| Hotline: 0983.970.780

Lời nguyền dòng sông và chuyện sinh nghề tử nghiệp

Thứ Ba 19/04/2011 , 11:45 (GMT+7)

Sinh nghề tử nghiệp, bao người đã đánh đổi mạng sống mình từ ma lực cá quý sông Gâm.

Dòng sông này ban ơn cho dân vạn chài nhiều loài cá quý. Nhưng để sở hữu lại chẳng hề đơn giản. Sinh nghề tử nghiệp, bao người đã đánh đổi mạng sống mình từ ma lực cá quý sông Gâm.

>> Xuyên vòng cung sông Gâm

Dính vào nghề chẳng thể rút ra

Đôi bờ sông Gâm là hàng ngàn trăm bản làng làm nghề săn cá. Dòng sông này dạy cho họ nghề săn cá quý nhưng nhưng kèm theo một lời nguyền: Đánh cá, phá rừng ở đây đều là nghề chẳng thể giàu, nhưng nếu đã dính vào rồi thì chỉ có một con đường mà thôi.

Cách ngã ba sông ngược về phía thượng nguồn đoạn qua bản Giát, xã Phúc Ninh (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) là một ngôi miếu. Miếu của một người lái đò, một sát thủ cá quý sông Gâm. Người lái đò bây giờ là một đôi vợ chồng. Họ là con của chủ nhân ngôi miếu ấy. Miếu ông Khanh. Người vợ tên Trần Thị Nga nói với tôi rằng ông Khanh vốn là một “rái cá” cừ khôi. Cả đời ông đánh cá quý trên sông Gâm đã có lúc giàu nhất nhì vùng núi này. Vậy mà trước khi chết ông trăn trối cháu con hãy xây cho ông một cái miếu bên bờ sông và không đứa nào được nối nghiệp săn cá.

 “Bố tôi nói là dòng sông cho mình nhiều quá rồi mà mình chẳng làm được gì để trả cả. Hãy xây miếu và chèo thuyền cho dân bản đi lại, làm đường xuống mép sông. Miếu để ông có thể nhìn dòng sông đã nuôi ông trọn một đời. Còn đường để ông có thể nhắm mắt vì đã làm được một việc có ích”, chị Nga rưng rưng.

Quãng sông này giờ là “địa phận” của một gia đình có 8 anh chị em đều bị vận vào lời nguyền ấy. Bố của họ cũng là một “rái cá” như ông Khanh. Chỉ có điều họ không thể thoát ra giống như vợ chồng chị Nga. Ông Trần Văn Bắc (45 tuổi), một trong những người con ấy cho tôi lên thuyền ngược dòng sông chỉ với yêu cầu nghe lạnh cả xương sống: “Nghề này sẩy ra một tý là mất mạng như chơi. Nếu không may thuyền bị lật cũng phải chịu. Tôi không dám đảm bảo đâu”.

Đó là một cuộc mưu sinh thường nhật của gia đình ông Bắc. Chỉ có điều những chuyến đi thế này giờ không còn được gọi là săn cá quý nữa bởi vì gặp cá gì cũng phải bắt cả. Một chuyến đi không đích đến, không hạn về vì gặp cá đâu đánh chỗ đó, tối chỗ nào nghỉ nơi đó. Chán, mệt thì về. Ông Bắc cùng đứa con trai chỉ tầm 15 tuổi tên là Trần Văn Dũng chuẩn bị đồ nghề. Chiếc thuyền nhỏ cõng thêm tôi nữa ì ạch ngược dòng.

Sông Gâm chảy qua “địa phận” của gia đình ông Bắc hung hãn như đặc tính của nó. Yêu cầu trước lúc khởi hành chẳng phải là lời dọa suông bởi khi thuyền qua một ghềnh đá ông chỉ tay và nói rằng đó là nơi mà năm ngoái một đôi vợ chồng bỏ mạng khi săn cá vào ban đêm. Bất chấp ánh mắt xanh lét của tôi, thằng Dũng phụ họa bố nó bằng lời nói chứa chất sự cam chịu: “Làm nghề thì phải chấp nhận thôi”.

Cả 8 anh chị em nhà ông đều nối nghiệp bố đánh cá ở dòng sông này. Họ không dứt ra khỏi lời nguyền là vì “săn cá sông Gâm ngày một khó khăn nhưng không thể bỏ nghề vì chẳng biết làm gì khác”. Như hai cô em gái ông Bắc là cô Long và cô Tuyết, cũng chồng con hẳn hoi nhưng tối nào cũng ngủ trên thuyền giữa hai bờ âm u rừng núi. Họ cũng muốn lên bờ do từ ngày Thủy điện Na Hang ngăn dòng thì cá quý ít hẳn. Tiền bán cá nhiều lúc chẳng đủ chi phí cho một chuyến ngược dòng. Nhưng lên bờ làm gì thì không ai trả lời được. Đời họ sinh ra trên mặt nước sông Gâm, làm phận “rái cá sông Gâm” thì suốt đời là rái cá.

Đêm sông Gâm chỉ một màu tối mực. Ông Bắc bảo đây là thời điểm dễ lao vào ghềnh đá nhất. Người ngồi mũi và người ngồi sau phải là một, sai một li xem như xấu số. Kẻ thù của các “rái cá” ngoài cái chết còn là những con mằn mằn khát máu. Đôi chân thằng Dũng khua mái chèo liên tục vậy mà khi ánh đèn dầu thắp lên đã sưng vù, máu rỉ rả.

Đúng là từ ngày Thủy điện Na Hang chặn dùng thì sông Gâm keo kiệt hẳn. Ông Bắc đã đề phòng gặp phải nước xả bằng cách dùng điện thoại điện lên dân sống xung quanh lòng hồ nhờ thông báo. Có lẽ người đàn ông này đo được vận tốc nước sông bởi khi vừa kéo hết câu, lưới lên bờ cũng là lúc nước xả gầm rú đổ về.

Một đêm đánh buông lưới, thả câu của hai bố con chỉ được vài cân cá tạp nham. Đã thế lúc gỡ cá, một lưỡi câu giăng còn cắm phập vào tay ông Bắc. “Chuyện thường ngày thôi”. Lại là thằng Dũng chen vào. Nó vừa bị ông bố mắng vì cắt những con tôm con làm mồi câu to quá. “10 con tôm là một lạng. Một lạng 10 ngàn. Nó cứ cắt làm đôi thế thì riêng tiền mồi đã lỗ chổng vó rồi”, ông Bắc than.

Ngày đầu tiên thất bại, ông Bắc có một quyết định ngoài dự kiến là cho thuyền lên ô tô ngược lên xã Thanh Tường, huyện Na Hang (Tuyên Quang), nơi có mỏ tôm và mỏ cá anh vũ nổi tiếng nhất dòng sông Gâm.

Ân huệ và những cái chết

“Cá đâu nữa mà đánh”. Bà Bàn Thị Lan (50 tuổi) ngồi thẫn thờ bên một hang núi nước xanh leo lẻo chảy ra sông buột miệng khi thấy thuyền ghé vào. Nhà bà Lan nằm ngay phía trên mỏ cá anh vũ mà ông Bắc dẫn tôi đến. Đã có thời gia đình bà lấy loài cá tiến vua cho lợn ăn vì… nhiều quá. Đó là khoảng 6-7 năm trở về trước khi Thủy điện Na Hang chưa chặn dòng. Gia đình bà vô tình sống cạnh mỏ cá này từ những năm 1954 khi dời từ Nam Định lên.

Cá anh vũ ở khúc sông này cứ đến tháng 5 khi mực nước dâng lên lại chui vào hang đá trước cửa nhà bà để đẻ. Đó là một hang đá vô cùng kỳ lạ. Cửa hang chỉ đủ một người chui lọt đầu còn phía bên trong rộng như thế nào không ai biết. Chỉ có một điều chắc chắn là cá anh vũ trong hang nhiều vô kể. Bà Lan bảo rằng mùa cá đẻ, đứng ngoài miệng hang nghe cá vật oàng oạng như tiếng một đàn trâu đang quẫy nước. Thỉnh thoảng ghé mắt qua miệng hang thấy một màu đen sì chi chít cá.

Thời điểm đó gia đình bà dù săn cá còn thủ công nhưng chỉ cần đan rọ đón lõng mùa cá ra vào tháng 10 thì đủ ăn quanh năm. Đã có lúc chồng bà còn bắt được con cá anh vũ nặng kỷ lục 3,8 kg trong khi loài cá này trên sông Gâm chỉ từ 1-2kg. Chồng bà cũng là rái cá lừng danh khúc sông này. Cá chiên, cá lăng nặng hơn 40 kg mà ông săn như cơm bữa. Mùa cá anh vũ từ mỏ chui ra, khúc sông trước cửa nhà bà được gọi là thành phố đom đóm bởi vô số ánh đèn dầu từ những chiếc thuyền mà cánh săn cá khắp nơi đổ về. Quả đồi gia đình bà ở dần dần cứ đông lên và mặc nhiên thành xóm mỏ cá.

 Một đêm gia đình bà đón lõng 1-2 tạ cá tiến vua là chuyện bình thường. Lạ hơn nữa là dù gia đình bà và cánh săn cá năm nào cũng bội thu nhưng loài cá quý này ở trong mỏ không bao giờ hết. Vậy mà đùng một cái khi Thủy điện Na Hang chặn dòng thì cá anh vũ ở đây cũng biệt tăm. Dân săn cá thỉnh thoảng còn săn được ngoài sông chứ trong mỏ không còn nữa. Cách mỏ cá chừng 100m là một mỏ tôm cũng kỳ lạ không kém. Nhưng cá mất tôm cũng mất sạch. Ngay cả khi cánh săn cá dùng kích điện dí vào cũng chẳng ăn thua. Thành thử xóm mỏ cá tan tác mỗi nhà mỗi ngả rồi giáp vào bản Bắc Gianh của xã Thanh Tương (Nà Hang, Tuyên Quang).

Chẳng hiểu vì sao sông Gâm cạn kiệt các loài cá quý. Nhưng có một cách giải thích của ông Khánh, vua săn cá ở làng nổi ngã ba sông thì do người ta khai thác kiểu tận diệt bằng kích điện. Cộng thêm hóa chất từ các bãi vàng nhan nhản hai bờ sông khiến sông Gâm “vô sinh”.

Người ta đi hết còn bà và mấy đứa con phải ở lại. Ở lại để tưởng nhớ ông chồng “rái cá” và bà cô đã bỏ mạng trước cửa mỏ cá kỳ lạ này. “Tôi không nhớ có bao nhiêu dân săn cá đã chết ở khúc sông này. Chỉ có 3 người mà gia đình nhớ nhất là chồng, bà cô chồng và một người bà con xa. Đều chết đuối vì săn cá”, bà Lan bật khóc.

Nhưng nước mắt và những cái chết ấy vẫn không đủ sợ hãi để khiến mấy đứa con của bà dứt khỏi dòng sông. Hôm chúng tôi đến thì Bàn Văn Thành, con trai út bà vừa dong thuyền đi săn cá từ thượng nguồn về. “Chẳng được bao nhiêu, cá thường còn hiếm nữa là cá quý”.

Nghe những lời ấy tôi chợt nhìn lại thằng Dũng nhà ông Bắc. Nó không biết chữ nhưng chèo thuyền rất giỏi bởi vì ngày trước bố nó bảo rằng đi săn cá thì cần gì học chữ. Nó có thể dùng chân lái thuyền tấp bờ chính xác, đôi chân nó rất to vì lái thuyền từ tuổi đến trường. Rồi nó cùng bao đứa trẻ khác ở dòng sông này lại trở thành “rái cá”. Nhưng liệu đời “rái cá” của chúng sẽ ra sao khi mà sông Gâm đỏng đảnh chẳng còn ban ân huệ nữa.

Và dọc con sông này, thỉnh thoảng những chiếc câu giăng hàng ngàn lưỡi dùng để săn cá lớn bất đắc dĩ phải sử dụng để câu người. (Còn nữa)

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.