| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 26/10/2011 , 10:40 (GMT+7)

10:40 - 26/10/2011

Lời từ chối đáng ghi nhận

Quyết định không tuyển công chức đối với những đối tượng tốt nghiệp các trường ĐH tại chức, dân lập mới đây của tỉnh Nam Định đã thổi bùng tranh cãi của dư luận. Trước đó, đã có quá nhiều những luồng ý kiến khác nhau xung quanh câu chuyện tương tự xảy ra ở Đà Nẵng.

Những người không ủng hộ quyết định không tuyển công chức với các đối tượng trên cho rằng, nếu không tuyển dụng những đối tượng tốt nghiệp các trường dân lập, hệ tại chức thì quá bất công. Đâu phải cứ học ở những trường đó là kém và không có kỹ năng chuyên môn. Hiện tại cơ sở vật chất và môi trường giáo dục ở một số trường dân lập khá tốt. Và nếu tỉnh nào cũng như Nam Định thì sinh viên học các trường dân lập ra trường sẽ đi về đâu?

 Một số ý kiến còn thẳng thắn nhìn nhận là Nam Định làm thế quá bằng sai cả tình lẫn lý. Thậm chí, đăng đàn Quốc hội mới đây, có vị đại biểu còn cho rằng, phải “tuýt còi” ngay đối với tỉnh này, vì họ làm sai luật.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến khác lại cho rằng, đây là một giải pháp quyết liệt trước thực trạng đào tạo đại học còn nhiều bất cập ở các trường đại học dân lập và hệ tại chức như hiện nay. Chẳng hạn như kỳ tuyển sinh đại học năm 2011, các trường dân lập xin hạ điểm sàn, kéo dài thời gian để tuyển sinh cho đủ chỉ tiêu. Với đầu vào như thế thì chất lượng của một công chức tốt nghiệp các trường này sẽ như thế nào?

Dư luận cho rằng, không nhiều học sinh tại chức học hành tử tế. Nhưng điều đáng nói, ngay cả khi người muốn được học hành đàng hoàng thì trong môi trường tại chức cũng không có gì nhiều để học. Bởi vì bản thân phía tổ chức đào tạo, phía người dạy cũng chưa thực sự chú trọng đến chất lượng và trách nhiệm đối với người học.

Đối với đại học dân lập, Bộ GD-ĐT cấp phép thành lập quá dễ dàng, trường đại học nhiều không đếm xuể. Đây là món kinh doanh lợi nhuận cao nên nhiều cá nhân bỏ tiền đầu tư. Cho dù không có cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đúng chuẩn, không đủ cán bộ giảng dạy nhưng họ đều “chạy” được giấy phép thành lập trường. Với những trường như vậy, thật khó có cơ sở để có thể đào tạo được những cử nhân, kỹ sư có chất lượng thực sự.

Có những chuyện “cười ra nước mắt” sau mùa tuyển sinh năm nay, đó là nhiều thí sinh nhận giấy báo trúng tuyển từ nhiều trường dân lập mà không hiểu vì sao mình đậu ĐH. Thậm chí, có những học sinh không may chết vì tai nạn trước kỳ thi, mà gia đình vẫn nhận được giấy báo trúng tuyển…

Đà Nẵng trước đây và vừa qua là Nam Định là hai địa phương từ chối bằng đại học ngoài công lập, có thể còn nhiều địa phương khác cũng không mặn mà với các loại bằng này nhưng họ không tuyên bố công khai.

Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế mà nhận xét rằng, chất lượng đào tạo của đại đa số các trường dân lập, tại chức quá thấp. Cũng từ đây, không riêng gì dân lập, mà tất cả các trường, kể cả công lập, đều phải nghiêm túc nhìn lại mình, bởi trong tương lai, sẽ không phải là công lập, dân lập hay tại chức, chỉ còn trường giỏi và trường dở mà thôi.

Xét cho cùng, việc Nam Định từ chối những người tốt nghiệp dân lập, tại chức, là lời cảnh báo cần thiết, dù có phần cay đắng. Đây là những lời từ chối đáng ghi nhận.

Bình luận mới nhất