| Hotline: 0983.970.780

Lộn xộn quy hoạch nông thôn: Con gà tức nhau tiếng gáy

Thứ Tư 15/07/2015 , 12:15 (GMT+7)

Đường làng trước rộng 4-5 m, dân hai bên đua nhau lấn thành ra chật hẹp đến mức hai con bò chửa không có chỗ tránh nhau, người ốm phải khiêng võng, người chết phải khiêng quan tài./ Méo mó, dị hợm/ Suy nghĩ từ một lá đơn lạ

Nợ thì nợ mà xây vẫn xây

Đến tận bây giờ, bà Nguyễn Thị Vinh, Bí thư thôn Long Đằng (xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên) vẫn còn giữ thói quen của một người nông dân theo nếp cổ, đi chân đất hằng ngày.

Bàn chân bà đến lạ, xỏ đủ thứ giày dép dù tốt, dù mềm đến mấy vẫn không thích bằng lớp "dép da". Giờ trong thôn chỉ còn bà là giữ được thói quen đấy vì đường làng toàn bê tông, phải có đôi bàn chân thật chai sạn mới không bỏng.

Bàn chân còn quen được với bê tông nhưng con mắt của bà không thể hợp với những ngôi nhà bê tông cứ chọc lô nhô như xé nát bức tranh của làng. Nhà ngói đang dần tuyệt chủng.

Trước đây khi xây nhà người ta kiêng đầu nhọn của nóc nhà này không chọc vào cửa hoặc cổng nhà khác, giờ làng toàn nhà không nóc (mái bằng) quay lung tung hết lượt.

Thuần nông nên Long Đằng còn khó khăn hơn các thôn khác trong xã nhưng khi người dân làm nhà vẫn cứ phải là nhà tầng.

235 hộ dân trong làng giờ nhà ngói chỉ đếm được 12 cái trong đó 2 thuộc về nhà thờ họ Nguyễn, họ Phạm còn 10 thuộc về nhà dân gồm những người chưa có đủ điều kiện để lên nhà tầng.

Mười năm gần đây không có bất kỳ một ngôi nhà ngói nào được xây mới trong làng. “Cũng bởi tâm lý đua chen, nhà bên có nhà tầng nhà tôi cũng phải có dù là vay mượn cũng cứ cố mà làm”, bà Vinh bảo với tôi như vậy.

Vợ chồng ông bà Vũ Chính Phúc - Đặng Thị Xuyên là những người nông dân “chân chỉ hạt bột” từ trong huyết mạch, xương tủy. Quần quật sớm khuya với cả mẫu ruộng cũng chỉ đủ cho họ nuôi đàn con khôn lớn.

09-47-31_dsc_0071
Ông bà Phúc hong thóc ướt vì mưa hắt

Xưa ở quê gia đình nào có cót thóc quây trong nhà là cả một niềm tự hào, hãnh diện. Trốn nợ sản, nợ thuế người ta còn giấu thóc vào cái quan tài phòng khi cha già, mẹ héo hay nhét thóc trong các cây rơm.

Giờ hạt mồ hôi thì đắt còn hạt thóc thì rẻ mạt, chẳng ai còn tự hào với cót thóc đầy vơi trong nhà nữa. Rẻ thì rẻ nhưng làm ruộng vẫn phải đầu tư.

Nào phân lân, phân đạm. Nào thuốc cỏ, thuốc ốc, thuốc sâu. Nào giống má. Nào mồ hôi. Nào hi vọng. Nhưng càng cấy lúa lại càng nghèo. Cách đây mấy năm, căn nhà ngói ba gian một chái của ông bà dột nát quá nên trên mới hỗ trợ 20 triệu để xóa nhà tạm.

Đám con cái xúm vào nhau bàn: “Đằng nào cũng làm nhà một lần, đi vay một thể nên phải thật hoành tráng, phải tiền tỉ”.

09-47-31_dsc_0075
Ngôi nhà đồ sộ của gia đình ông bà Phúc

Hăng nhất là đứa con gái đang hành nghề đồng nát. Ông bà khuyên can mãi mà chúng chẳng nghe. Căn nhà cũ bị đập đi để thế chân vào đó là căn nhà hai tầng to cao đồ sộ, mỗi sàn rộng cả trăm m2.

Làm nhà tháng 8, tháng 12 bình xét hộ nghèo, gia đình bị gạt ra. Mồng hai Tết ông Phúc đổ bệnh. Nếu có cái sổ hộ nghèo thì đỡ đằng này không.

Bà Xuyên phải gõ cửa từng nhà trong họ hàng, khóc lóc mà rằng: “Các bác, các chú mà không cho vay thì có lẽ ông nhà tôi không tránh khỏi cái chết”.

Khi đưa lên bàn mổ vì chứng xoáy dạ tràng ông Phúc đã suy dinh dưỡng đến độ cùng kiệt, người chỉ còn một dúm xương nặng hơn 20kg. Ông thoát khỏi cửa mả để lại cho gia đình món nợ 160 triệu đồng.

Căn nhà hai tầng đồ sộ để lại thêm một món nợ lớn trong khi tường chưa trát, nền chưa lát, cửa chưa lắp, lan can cầu thang chưa có. Trong ngôi nhà tiền tỉ đến cái tủ cũng thiếu, quần áo toàn phải vắt ngang trên mấy con sào.

Bao lần chủ nợ đã vác sổ đến đòi nhưng bà Xuyên vẫn phải ngọt nhạt: “Xưa kia nhà tôi sòng phẳng lắm nhưng nay vận hạn thế này có đánh chết cũng không có tiền để trả. Thôi xin khất ông đến vụ sau”.

Cơn giông lớn vừa qua khiến ông bà ở trong nhà mà phải chạy tán loạn tránh mưa hắt. Nhưng người có chân chạy được còn mấy bao thóc thì không.

Khi tôi đến cặp vợ chồng già ngoại bảy mươi này đang lăn ra mà mang thóc ướt đi hong. Trên một tấn thóc Bắc Thơm chỉ cần khô thêm chút là phải bán đi để trả nợ.

Một vụ trả được 10 triệu tính ra phải 30 vụ nữa mới trả xong nợ nhà, nợ bệnh, chưa kể nợ tiền cày bừa, máy phụt, phân gio, giống má.

Vì vay nợ mà bao loại thuốc đáng phải mua để tẩm bổ cho chồng bà cũng cắt.

Kính các cụ lên tầng

“Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng nam” giờ vợ hiền bị chê đụt còn nhà hướng nam cũng chẳng còn mấy ai để tâm.

09-47-31_dsc_0078
Đình làng Nghĩa Lộ bị bao vây bốn phía

Ông Hảo, ông Lạp, ông Lương trong thôn Long Đằng đang nhà ngói hướng nam đẹp ngời ngời với góc sân, mảnh vườn hài hòa cũng đập hết cả đi để xây nhà ống, ngoảnh mặt ra đường thôn, hít đầy bụi bặm.

Tình làng nghĩa xóm cũng phôi pha theo những nhà ống, nhà tầng. Xưa nuôi gà thả rông, tường rào kết bằng râm bụt mà không mất, giờ gà lạc sang sân hàng xóm là đóng sập cửa, cắt tiết, vặt lông ngay.

Người làng giờ đây mua gà mổ máy, mua cua xay sẵn, mua mướp không vỏ, mua cá không lòng, đám giỗ chạp gọi điện cái là cỗ bê đến tận cổng.
Xưa bàn thờ tổ tiên ngự ở trung tâm nhà, gần gũi với con cháu nay di dời tuốt lên tầng hai, tầng ba, tầng tư, tầng năm, có khi cả tháng mới thấy người lò dò lên gạt mạng nhện, thắp một hai nén hương.
Chẳng biết các cụ có nhớ nổi lối về làng khi cảnh vật thay đổi?

Không chỉ lạc mà gà trong chuồng, chó trong cũi, mít trên cây hở ra cái cũng bị lột mất.

Anh Vũ Huy Thành xây 2 tầng làm nứt nhà hàng xóm Vũ Thị Tám khiến bà khiếu nại lên tận xã nhưng cũng chẳng ăn thua. Xung đột, cãi vã chán chê, họ tức tối thề bồi không thèm nhìn mặt nhau nữa.

Không chỉ nói suông, bà Tám bán đi nửa mảnh đất giáp với người hàng xóm lấy tiền xây một căn nhà hai tầng còn to cao hơn cả nhà anh Thành.

Ao chuôm của tập thể thì bán, của cá nhân thì xây nhà. Hết chỗ chứa nước, đường làng chỉ một trận mưa là nhiều chỗ lội ngập lên tới tận bẹn. Lắm nhà dù đã tôn nền lên đến lần thứ ba, thứ tư mà nước vẫn xâm xấp vào sân.

Cùng xã Phùng Chí Kiên, ở làng Nghĩa Lộ có cặp vợ chồng nhà L-T chẳng biết thế nào mà mấy năm trước con trai chết tai nạn giao thông, mới đây bà vợ chết vì trọng bệnh.

Thầy bói phán: “Nhà xây phạm vào đất đình, còn ở là còn người chết” càng khiến cho cả gia đình sống trong sợ hãi.

Đình làng Nghĩa Lộ bị nhà dân xây cao bịt kín đến tận cổng mới thấy. Nước sông ven làng ô nhiễm đến độ bơm lên bọt trắng dâng cao ngang mái nhà, đi cấy hay đi cày mà quên ủng chỉ tổ rước về ghẻ lở gãi bật máu tươi.

09-47-31_dsc_0060
Mất ao chuôm, chỉ một trận mưa làng đã ngập

Kinh tế phát triển, có năm làng vài chục căn nhà cùng khởi công, mươi tốp thợ xây làm không bao giờ hết việc. Bụi cát, bụi xi măng bay trắng trời. Nhà cửa lô nhô như rau giá đội lá tre vươn lên trong vại ủ.

Nông dân giờ trồng rau trong hộp xốp, đóng cũ nuôi gà nơi góc sân. Nhiều nhà vườn không còn đến giết một con gà cũng không có chỗ mổ.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hội các ngành Sinh học Việt Nam ra mắt Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới

Hội các ngành Sinh học Việt Nam ngày 29/3 đã ra mắt Ban Chấp hành khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029 với 49 Ủy viên.

Bình luận mới nhất