| Hotline: 0983.970.780

Lối ra nào cho chăn nuôi tập trung?

Thứ Tư 22/06/2011 , 12:58 (GMT+7)

Có 3 khó khăn lớn nhất đang là rào cản cho bước đường hình thành vùng chăn nuôi lớn, quy mô, tập trung tại VN hiện nay là: Thiếu quy hoạch, giá đất quá cao và lãi suất “khủng” của ngân hàng.

Sau khi NNVN khởi đăng loạt bài "Chăn nuôi lớn - chuyện xa vời", đã có rất nhiều thông tin phản hồi, đặc biệt là những ý kiến trao đổi của các chuyên gia ngành nông nghiệp về khó khăn, vướng mắc và những giải pháp trả lời cho câu hỏi: Làm thế nào để phát triển chăn nuôi tập trung (CNTT)?  

TS.Nguyễn Quốc Đạt – GĐ Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi: LÃNH ĐẠO TỈNH KHÔNG KHOÁI DÀNH ĐẤT CHO CHĂN NUÔI

Theo TS. Nguyễn Quốc Đạt, có 3 khó khăn lớn nhất đang là rào cản cho bước đường hình thành vùng chăn nuôi lớn, quy mô, tập trung tại VN hiện nay là: Thiếu quy hoạch, giá đất quá cao và lãi suất “khủng” của ngân hàng. 

Nhiều năm công tác trong lĩnh vực chăn nuôi, theo TS để xảy ra nghịch cảnh ngành chăn nuôi hiện nay là do đâu?

Khó khăn lớn nhất trong chăn nuôi của VN từ lâu nay là thiếu quy hoạch rõ ràng. Các trang trại lớn muốn phát triển bền vững thì đầu tiên nhà nước, địa phương phải đảm bảo có quy hoạch mang tính lâu dài, ổn định. Nếu cứ như bây giờ, khi người ta đầu tư tiền tỷ vào đó rồi nhưng lâu lâu anh lại ra quyết định thay đổi địa điểm, vùng quy hoạch chăn nuôi cũ thì người đầu tư chỉ có nước chết.

Chăn nuôi vốn đã có rủi ro rất cao mà lại thêm rủi ro về quy hoạch nữa thì thua rồi. Tôi được biết Cục Chăn nuôi cũng đã có công văn gửi xuống các tỉnh đề nghị nghiên cứu về vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa có tỉnh nào trả lời rõ ràng vùng quy hoạch được.

Khó khăn lớn nữa là vấn đề đất đai. Nếu bây giờ phát triển chăn nuôi trang trại lớn mà dùng tiền để mua đất thì rõ ràng không hiệu quả vì giá đất tại VN đang cao ngất ngưởng. Đặc biệt, thái độ chưa coi trọng chăn nuôi của nhiều lãnh đạo địa phương đang khiến việc hình thành trang trại chăn nuôi tập trung thêm rối. Họ cứ nghe đến vùng quy hoạch chăn nuôi thì không khoái lắm vì phải sử dụng một diện tích đất lớn, mà thuế đóng góp cho ngân sách tỉnh không lớn nên chẳng mấy ai mặn mà, thậm chí tỏ thái độ không ủng hộ hay thờ ơ.

Ngoài ra, khó khăn lớn thứ ba là nguồn vốn cho chăn nuôi đang chịu lãi suất quá cao, không ai có thể kinh doanh hiệu quả được. Để đầu tư một trang trại chăn nuôi lớn phải mất hàng chục tỷ đồng, nếu chủ yếu đi vay ngân hàng thì tôi đố ai chịu nổi với lãi suất đấy...

TS có cho rằng chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu an toàn dịch bệnh và VSATTP hiện nay cũng là rào cản lớn cho chăn nuôi trang trại hay không?

Điều này là hiển nhiên vì dịch bệnh thời gian qua đều xuất phát từ chăn nuôi nhỏ lẻ, gây ảnh hưởng đến toàn ngành chăn nuôi VN. Trong vấn đề cạnh tranh thị trường, chăn nuôi nhỏ lẻ thường có lợi thế là khi giá gia súc, gia cầm cao thì người dân đổ xô vào nuôi, nhưng khi giá thấp thì họ lại ngưng nuôi. Còn chăn nuôi trang trại lớn thì không thể thế được, họ phải liên tục đảm bảo đầu heo cả khi thịnh cũng như suy nên rủi ro lỗ lã hay phá sản là rất cao.

Các trang trại lớn cũng phải bỏ ra nhiều khoản chi phí rất lớn mà chăn nuôi nhỏ lẻ không mất, đặc biệt là vấn đề môi trường. Vì thế, nếu các cơ sở nhỏ lẻ, không đảm bảo VSATTP không được quản lý chặt, để họ tự do cạnh tranh không sòng phẳng thì sẽ không có nhiều người dám mạo hiểm đầu tư lớn đâu.

Chăn nuôi trang trại của VN hiện nay cũng gặp rất nhiều khó khăn khi thiếu tính hệ thống: Thường các trang trại chỉ chăn nuôi thuần túy nên thức ăn phải mua của nhà máy, giống cũng mua bên ngoài, đến lúc xuất chuồng thì cân bán chứ không chế biến khiến giá trị gia tăng thấp. Đặc biệt ở nước ta, tính hợp tác theo hệ thống không có, tức lợi nhuận không phân đều cho các khâu, giá cả đầu vào đầu ra liên tục thay đổi, bấp bênh, tạo áp lực nặng nề khiến người chăn nuôi đang gánh quá nhiều khó khăn.

Nhiều ý kiến cho rằng, nhà nước nên bỏ hẳn việc trợ cấp cho hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ để khuyến khích chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh. Ý kiến của TS thế nào?

Hiện chính sách nhà nước đang rất lúng túng về vấn đề này. Trong định hướng phát triển lâu dài thì nhà nước thể hiện rõ không khuyến khích phát triển chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng thực tế lại vẫn hỗ trợ cho hình thức chăn nuôi này. Các trang trại thì không cần nói họ cũng tiêm vacxin phòng bệnh đầy đủ, nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ nếu không hỗ trợ thì đừng hòng bảo họ bỏ tiền ra tiêm.

Có lẽ nhà nước sợ dịch bệnh bùng phát không thể kiểm soát nên vẫn phải làm dù không muốn thế. Theo quan điểm của tôi, trước sau gì cũng phải cắt bỏ sự trợ cấp với chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng quan trọng là nhà nước phải có biện pháp, chính sách và bước đi cụ thể để đảm bảo sự ổn định của ngành chăn nuôi và ổn định cuộc sống cho hàng nghìn hộ gia đình đang sống phụ thuộc vào con heo, con gà…

Xin cảm ơn TS!

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất