| Hotline: 0983.970.780

Lũ lịch sử trong vòng 30 năm, thiệt hại lớn

Thứ Ba 01/10/2013 , 21:21 (GMT+7)

Hồ đập bị vỡ, xả lũ khẩn cấp khiến hàng nghìn hộ dân các xã vùng hạ du ngập sâu trong biển nước.

Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 10 gây mưa lớn cộng với một số hồ đập ở huyện Tĩnh Gia bị vỡ, hồ Yên Mỹ xả lũ đã khiến hàng nghìn hộ dân các xã vùng hạ du như Tân Trường, Trường Lâm, Mai Lâm, Tùng Lâm, Hải Thượng, Hải Yến… ngập sâu trong biển nước.

Đã có 2 em học sinh ở xã Công Bình, huyện Nông Cống trên đường đi học bị nước cuốn trôi; 2 chiếc thuyền của xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương bị đánh chìm, 5 lao động trên thuyền may mắn được cứu sống.


Trắng tay giữa mênh mông biển nước

Sáng 1/10, 2 hồ chứa nước Đồng Đáng, xã Trường Lâm (dung tích 300 nghìn m3) và Trung Cối, xã Phú Lâm (dung tích 200 nghìn m3) bị vỡ; 1 hồ bị hư hỏng; đê chắn lũ Cầu Tây vỡ đoạn dài 20m đã đổ dồn hàng chục nghìn m3 nước xuống hàng nghìn hộ dân các xã vùng hạ du huyện này.

Quốc Lộ 1A đoạn từ Xuân Lâm đi Khe nước Lạnh (khoảng 3 - 4 km) bị ngập sâu, có nơi ngập trên 1m, toàn bộ phương tiện lưu thông trên tuyến được bị ách tắc hàng cây số.


Do vỡ đập, cộng mưa lớn đã gây ngập lụt sâu tuyến QL1A đoạn qua huyện Tĩnh Gia




Tại trung tâm rốn lũ Tĩnh Gia



Các chiến sỹ công an dầm mưa gồng mình cứu dân ra khỏi nơi nguy hiểm

PV NNVN trực tiếp cùng đoàn công tác Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng dẫn đầu đã đến tâm lũ huyện Tĩnh Gia kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống lũ, cứu dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Chị Lê Thị Dung (32 tuổi), thôn 5, xã Tùng Lâm cảm động: “Từ sáng đến nay (17h chiều), nhà tôi bốn phía nước lũ bao vây, may mà có các chiến sĩ công an vào ứng cứu nếu không 4 bố con, mẹ con không biết ra sao. Cảm ơn các chiến sĩ công an đã lo lắng cho nhân dân chúng tôi”.

Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo với Thứ trưởng, đến 14h trưa cùng ngày, Thanh Hóa đã huy động 5 xuồng máy; hàng chục ca nô; 3 xe khách; 2 xe tải cùng hàng trăm cán bộ chiến sỹ tiến hành sơ tán dân tại các vùng ngập lũ; hơn 300 thùng mì tôm, 100 thùng nước suối được chuyển đến cứu đói cho dân.

Còn ông Trương Bá Phúc, Bí thư huyện ủy Tĩnh Gia cho hay: Mưa trút xuống ầm ầm cộng với nước thượng nguồn đổ về đạt trên 550mm đã gây ngập lụt diện rộng, có những nơi ngập sâu đến nóc nhà.

“Hiện trên địa bàn vẫn còn mưa, tuy nhiên nước lũ đang rút dần. Đây là cơn lũ lịch sử hơn 30 năm qua mới xảy ra vì vậy bà con không chủ động được dẫn đến thiệt hại lớn”, ông Phúc nhấn mạnh.   

Hơn 800 ha cao su của Cty Cao su Quảng Trị bị gãy đổ hoàn toàn. Trong đó 100% là cây bị thiệt hại không phục hồi được. Ở vườn cao su kinh doanh có 210.400 cây bị gãy đổ, tương đương 750 ha. Vườn cây cao su KTCB năm 1, năm 2 tuổi thiệt hại nhẹ, riêng vườn cây KTCB năm thứ 7 tại nông trường Quyết Thắng bị thiệt hại đến 26.000 cây, tương đương 52 ha.

Đến chiều tối ngày 1/10, toàn huyện Tĩnh Gia có 2 nhà bị sập; 8 cái tốc mái; hơn 1.000 hộ bị ngập; trên 1.000 ha lúa mùa có nguy cơ mất trắng; 1.500 ha lạc, rau màu các loại ngập, hư hỏng; 2 thuyền bị chìm; 3 hồ, đập bị vỡ, hư hỏng; sạt lở 10 nghìn m3 đường liên xã; nhiều tuyến kênh mương sạt lở nghiêm trọng, bờ bao NTTS mất trắng hoàn toàn; hàng chục km đường sắt bị ngập, xói lở.

Chị Lê Thị Dậu, thôn 4, xã Tân Trường buồn rầu nói: “Lũ về quá nhanh và bất ngờ, chỉ trong vòng 10 phút đã ngập qua đầu người, chúng tôi không kịp trở tay. Nhìn tài sản của mình trôi theo dòng nước lũ mà không biết làm sao, tôi xót của lắm”.

Chị Dậu cho biết, gia đình chị thiệt hại 4 sào lúa, 100 con ngan, hàng chục con gà, lợn và đồ đạc gia dụng.

Còn anh Lê Tiến Bình cùng thôn lo lắng: “Không biết đồ đạc nhà của của tôi bây giờ thế nào. Tôi đi làm về thì không còn đường vào nhà nữa, nước đã ngập qua mái nhà, may mắn bố mẹ và đứa cháu đã được sơ tán đến nơi an toàn”.

Sau khi đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống lũ tại xã Tân Trường, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng yêu cầu: Sở NN&PTNT cần phân công lực lượng thường trực 24/24 giờ tại các hồ, đập để có biện pháp ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra. Đồng thời, nắm lại hiện trạng hồ, đập hiện nay tham mưu Bộ lên phương án gia cố, nâng cấp, cải tạo, tu bổ nhằm bảo đảm vận hành an toàn về lâu dài. Đối với nhân dân khu vực ngập lụt, tỉnh Thanh Hóa phải chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm, thuốc men để cứu trợ, tuyệt đối không để người dân bị đói, rét. Sau khi lũ rút, các ngành liên quan xử lý môi trường, dịch bệnh, giúp dân sửa chữa nhà cửa sớm ổn định cuộc sống.

Hà Tĩnh: 18 người bị thương, 4.025 nhà ở bị hư hỏng

Nước mắt người trồng cao su

Gió bão đã làm 18 người bị thương ((Hương Sơn 4, Hương Khê 1, Thạch Hà 7, Cẩm Xuyên 4 và Kỳ Anh 1 người); sập 8 nhà; tốc mái, hư hỏng 4.025 nhà và gây ngập 251 nhà dân.

Về nông nghiệp, 45 ha lúa mùa, 283 ha ngô đông, 306 ha khoai đông bị ngập; sắn bị ngập, đổ gãy 1.200 ha; 578 ha rau, màu bị ngập; 45.097 cây lấy gỗ, 840 ha cây cao su bị đổ gãy; rừng trồng cao su nguyên liệu bị hư hỏng 492 ha; 13.100 cây ăn quả bị hư hỏng; 12.000 con gia cầm bị chết; 242 ha ao hồ NTTS bị ngập tràn; 3 phương tiện khai thác thủy sản bị thiệt hại.

Mưa bão còn làm 11.070 m3 đất, đá bị sạt lở; 60 cầu, cống bị xói lở, hư hỏng; 1.620m tường rào bị đổ 243 cột điện bị đổ gãy; đứt, hư hỏng 10.956m đường dây điện. Có khoảng trên 300 ngôi nhà (bao gồm nhà làm việc, nhà ở của CBCNV lao động và các kho chứa vật tư, dụng cụ...) bị tốc mái và vỡ ngói.

Công ty cao su Hà Tĩnh là đơn vị thiệt hại nặng nhất: Gãy đổ nhiều cột điện và hệ thống đường dây bị dứt khoảng 70%; vườn cây cao su kinh doanh với tổng diện tích bị thiệt hại hơn 800 ha tương đương khoảng 332.383 cây, có 60%/820ha diện tích rừng nguyên liệu bị gãy đổ. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 170 tỷ đồng.

Địa phương đang tập trung mọi nỗ lực khắc phục hậu quả sau bão.

Xem thêm
Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mộc Châu chính thức được công nhận là Khu du lịch quốc gia

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa ký Quyết định công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.