| Hotline: 0983.970.780

Lồng ghép kiến thức về BĐKH vào chính sách

Thứ Sáu 16/03/2012 , 10:08 (GMT+7)

Con người còn phải đối phó với những khó khăn trước mắt nên thường tập trung vào những giải pháp tình thế hơn là giải pháp chiến lược

GS.TS. Lê Quang Trí
BĐKH có tác động toàn diện đến sự phát triển bền vững của con người trên toàn thế giới. Các tổ chức làm công tác nghiên cứu môi trường, khí hậu liên tục cảnh báo điều này.

Nhưng xem ra, con người còn phải đối phó với những khó khăn trước mắt nên thường tập trung vào những giải pháp tình thế hơn là giải pháp chiến lược, cùng chung sức ngăn chặn tình trạng biến đổi xấu này.

Hội thảo quốc tế về thích ứng BĐKH trong việc quản lý và phát triển đô thị được tổ chức tại thành phố Cần Thơ từ 13- 15/3/2012, GS.TS. Lê Quang Trí, Phó Hiệu trưởng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường ĐH Cần Thơ cho NNVN biết thêm về vấn đề nóng bỏng đáng quan tâm.

Thưa GS, với tư cách Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH, xin ông cho biết những thông tin nóng hiện nay của các cơ quan trong và ngoài nước về BĐKH?

Qua phân tích chuỗi số liệu nhiệt độ thực đo trong suốt hơn một thế kỷ vừa qua, các nhà khoa học (IPCC, 2007) đã chứng minh một cách định lượng rằng nhiệt độ trung bình trên toàn cầu đã gia tăng lên có ý nghĩa. Nhiệt độ trung bình toàn cầu đã gia tăng 0,74 ± 0,2 độ C trong thời đoạn 100 năm (1906-2005), nhiệt độ trung bình trong 50 năm gần đây tăng gần gấp đôi so với 50 năm trước. Trong vài thập niên gần đây nhân loại đã chứng kiến và ghi nhận các biểu hiện bất thường của thời tiết, thiên tai xảy ra cực đoan hơn. Các thống kê nhiều năm từ các nghiên cứu độc lập của nhiều nhà khoa học khắp nơi trên thế giới hơn 30 năm qua đã chứng tỏ khí hậu của trái đất đã có những thay đổi có ý nghĩa.

Trong 100 năm của thế kỷ 20, nhiệt độ toàn cầu đã tăng 0,6 độ C. Dự đoán là nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng từ 1,4- 5,8 độ C vào cuối thế kỷ 21 tuỳ theo mức độ phát thải khí nhà kính ít hay nhiều, quan trọng nhất là thán khí (CO2). Nhiệt độ trung bình hàng năm ở nước ta gia tăng đáng kể trong ba thập niên qua, gia tăng khoảng 0,32 độ C kể từ 1970. Ở miền Nam, nhiệt độ tối thiểu trung bình gia tăng ít hơn, tăng 0,5- 1,2 độ C. Số giờ nắng trung bình hàng năm tăng và giảm biến động trong khoảng 20 giờ.

Có thể nói gì về những tác động tiêu cực do BĐKH đang diễn ra?

Những biểu hiện chính của BĐKH trên toàn cầu trong các thập niên qua có thể chứng minh qua các biểu hiện:

- Nhiệt độ trung bình ghi nhận ở nhiều nơi trên thế giới đều có xu thế gia tăng.

- Lượng mưa thay đổi bất thường, mùa khô ngày càng ít mưa hơn, ngày bắt đầu mùa mưa các vùng gió mùa đến trễ hơn, nhưng cuối mùa mưa lại có nhiều trận mưa lớn hơn và số trận mưa cũng thay đổi khác thường.

- Các hiện tượng thời tiết dị thường ngày càng rõ hơn và xuất hiện nhiều hơn. Thiên tai và hiện tượng thời tiết cực đoan (bão lũ, hạn hán, lốc xoáy, sấm sét, bão lũ, sóng biển,…) gia tăng cường độ và vị trí.

- Mực nước biển dâng cao hơn do sự tan băng ở hai đầu cực trái đất và do sự dãn nở vì nhiệt của khối nước từ đại dương và biển.

Ở Việt Nam, mực nước biển dâng cao khoảng 0,19 cm/năm trong khoảng thời gian 1955- 1990, tức đã dâng cao 5 cm trong vòng 30 năm. Dự báo nước biển sẽ dâng cao thêm 20 cm vào năm 2100. Nếu mực nước biển dâng cao hơn hiện nay 100 cm, sẽ có khoảng 40.000 km2 đất, chiếm 21,1% diện tích toàn quốc, bị chìm ngập nước biển (Schaefer, 2003).

Tại ĐBSCL, hàng năm có lũ xảy ra định kỳ. Nước lũ từ thượng lưu theo sông Tiền và sông Hậu chảy vào Việt Nam. Cao điểm lũ lụt xảy ra khi mực nước sông Tiền ở Tân Châu cao hơn 4,2m và mực nước sông Hậu ở Châu Đốc cao hơn 3,5m. Tiên đoán cho biết vì lưu lượng sông Cửu Long gia tăng 10% trong mùa lũ (tháng 9 và 10), nên lũ lụt ở ĐBSCL có thể sẽ trầm trọng hơn, đến sớm hơn và kéo dài hơn hiện nay.

Về nông nghiệp, ông có thể đánh giá tác động của BĐKH sẽ diễn ra như thế nào trên lĩnh vực nuôi, trồng và hướng khắc phục?

Hạn hán và sa mạc hoá là loại hình thiên tai kế tiếp về mức độ thiệt hại sau lũ và nhiệt độ tăng. Trong những năm gần đây, hạn hán liên tiếp xảy ra ở khắp các vùng trong cả nước. Hạn hán có năm làm giảm 20- 30% năng suất cây trồng, giảm sản lượng lương thực, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chăn nuôi và sinh hoạt của người dân. Việc chống hạn thường gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn nước, các hồ chứa nước thượng nguồn cũng bị cạn kiệt.

Hạn hán kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ hoang mạc hoá ở một số vùng, đặc biệt là vùng Nam Trung bộ, vùng cát ven biển miền Trung và vùng đất dốc thuộc trung du, miền núi phía Bắc. Thêm vào đó, xâm nhập mặn xảy ra suốt dọc bờ biển của VN với mức độ khác nhau. Ba vùng có nguy cơ xâm nhập mặn cao, đó là: Các tỉnh ven biển Tây Nam bộ, duyên hải miền Trung và khu vực hạ lưu sông Đồng Nai. Các tỉnh ven biển Tây Nam bộ là khu vực chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất với 1,77 triệu ha đất bị nhiễm mặn, chiếm 45% diện tích.

Vấn đề tác động của BĐKH đến sự phát triển kinh tế- xã hội?

Trong phát triển kinh tế- xã hội thường được quan tâm và có tác động lớn đến 2 vấn đề là: (i) phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng để phục vụ nhu cầu hưởng lợi từ nền văn minh phát triển; và (ii) phát triển SX để thu nhập kinh tế, ổn định cuộc sống và công ăn việc làm cho người dân. Chính sự BĐKH ngày càng rõ nét đã gây những tổn thất cho các vùng đô thị phát triển như ngập lụt, sóng thần. Trong khi đó ở các vùng SX nông nghiệp phát triển thì SX ngày một khó khăn; phải điều chỉnh mô hình SX và đã có những tác động ít nhiều đến việc xâm lấn vào các khu bảo tồn để khai thác, như phá rừng nuôi thủy sản, phá rừng lấy gỗ, phá rừng để có diện tích đất canh tác.

Riêng vùng ĐBSCL sẽ ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?

Vùng ĐBSCL là nơi cư trú của hơn 18,6 triệu người VN (2009), đa số cư dân ở đây sống tập trung dọc theo các sông rạch, đô thị và vùng ven biển. SX nông nghiệp và thủy sản là hai trụ cột kinh tế chính của cư dân ở vùng này. Mỗi năm vùng đồng bằng đóng góp trên 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng cá và khoảng 75% sản lượng trái cây cho cả nước.

Tuy là một vùng nông nghiệp năng động có giá trị đóng góp đáng kể cho nền kinh tế quốc dân nhưng cuộc sống người nông dân và ngư dân vùng ĐBSCL còn thấp và bấp bênh do chịu nhiều rủi ro tiềm ẩn từ sự tác động tiêu cực của BĐKH và nước biển dâng đang và sẽ diễn biến khá phức tạp. Nếu tốc độ phát thải khí nhà kính tiếp tục gia tăng nhanh chóng như hiện nay hoặc nhanh hơn nữa mà toàn thể nhân loại không có nhiều biện pháp hữu hiệu để ngăn cản thì đến cuối thế kỷ thứ 21, ĐBSCL sẽ có khoảng 2 triệu ha có thể phải nằm dưới mực nước biển.

Việc tạo dựng các chính sách thích hợp để có thể thích ứng với sự thay đổi của khí hậu trong tương lai và lồng ghép vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có ý nghĩa lớn (Lê Anh Tuấn, 2011). Đặc biệt là những vấn đề quan tâm đến việc phát triển đô thị và quản lý đô thị dưới tác động của BĐKH.

Xin ông cho biết hội thảo nhằm đạt được những mục tiêu gì?

Hội hhảo quốc tế “Đô thị thích ứng với BĐKH: Những thách thức và cơ hội” với mục tiêu hiện nay trong điều kiện phát triển đô thị bền vững là làm cách nào để có thể lồng ghép những kiến thức về thích ứng với BĐKH vào chính sách một cách hiệu quả nhất? Các nhà hoạch định chính sách ở thành phố Cần Thơ của VN và thành phố Makassar của Indonesia với các nhà nghiên cứu khoa học sẽ gặp gỡ nhau trong một hội thảo nhằm chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm và thảo luận về mục tiêu thích ứng cũng như những thách thức ở những quy mô khác nhau trong quá trình xây dựng chính sách. Việc chia sẻ này cũng là một hình thức trao đổi những kiến thức và kinh nghiệm giữa các khu vực về sự thích ứng với BĐKH trong vùng.

Do đó, tổ chức CSIRO phối hợp với các đối tác trong khu vực chọn thành phố Makassar của Indonesia và thành phố Cần Thơ của VN để tổ chức hai hội thảo về phát triển đô thị bền vững thích ứng với BĐKH. Hoạt động này sẽ dựa vào mạng lưới đã được phát triển thông qua các dự án nghiên cứu hiện hữu của CSIRO và AusAID: “Thích ứng với BĐKH bằng phát triển đô thị bền vững” trong hai thành phố này.

Nội dung hội thảo cũng thu hút các đối tác khu vực tại hội thảo cấp cao lần thứ nhất và lần thứ hai thông qua hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Hội thảo tại Cần Thơ, VN được tổ chức trong 3 ngày (13/3- 15/3/2012) và tại Makassar, Indonesia từ 17/4- 19/4/2012.

Mục tiêu của mỗi hội thảo như sau:

- Phối hợp tìm hiểu về chính sách ở cấp địa phương và quốc gia của mỗi nước về ứng phó với BĐKH.

- Phối hợp tìm hiểu về những hoạt động thực tiễn trong nghiên cứu và ứng phó với BĐKH.

- Thảo luận ý tưởng về mở rộng quy mô và nhân rộng những nghiên cứu hiện hữu cũng như khả năng phát triển những lựa chọn thích ứng với BĐKH.

- Thảo luận về các giải pháp thực tế cho việc tích hợp kiến thức về thích ứng với biến đổi khí hậu đô thị trong việc quy hoạch phát triển đô thị bền vững.

Xin cảm ơn ông!

TS Kỷ Quang Vinh, Chánh văn phòng Công tác BĐKH Cần Thơ: 5 vấn đề để xây dựng Cần Thơ thân thiện môi trường

1. Cần có con người cho thành phố thân thiện môi trường, ở 2 khía cạnh biết và có ý muốn sống thân thiện môi trường và có trình độ để xây dựng thành phố thân thiện môi trường. Cả người dân và lãnh đạo thành phố đều là những người như nói trên.

2. Cần xây dựng được một bộ đầy đủ các văn bản pháp quy (luật pháp và quy định), chuẩn mực đạo đức và kế hoạch đầu tư cho lộ trình xây dựng thành phố thân thiện môi trường. Đồng thời, truyền thông để chắc chắn mọi người cùng thực hiện từ các nguyên tắc đến chi tiết. Có những biện pháp chế tài đủ mạnh nếu không thực hiện.

3. Cần đầu tư công cụ, phương tiện, cơ sở hạ tầng đồng bộ cho việc chống ô nhiễm; thu gom và xử lí chất thải và ứng phó tốt với BĐKH.

4. Cần tái tổ chức các cơ quan, ban ngành và cơ sở kinh tế của thành phố theo hướng hỗ trợ tốt việc thực thi nhà nước các quy định nói trên và đủ khả năng xây dựng cơ sở vật chất cho một thành phố thân thiện môi trường và ứng phó tốt BĐKH.

5. Cần có một nguồn tài chánh đủ và được sử dụng thật tiết kiệm và hiệu quả cho việc đầu tư các mặt công việc nói trên.

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.