| Hotline: 0983.970.780

Lợi bất cập hại khi chích kháng sinh vào vườn cam bị bệnh

Thứ Ba 24/05/2016 , 09:01 (GMT+7)

Nông dân ở hai vùng trồng cam sành lớn nhất tỉnh Hậu Giang là huyện Châu Thành và TX Ngã Bảy đang truyền tai nhau cách cứu vườn cam, đó là “truyền nước biển” hay “chích” vào thân cây bị bệnh vàng lá gân xanh bằng một dung dịch để cây cho trái sai.

"Tiêm" kháng sinh

Để tiếp cận được thông tin, chúng tôi phải đóng vai một nhà vườn trồng cam sành tìm “thầy” rước về cứu chữa vườn.

Con đường nhựa phẳng lì từ thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành về xã Đông Phước là nơi có diện tích cam sành bị bệnh vàng lá gân xanh lớn nhất huyện phải đốn bỏ để chuyển sang trồng các loại cây khác.

Chúng tôi ghé quán nước, tình cờ gặp anh Cần ở ấp Kinh Mới, thị trấn Ngã Sáu, một người được cư dân địa phương tôn là “thầy” trị vàng lá gân xanh số một khi đã cứu được rất nhiều vườn cây chỉ còn chờ đốn.

Sau vài phút trò chuyện, anh Cần không ngần ngại, đưa chúng tôi đi xem vườn cây được anh “truyền nước biển” cho trái sai oằn cành.

Anh cho biết, miếng vườn 1,5ha này trồng cam ăn được 1 - 2 lứa thì trái xuất hiện bệnh vàng lá gân xanh sắp phải cưa để bán củi. Nhưng do tình cờ học “lóm” ở các nhà vườn tại huyện Tam Bình (Vĩnh Long) về nghiên cứu thử trộn nhiều loại thuốc với nhau rồi truyền dung dịch vào cây vài tháng sau thấy hiệu quả, cây tươi tốt lại đâm bông cho trái.

15-17-54_nh-1
Hàng trăm dụng cụ vô nước cho cây cam

Theo đó, anh khoan trên thân cây một lỗ cách mặt đất khoảng 0,3 - 0,4m, sâu vào khoảng nửa thân cây, sau đó đâm kim vào nịt lại, buộc dây xung quanh ống tiêm được nối với bình chứa (loại bình phun xịt cây kiểng khoảng 1,5 lít).

Các dung dịch mà anh tiết lộ gồm Tetracyclin (loại thuốc kháng sinh dùng cho người) pha cùng một số chất trung vi lượng với nước sạch. Sau đó, bơm nén dung dịch trong bình xịt nhỏ cầm tay, treo lên cành cây để tạo áp suất đưa thuốc vào thân cây.

Theo anh, thời gian truyền chỉ khoảng 15 phút nhưng có khi từ 3 - 5 ngày tùy vào độ ẩm trong đất và thời tiết trong vườn, sau đó rút ống ra kết hợp bón phân hữu cơ vào gốc. Khoảng 3 tháng cây cam sành rụng hết lá, bắt đầu đâm đọt và xanh trở lại có thể cho trái no tròn, năng suất cao.

15-17-54_nh-2
Dấu khoang trên thân cây cam sành để vô nước

Ông P.T.T, ngụ ấp kinh Mới, thị trấn Ngã Sáu cho biết: "Nhà tôi trồng 2,5 công cam sành, được 5 năm tuổi chỉ ăn được 1 mùa, sau đó cây bắt đầu xuất hiện bệnh vàng lá gân xanh. Tôi nhờ anh Cần mang thuốc đến "chích" cho cây với giá 12.000 đồng/cây, 3 tháng sau cây cho trái. Tuy nhiên vẫn có một vài cây phản ứng lại với thuốc và chết khô.

Ngoài “hồi sinh” vườn cam cho gia đình, anh Cần còn nhận làm dịch vụ "tiêm" kháng sinh cho cây với giá 15.000 đồng/cây. Vườn nào số lượng cây lớn cần cứu anh có thể giảm giá còn 11.000 - 12.000 đồng/cây. Sau khi trừ chi phí thuốc, nhân công anh Cần lời 5.000 đồng/cây.

Lén lút "chích" cây

Ông Trần Quang Hành, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành, cho biết, ngành chức năng đã biết việc này nhưng chưa có chế tài phạt.

Huyện không khuyến cáo người dân sử dụng để tự cứu vườn cam. Bởi chưa có nghiên cứu nào cho thấy phương pháp này đạt hiệu quả, địa phương cũng đã tuyên truyền, khuyên người dân không nên thực hiện nhưng họ vẫn lén lút làm.

Bà Trần Thị Kim Thúy, Trưởng trạm BVTV huyện Châu Thành, cho biết thêm, bệnh vàng lá gân xanh và vàng lá thối rễ bùng phát rất nhanh ở vùng chuyên canh cam sành vì khó điều trị nên phải đốn bỏ với diện tích gần 1.500ha.

15-17-54_nh-4
“Truyền nước biển” cứu cây cam xành bị bệnh vàng lá gân xanh ở Hậu Giang

Hiện tại diện tích cam đang cho trái và trồng mới còn khoảng 3.800ha. Trong khi đó xã Đông Phước và thị trấn Ngã Sáu có khoảng 100 hộ áp dụng biện pháp truyền nước trị bệnh cho cây.

Theo ghi nhận của PV, mỗi cây cam khi được truyền thuốc “hồi sinh” này thường tốn khoảng 15.000 đồng/cây, nhưng chủ vườn chỉ được hỗ trợ thuốc; còn các vật liệu khác như bình chứa, dây truyền và phân hữu cơ đều do chủ vườn mua.

Tồn dư kháng sinh

Ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hậu Giang cho biết: Việc trị bệnh bằng cách tiêm vào thân cây đã xuất hiện nhiều năm qua ở Châu Thành và thị xã Ngã Bảy. Ngành nông nghiệp tỉnh đã từng có văn bản nghiêm cấm người dân vì cách này không đem lại hiệu quả và thậm chí phản khoa học. Cái khó hiện nay người dân cứ truyền miệng nhau làm một cách lén lút nên ngành chức năng khó phát hiện.

15-17-54_nh-5
Anh Cần bên vườn cam sành vừa phục hồi cho trái xum xuê nhờ “vô nước biển” cho cây trị bệnh vàng lá gân xanh

Cũng theo ông Thể, bệnh vàng lá gân xanh do vi khuẩn làm nghẽn mạch dẫn thức ăn nuôi cây, khi dùng thuốc kháng sinh Tetracyclin cộng thêm một số loài phân trung vi lượng bơm trực tiếp vào thân tạm thời giúp cây ra lá xanh tươi, cây nào bệnh nhẹ thì cho trái nhưng không hiệu quả. Cây chỉ sống được 1 - 2 năm rồi cũng chết, vì bản chất cây đã bị nhiễm vi khuẩn khó có thể nào cứu chữa.

TS Nguyễn Thị Thu Nga, Phó bộ môn BVTV, Khoa Nông nghiệp và sinh học ứng dụng (ĐH Cần Thơ) nhận định, bệnh vàng lá gân xanh do vi khuẩn gây ra, nếu tiêm kháng sinh đủ mạnh để diệt được vi khuẩn này sẽ xảy ra 2 trường hợp là cây thêm suy kiệt rồi chết hoặc cây sống thì hàm lượng kháng sinh tồn dư trong cây sẽ vượt ngưỡng cho phép và ảnh hưởng đến sức khỏe con người sau khi dùng trái.

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Việt Nam là 'điểm nóng' về dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người

Việt Nam là một trong những 'điểm nóng' về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như A/H5N1, SARS, dại, than, dịch hạch, ký sinh trùng…

'Bệnh kép' hại ớt

HẢI DƯƠNG Gọi là 'bệnh kép' bởi hơn tháng nay, một số ruộng ớt của nông dân huyện Nam Sách cùng lúc bị 2 loại bệnh gây hại với triệu chứng rất đặc trưng.

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất