| Hotline: 0983.970.780

Lớp học đặc biệt với cô giáo trẻ liệt toàn thân

Thứ Sáu 23/01/2015 , 06:30 (GMT+7)

Em Vương Thị Dung (24 tuổi, ở thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) bị bại liệt nhưng hằng ngày vẫn dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo.

Ngủ dậy bỗng liệt toàn thân

Về Bình Minh, hỏi nhà Dung thật dễ dàng, bởi nơi đây ai cũng biết cô giáo Dung. Tìm đến nhà, đám học trò vây quanh Dung để học bài, còn cô giáo lúc ngồi tựa lưng vào tường, lúc nằm trên giường giảng bài. Một lớp học rất đặc biệt. Thấy khách đến nhà, Dung gọi mẹ bồng lên xe lăn để trò chuyện.

Dung sinh ra trong một gia đình ngư dân nghèo khó, có 6 anh chị em, Dung là con út. Cuộc sống hằng ngày trông vào đồng tiền đi bạn (làm thuê trên tàu đánh cá) của ba và nguồn thu eo hẹp của mẹ nhờ nuôi con lợn, con gà, nhưng ba mẹ Dung vẫn cố gắng nuôi các con ăn học.

Không phụ lòng của các bậc sinh thành, năm học nào Dung cũng đạt học sinh giỏi.

Để bớt gánh nặng gia đình, từ lúc học lớp 6, vào dịp hè, Dung ra Đà Nẵng xin làm thêm ở quán cà phê, rửa chén bát cho quán ăn... Trong dịp lễ tết, người ta thì đi chơi còn Dung lại bắt xe ra Đà Nẵng kiếm việc làm thêm, những ngày này tiền công cũng khá. Do đó, khoản tiền ăn học của mình, Dung không phụ thuộc vào cha mẹ nữa.

Năm Dung 17 tuổi đang học lớp 11 thì tai họa ấp đến. Sau một đêm thức dậy, em bị liệt toàn thân, mọi cử động đều không thể, chỉ ú ớ gọi được mẹ mấy tiếng.

Sau đó gia đình đưa Dung đi bệnh viện cứu chữa, hết bệnh viện ở Quảng Nam, Đà Nẵng đến Huế đều có chung kết quả: Bị viêm tủy cắt ngang vùng cổ, tổn thương tủy sống, gây mất vận động dưới vùng tổn thương, nguyên nhân gây bệnh không rõ ràng.

“Khi bị bệnh em chẳng khóc, chẳng buồn, bởi em nghĩ, chắc bị vài hôm rồi khỏi, rồi lại được đến lớp. Ai ngờ hết điều trị bằng Tây y đến Đông y đều không khỏi bệnh. Tay chân chẳng cử động được, chỉ nằm một chỗ, lúc đó, em nghĩ mình là gánh nặng cho gia đình, hay là chết đi”, Dung kể.

Nhưng không, ở cô gái bị bại liệt này có một sức sống vô cùng mãnh liệt. Dung bắt đầu làm quen những việc như đứa trẻ mới sinh, tập cử động chân tay, lật, trườn...

“Nằm ở bệnh viện thấy con tập viết nhưng không ra chữ bởi cầm bút không được, tay cứ đưa đi đưa lại khiến bao nhiêu giấy đều rách hết. Nhưng, mặc cho đau đớn, con luôn cố gắng luyện tập”, bà Trần Thị Đào, mẹ Dung, nhớ lại.

09-20-19_nh-2
Dung ngồi dạy học cho các em học sinh

Sau 2 năm với nghị lực của bản thân, tay của Dung đã cử động được. Và từ đó, ngôi nhà cấp bốn nhỏ bé của bà Đào trở nên đông đúc. Từ sáng sớm cho đến chiều tối, bọn trẻ ở xã Bình Minh lại đến nhà để nhờ Dung dạy học.

Dung chia sẻ: “Những đứa trẻ ở đây có hoàn cảnh rất khó khăn. Ở xã có nhiều đứa trẻ mất cha trong cơn bão Chanchu (năm 2006) hoặc đi biển. Do đó, các em chẳng có tiền để đi học thêm nâng cao kiến thức.

Em biết cái gì thì bày cho chúng cái đó. Bài nào chưa rõ thì em lên mạng tìm kiếm thông tin hoặc hỏi bạn bè để giải đáp. Và từ đó, em trở thành cô giáo của bọn trẻ, đồng thời tìm niềm vui cho bản thân để chiến đấu với căn bệnh quái ác này”.

Từ lớp 1 cho đến lúc bị bệnh, năm học nào Dung cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Người bị bại liệt nhưng vốn kiến thức không mất đi. Dung dạy tất cả các môn, tất cả những gì mà các em hỏi.

"Ở nơi khác các em được cha mẹ cho học thêm đầy đủ, còn ở đây nhiều lúc bữa ăn chưa no đủ, áo chưa có mặc nên các em chẳng biết học thêm là gì. Ngoài thời gian lên lớp, các em chỉ ở nhà vì không có tiền. Thấy bọn trẻ như vậy, ban đầu thì em kêu đến, sau đó các em tự tìm đến để học. Mà ở đây, đứa nào cũng chăm chỉ học tập lắm”, Dung nói.

Lớp học của Dung đầy đủ lứa tuổi, ngày bình thường vài chục em, còn kỳ nghỉ hè lên đến hàng trăm em. Cách dạy học của Dung rất khác, chẳng hạn một bài văn, sẽ bắt các em mở bài một cách riêng, không áp dụng theo khuôn mẫu. Do đó phát huy được tư duy sáng tạo của học trò.

Ngoài việc dạy học, Dung còn có năng khiếu viết văn, làm thơ. Có một số tác phẩm đăng trên các báo và tạp chí. Với những việc làm có ý nghĩa lớn lao, mới đây Vương Thị Dung được Tỉnh đoàn Quảng Nam trao bằng khen Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác.

Sau 6 năm dạy dỗ, có nhiều học trò của Dung đậu vào đại học, cao đẳng. Và rất nhiều em học lực yếu đã thành học sinh khá, giỏi. Đơn cử như em Trần Thị Bảo Khương được Dung dạy học, từ một học sinh yếu môn Toán nhưng sau một thời gian, nay toàn được điểm 8, 9.

Với sự tận tình và dạy học dễ hiểu, nhiều phụ huynh khá giả từng cho con em đi học thêm ở các cơ sở khác, nay cũng đã đến nhờ Dung kèm cặp.

Xương rồng trên cát

Em như hoa xương rồng/ Mọc trên triền cát trắng/ Không e sương ngại nắng/ Hiên ngang đứng giữa trời/ Em đâu được rạng ngời/ Và nào đâu hương sắc/ Nhưng điều em dám chắc/ Là mạnh mẽ vô cùng/ Em loài hoa ung dung/ Dám vươn lên tất cả/Dù phong ba vật ngã/ Em vẫn trả ơn đời/ Em sống khắp mọi nơi/ Gieo thêm niềm hy vọng/ Những bài học lắng đọng/ Là nghị lực niềm tin/ Ai đó thích van xin/ Em không hề muốn thế/ Lựa chọn của Thượng đế/ Gian khổ em xin giành/ Giữa dòng đời cạnh tranh/ Em loài hoa sống khác/ Vẫn nghêu ngao ca hát/ Trên miền cát ân tình.

09-20-19_nh-3
Dung đi lại bằng xe lăn và được mẹ chăm sóc hằng ngày

Đấy là những vần thơ mà cô gái bại liệt viết về mình. Bởi quê Dung, xã Bình Minh nghèo khó, cát biển bao quanh tứ bề nhưng loài cây xương rồng vẫn xanh tốt, nở hoa. Dung ví mình như loài hoa quả thật không sai.

“Mặc dù bất hạnh nhưng em sẽ vươn lên như loài xương rồng trên triền cát trắng ở miền biển khắc nghiệt. Em còn sự sống thì không bao giờ từ bỏ giúp đỡ các em nhỏ. Cuộc đời còn lại, em làm được cái gì thì sẽ cố gắng chiến đấu với bệnh tật để thực hiện”, Dung bộc bạch.

Dung chẳng bao giờ trách số phận, trái lại luôn nở nụ cười. Em luôn có một suy nghĩ, mình tàn nhưng không phế, vẫn còn làm việc được, chứ ở xã hội, có nhiều hoàn cảnh thương tâm hơn Dung nhiều lắm.

Mới đây, Chương trình Tâm sáng vươn xa, Đài Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng trao tặng cho Dung 15 triệu đồng, em đem số tiền này đóng giá sách, bàn ghế; số tiền còn lại dành mua sách tham khảo.

“Hiện tủ sách các em đã học hết rồi, em mong muốn mua thêm nhiều sách để các em tìm hiểu. Do đó, các nhà hảo tâm giúp đỡ, em sẽ dành tất cả số tiền này để mua sách, dụng cụ học tập. Có sách bọn trẻ được mở mang kiến thức nhiều lắm, em nào đến nhà đọc cũng được, còn không mang về đọc xong trả lại”, Dung cho biết.

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giây phút kinh hoàng qua lời kể của nạn nhân sống sót ở Xi măng Yên Bái

Một đêm dài vừa trải qua với các nạn nhân sống sót sau vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, họ kể lại câu chuyện trong nỗi đau về cả thể xác và tinh thần.