| Hotline: 0983.970.780

Long An: Điêu đứng vì vỡ hụi

Thứ Năm 20/11/2014 , 20:50 (GMT+7)

Mấy ngày qua, hàng chục hộ dân xã Hòa Khánh Tây (Đức Hòa, Long An) lo lắng đến mất ăn mất ngủ vì chủ hụi Huỳnh Kim Lợi tuyên bố vỡ hụi rồi mất tích, ôm theo số tiền trên 7 tỷ đồng.

Chúng tôi tìm về ấp Bùng Binh, xã Hòa Khánh Tây, những ngày này từ đầu ngõ tới cuối xóm, đi đâu cũng nghe bà con bàn tán chuyện bị bà Huỳnh Kim Lợi, ngụ tại địa phương giựt hụi hàng tỷ đồng rồi bỏ trốn.

Hàng chục hộ gia đình nông dân, cả năm tằn tiện, tích cóp đóng hụi với hy vọng cuối năm có được món tiền trang trải cuộc sống giờ có nguy cơ mất trắng.

Gia đình bà Lê Thị Ni (ấp Bùng Binh) có bốn cô con gái thì hai cô làm công nhân trên TP.HCM, hai cô còn lại cũng là công nhân cho các KCN trên địa bàn huyện Đức Hòa. Mỗi tháng lương của mỗi cô không quá 5 triệu đồng, chẳng dư giả gì. Tin tưởng người hàng xóm kế bên nhà, cả 4 cô con gái bà Ni đều mang số tiền tiết kiệm, tiện tặn đều đặn hằng tháng sang đóng hụi cho bà Lợi với hi vọng cuối năm có một khoản tiền kha khá sắm sửa thêm cho gia đình.

Riêng gia đình chị Lê Thị Thủy có nguy cơ mất trắng số tiền để dành lo chi phí sinh nở đứa con thứ 2. “Gom góp đóng hụi cả năm trời, tới ngày được lấy tiền để lên Sài Gòn lo sinh nở thì bà Lợi tuyên bố vỡ nợ, không có khả năng chi trả, giờ bà ấy biến mất rồi. Thời điểm sinh đã cận kề, tôi chẳng biết tính sao đây”.

Tương tự, gia đình anh Võ Văn Tuyền có vợ đi làm công nhân trong một nhà máy ở huyện Đức Hòa, còn anh Tuyền đi làm mướn với đủ thứ công việc nặng nhọc: từ xịt phuốc, gặt thuê, vác lúa…, để kiếm từng đồng. Vậy mà số tiền kiếm được hằng tháng vợ chồng đều đặn mang đến đóng cho chủ hụi, giờ bà Lợi bỏ trốn thì họ chỉ biết kêu trời.

Ông Lê Văn Lũy, Trưởng ấp Bùng Binh cho biết: Bùng Binh là ấp nghèo trong xã với 268 dân, đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào việc sản xuất lúa hoặc đi làm công nhân trong các KCN. Tuy nhiên không hiểu vì sao mà người dân lại mê chơi hụi đến lạ kì, cả ấp có 268 hộ thì có trên 60 hộ tham gia chơi hụi và khi chủ hụi bỏ trốn thì số tiền của người dân bị giựt đã lên đến hơn 4 tỷ đồng. Đây là một con số rất lớn nếu biết rằng thu nhập bình quân trên đầu người trong ấp chỉ chừng 15 triệu đồng/năm.

Việc người dân tham gia vào đường dây hụi do bà Huỳnh Kim Lợi làm chủ đã diễn ra hàng chục năm nay, tuy nhiên người dân chỉ tham gia nhỏ, có giá trị không lớn. Nhưng 3 năm trở lại đây thì phong trào chơi hụi theo bà Lợi bỗng nhiên phát triển với quy mô lớn, lôi cuốn hàng trăm người trong xã tham gia. Muốn có sự tin tưởng của người dân, bà Lợi đã ra sức mua thêm, sang nhượng lại gần cả chục mẫu đất về cho gia đình mình để “đánh bóng”.

17-13-37_nh-1
Chỉ với những tờ giấy biên nhận sơ sài, bà Lợi đã có thể lập nên một đường dây hụi

Bà con trong vùng thấy vậy tin tưởng tham gia đường dây hụi của bà Lợi với quy mô ngày càng lớn. Trước thời điểm vỡ nợ, mỗi ngày bà Lợi nắm trong tay hàng chục dây hụi với quy mô từ tiền triệu đến hàng chục triệu góp vào mỗi tháng.

Để huy động nguồn tiền của người dân, bà Lợi “kêu” hụi rất hấp dẫn, chẳng hạn như: một dây hụi đóng 5 triệu đồng mỗi tháng bà Lợi “kêu” tới 2,6 triệu đồng, nghĩa là một tháng thay vì đóng 5 triệu đồng vào đường dây thì người dân chỉ còn 2,4 triệu đồng là đã được hưởng 2,6 triệu đồng lãi của tháng đó. Bị cái lợi trước mắt che mờ, hàng chục hộ dân không tiếc tiền mở rộng từ chơi một dây lên ba, bốn thậm chí cả chục dây.

Để có tiền đóng hụi, một số hộ dân đã bán bớt đất đai, hoặc đi vay nóng bên ngoài. Đơn cử như trường hợp ông Hồ Văn Dích, ngụ ấp Bùng Binh, để có tiền duy trì đóng hụi, ông bán đi một mẫu đất lúa với giá 400 triệu đồng. Đường dây hụi bị vỡ, số tiền gần 300 triệu đổ vào các dây hụi coi như đã mất, ruộng đất cũng không còn, tất cả cũng chỉ vì nhẹ dạ tin lời chủ hụi.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.