TP vào năm 2015.

Ông Takashi Tanisho, đại diện Cty Hitachi Zosen cho biết, dự án đốt rác phát điện mà Cty nghiên cứu triển khai tại TP.HCM có công suất xử lý 1.000 tấn/ngày với vốn đầu tư là 445 triệu USD. Vấn đề còn lại là các DN đầu tư dự án đốt rác phát điện Nhật Bản rất mong được hưởng các ưu đãi về thuế, tăng giá xử lý rác, giá mua điện của các dự án đốt rác phát điện tại TP.HCM.

Có thể thấy, nguồn năng lượng hóa thạch đang đứng trước những thách thức không nhỏ khi đang ngày càng cạn kiệt nhanh chóng. Trong khi đó, việc sử dụng công nghệ đốt chất thải rắn tái tạo năng lượng lại đang ngày càng phát triển và được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Đã đến lúc VN nói chung và TP.HCM nói riêng phải tranh thủ cơ hội khi các nhà đầu tư có thiện chí hỗ trợ cho việc xử lý chất thải.

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm