| Hotline: 0983.970.780

Lời gan ruột của 'Vua tôm'

Thứ Hai 16/01/2017 , 13:15 (GMT+7)

Gần 20 năm qua, ông Võ Hồng Ngoãn (Sáu Ngoãn, người mệnh danh vua tôm tại Bạc Liêu) đã có đủ mọi thành công cùng con tôm. 

Nhưng trước thực trạng khó khăn trong nuôi tôm hiện nay, vua tôm không khỏi băn khoăn cho số phận con tôm trong tương lai.

17-24-01_3
Vua tôm Sáu Ngoãn

 

Đã nghe tiếng ông Sáu Ngoãn từ rất lâu. Vừa qua, chúng tôi có chuyến công tác tại Bạc Liêu để tìm hiểu về con tôm của địa phương mới có dịp trò chuyện cùng ông. Nghe ông giãi bày tâm sự về con tôm bằng cả tấm lòng mà chúng tôi không khỏi khâm phục cái chí, cái tâm của người nông dân có trình độ.

Mở đầu câu chuyện, ông Sáu thẳng thắn nêu thực trạng: Nuôi tôm ngày càng khó thành công. Đặc biệt, trong nuôi tôm thâm canh, nhiều người phải bỏ ao đầm. Thậm chí, nhiều gia đình phải tha hương cầu thực vì con tôm. “Người nông dân hiện nay như cá nằm trên thớt, bị “chặt chém” đủ đường. Họ không chủ động được đầu ra, sản phẩm bị ép giá đã đành. Đầu vào lại quá cao, còn đầy rẫy sản phẩm giả, sản phẩm kém chất lượng”, vua tôm than thở.
 

Trách nhiệm của nhà cung cấp giống

Theo phân tích của vua tôm Sáu Ngoãn, chủ yếu thất bại của người dân là do yếu tố đầu vào. Trong đó, quan trọng nhất là con giống. Môi trường nuôi có ổn định, cơ sở hạ tầng đầy đủ, trình độ kỹ thuật cao đến đâu nhưng con giống mang mầm bệnh, đố ai có thể nuôi thành công được.

Để biết giống sạch bệnh hay không, chỉ duy nhất 1 cách, phải mang mẫu đi xét nghiệm. Chi phí để xét nghiệm rất cao, nhưng người dân sẽ làm. Không người nuôi tôm nào muốn rước giống trôi nổi về để mang thiệt hại vào thân, còn gây ô nhiễm môi trường, hại cả người khác. Vấn đề là, nên chăng đơn vị cung cấp giống phải chia sẻ với bà con.

17-24-01_1
Trong vấn đề con giống, các doanh nghiệp cần thể hiện trách nhiệm với người nuôi tôm
 

Doanh nghiệp và người nông dân hãy cùng đi xét nghiệm, nếu tôm sạch bệnh, ký hợp đồng, tiền xét nghiệm dân trả. Tôm có mầm bệnh, đương nhiên người dân không lấy, tiền xét nghiệm doanh nghiệp tự thanh toán. Công bằng giữa mua và bán.

Nhưng chưa hẳn giống người dân lấy đi xét nghiệm và giống mang về thả đã có chất lượng như nhau. Vậy doanh nghiệp cung cấp giống hãy thể hiện trách nhiệm của mình với nông dân.

“Doanh nghiệp nào cũng nói giống của mình tốt, chất lượng. Vậy tại sao họ không cam kết với người nông dân, chia sẻ rủi ro với bà con bằng cách bán giống phải có bảo hành. Trong thời gian bảo hành, nếu thiệt hại phải hỗ trợ cho người nông dân theo hợp đồng cam kết”, ông Sáu nêu quan điểm.

Nông dân bây giờ trình độ có thừa để đảm bảo điều kiện nuôi tối ưu ban đầu. Không ai thất trách với hàng trăm triệu đồng mà mình bỏ ra cả. Trong khi, tôm giống chỉ chiếm khoảng từ 20 - 30% đầu tư ban đầu thôi. Ràng buộc như vậy không chỉ giúp các doanh nghiệp chân chính phát triển mà còn loại trừ được những trại giống làm ăn dối trá và giảm được cả gánh nặng quản lý cho ngành chức năng.

Nói về vấn đề đầu vào ông Sáu Ngoãn còn băn khoăn đến chất lượng thuốc thú y thủy sản hiện nay. Theo chia sẻ của vua tôm, các đại lý thuốc ở các xã, các huyện bây giờ rất ít bán các loại sản phẩm mang thương hiệu, có chất lượng. Đa phần họ chạy theo lợi nhuận, được hoa hồng cao sẽ bán. Có những công ty chiết khấu cho các đại lý rất khủng, lên tới 50 – 60%, thậm chí còn bán 1, tặng thêm 1. Từ đó, dễ dàng đánh giá chất lượng các loại thuốc đó ra sao?
 

Phải xử lý hình sự

Theo cách ví von của lão nông, buôn bán thuốc thú y thủy sản bây giờ chẳng khác nào kinh doanh “heroin” được hợp thức hóa, giết nông dân mà không cần dùng hung khí. Trong khi đó, pháp luật xử vấn đề này cũng chưa đủ nghiêm minh.

17-24-01_2
Theo ông Sáu Ngoãn, thực trạng hàng giả, hàng kém chất lượng đang tàn phá người dân nuôi tôm (trong ảnh: Một số sản phẩm thuốc thú y thủy sản giả được cơ quan chức năng Cà Mau thu giữ)

 

Ông Sáu Ngoãn dẫn ví dụ, kẻ trộm tài sản giá trị vài triệu đồng có thể bị xử phạt bỏ tù. Còn các công ty thuốc thú y thủy sản làm hàng giả, hại là tới cả cộng đồng. Đặc biệt, trong nuôi tôm công nghiệp hậu quả rất nặng nề, mất hàng trăm triệu đồng mỗi vụ, chỉ phạt vài chục triệu như phủi bụi.

Theo vua tôm Bạc Liêu, phạt như vậy không công bằng, cũng không khắc phục được tệ nạn hàng giả, kém chất lượng. “Hình phạt phải thích đáng hơn. Không chỉ phải bồi thường cho người bị thiệt hại mà còn phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Thiên tai nặng nề cỡ nào cũng khắc phục được, còn nhân tai làm hại người nông dân hiện đang hoành hành, vẫn chưa giải quyết được. Cần phải mạnh tay mới mong giảm bớt”, ông Sáu Ngoãn nói.

Đứng ở góc độ người nông dân, vua tôm Sáu Ngoãn nhìn nhận: Người nuôi tôm hiện nay phải trông chờ đầu tư các công ty hoặc đại lý.

Chính vì vậy, có dùng phải thuốc giả, họ cũng chẳng dám tố cáo. “Nói ra đau lòng lắm! Nếu bà con mình mà vùng lên vì quyền lợi cộng đồng, đưa ra pháp luật, vụ mùa sau chỉ lên kêu ông trời đầu tư thôi. Vì miếng cơm manh áo, họ kêu nín là phải nín, kêu câm là phải câm. Chỉ mong cơ quan có thẩm quyền vào cuộc quyết liệt, có hình thức xử lý thích đáng mới mong nông dân ngóc đầu lên nổi”, ông Sáu Ngoãn xót xa nêu thực trạng.

 

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm