| Hotline: 0983.970.780

Lòng mẹ

Thứ Sáu 05/11/2010 , 11:48 (GMT+7)

Đến bây giờ, trong đôi mắt không còn nhìn rõ của mẹ tôi, tôi vẫn như đứa trẻ lên mười. Một đứa trẻ lên mười mà râu tóc đã muối tiêu. Tôi luôn là trẻ nhỏ dưới mắt mẹ tôi. Và, tôi chỉ trở thành người lớn khi mẹ tôi đã qua đời. Lúc ấy tôi mới là người lớn.  

Đúng thế, không còn mẹ mới là người lớn. Tôi đi đâu, mẹ cũng nhắc nhớ phải đội mũ khỏi ốm và về sớm để ngủ . Dự tiệc tùng, mẹ dặn ráng ăn, đừng uống. Cỡi xe, chạy chậm, mắt ngó tới, đừng ngủ gục.

Mẹ tôi thật đơn sơ. Cái ghim tóc của mẹ là ruột viết bút bi hết mực thải ra. Cây gãi lưng là cuống tàu cau khô cắt ngắn, khía răng cưa. Và, những lời mẹ dạy cũng đơn sơ như cái ghim tóc, như cây gãi lưng. Đơn sơ cứ như lời ru. Thế mà cả đời tôi vẫn không làm nổi.

Mẹ luôn dạy, không được dùng giấy có chữ viết mà đi vệ sinh. Phải biết quý trọng chữ nghĩa. Không được làm dơ bẩn chữ nghĩa.  Từ lời dạy của mẹ, tôi liên tưởng tới lời văn hào Victor Hugo: “Bởi vì người ta phải biết rằng, chữ nghĩa là một sinh linh”. Tôi rõ mẹ mù chũ, nên mẹ mới quí trọng chữ nghĩa đến thế. Tôi cắn nhẹ môi, chìm trong im lặng khôn cùng. 

Mẹ luôn dạy, nhà có hành khất đến, phải tập trẻ nít tự tay xúc gạo gửi cho, để tập chúng có tánh thương người hoạn nạn ngay từ tuổi ấu thơ. Mẹ luôn cấm, không được rửa bát đĩa lúc trời xẩm tối. Khoảng nhá nhem ấy, các oan hồn đói khát thất thểu nhiều, nghe tiếng bát đĩa va chạm, ngỡ rằng có ăn uống, sẽ đổ xô đến mà chờ chực tội nghiệp họ.

Trong trí óc và cả tâm hồn mẹ tôi, sự đói khổ cơ cực không những tồn tại nơi trần thế đang sống, mà vẫn trú ngụ triền miên nơi thế giới của những người đã khuất. Vậy, lòng thương xót phải rộng ra, rộng ra… Tâm trí của mẹ tôi, tôi thấy rõ và tôi sờ được.

Mẹ tôi nay đã quá già, mắt mờ tai điếc, chân và hông đã có chiều hướng lệch lạc, đi đứng phải gậy chống. Những suy tàn ấy, mẹ tôi không lo lắng. Mẹ chỉ lo lắng cho tất cả cháu con trong gia đình, đến cả tôi lớn nhất, mẹ vẫn không trừ.

Những lúc họp hành, giao tiếp phải về muộn, tôi luôn điện thoại về báo không ăn cơm nhà. Nhưng khi về, vẫn cứ thấy cơm mẹ để dành phần. Cơm canh đặt vào chiếc mâm nhôm lẹp nhẹp nước chống kiến bu, được một lồng bàn nhựa úp lên, và trên chiếc lồng bàn ấy, mẹ lại đội thêm chiếc nón lá cũ, để trừ thằn lằn đái. Mâm cơm trông cứ như cái đầu ai đội nón, cô đơn, nhẫn nhục, tơi tả và đợi chờ.

Còn nhớ lần đầu tiên tôi gặp biển. Tôi choáng ngợp khi đối diện với một mênh mông. Lớn lên, tôi biết so sánh mênh mông này với một mênh mông khác, đó là bầu trời, thấy biển lại nhỏ đi. Nay, khi cuộc đời đã lăn sang bên kia dốc, tôi gom tất cả hai mênh mông trời biển, lại thấy bé hơn một mênh mông khác, đó là lòng mẹ tôi. Lòng mẹ tôi lớn hơn trời cộng biển.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất