| Hotline: 0983.970.780

Lúa chết khô, cắt cho bò

Thứ Hai 15/06/2015 , 09:39 (GMT+7)

Đã lâu lắm rồi nông dân Bình Định mới đối mặt với cơn hạn gay gắt đến thế. Hàng chục ngàn ha lúa HT đang thoi thóp chờ nước, nhiều diện tích đã bị chết khô. 

Hàng ngàn hộ nông dân đang đối mặt với nguy cơ thiếu lúa giáp hạt.

Đến bò cũng chê

Về Phù Mỹ, địa phương đang bị hạn hoành hoành dữ dội nhất vào thời điểm này, nhìn đâu chúng tôi cũng thấy những “cánh đồng chết”. Ruộng lúa quắt queo, có nhiều đám ruộng cây lúa đã chết cháy khi chưa kịp trỗ bông.

Ông Ngô Đình Ba, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ cho biết: “Hạn xảy ra diện rộng, nặng nhất là ở Mỹ Tài, Mỹ Đức, Mỹ Chánh…”.

Theo ông Ba chỉ dẫn, nơi chúng tôi đến đầu tiên là xã Mỹ Tài. Thật thảm, những cánh đồng lúa HT bị thiếu nước ngay trong giai đoạn làm đòng trỗ, cây lúa quắt lại, cây nào trỗ được bông thì bông cháy táp, đen thui. Để lúa đứng trên đồng cũng chẳng thể cứu được, nông dân đành cắt lúa non về “làm quà” cho bò. Thế nhưng cả lũ bò cũng chê vì cây lúa chết khô đắng ngắt...

Bà Nguyễn Thị Nguyệt nói bằng giọng tuyệt vọng: “Nhà làm được 3 sào lúa, đã chết 2 sào vì không có nước tưới, mới cắt cho bò hôm qua nhưng bò chê không thèm ăn vì lúa khô như rạ. Còn lại 1 sào tui không thèm cắt nữa, cứ để đứng trên đồng ra sao thì ra. Vụ này thiếu lúa giáp hạt là cái chắc, đói đến nơi. Dân quê ngoài làm ruộng chẳng biết làm gì khác”.

Nhiều hộ sợ đói quá, dù biết đầu tư chống hạn cứu lúa chi phí cao nhưng vẫn cứ phải cứu, làm nông dân mà đứng nhìn lúa chết không đành lòng. Bà Thân Thị Cúc có 3 sào lúa thì đã chết 1 sào, phải cắt non mang về cho bò ăn. Còn lại 2 sào, suốt mấy ngày nay cả nhà túc trực ngoài ruộng để chờ nước bơm tưới cứu lúa.

08-28-13_hn-2
Canh bơm từng chút nước giữ ẩm cho cây lúa làm đòng

Bà Cúc mua 1 mô tơ bơm, đóng giếng sâu hàng chục mét để tìm mạch nước ngầm. Hạn gắt, mạch nước ngầm cũng kiệt, máy bơm cứ hụt nước miết. Nếu không có người canh, khi đã bị hụt nước mà máy bơm vẫn chạy là cháy mô tơ ngay tắp lự. “Chẳng biết có cứu được lúa hay không nhưng mấy hôm trước cháy cái mô tơ mất nửa triệu bạc rồi”, bà Cúc nói như khóc.

“Từ đầu năm tới giờ nắng hạn kéo dài, đến cả tiết tiểu mãn cũng chẳng có hột mưa nào. Các thôn bị hạn gây hại nặng nề nhất là Mỹ Hội 1, Mỹ Hội 2, Mỹ Hội 3, Vĩnh Phú 7 và Vĩnh Phú 8.
Riêng 2 thôn Mỹ Hội 2 và Mỹ Hội 3 có gần 300 hộ dân đang thiếu nước trầm trọng. UBND xã đã chỉ đạo HTXNN ứng 24 triệu đồng đào 4 cái ao lấy nước cứu lúa, đồng thời vận động nông dân tự khoan giếng cứu ruộng của mình”, ông Long nói.

Theo tính toán của nông dân, từ đầu vụ đến nay, mỗi sào lúa đã “nuốt” mất 30 kg phân các loại, 5 kg giống, chi phí bơm nước, chưa tính tiền làm đất, chi phí gieo sạ… đã tốn đến 600 ngàn.

Ông Hồ Văn Long, Chủ tịch UBND xã Mỹ Tài chua xót thống kê, hiện trên địa bàn xã đang có 150 ha lúa bị khô cháy, 80 ha mất trắng, 70 ha diện tích đất bỏ giá vì không có nước SX, 760 ha sắn cũng đang quắt queo trong nắng hạn.

Bới đất tìm nước

Trên những “cánh đồng chết” chúng tôi còn thấy thêm hình ảnh khác là mặt đất bị bới móc nham nhở, ấy là người dân đang đào ao tìm nước.

Mặc cái nắng cháy da, hàng trăm người dân xã Mỹ Đức đổ xô ra đồng, người đào ao, người khoan giếng, người vét mương để may ra cứu được những diện tích lúa và hoa màu đang khô cháy.

“Cấp bách nhất hiện nay là giải quyết nước sinh hoạt cho dân và gia súc. Giải pháp trước mắt là đấu nối các đường ống nước, đồng thời chở nước đến tận từng địa phương cung cấp.
Về SX, chúng tôi chỉ đạo cho các địa phương bằng mọi cách khai thác nguồn nước ngầm để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do hạn gây ra” bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

Quệt mồ hôi đang túa nhễ nhại trên gương mặt sạm nắng, ông Đặng Thanh Liêm (72 tuổi) ở thôn Mỹ Hội 3, xã Mỹ Tài vừa loay hoay đào giếng, vừa tâm sự: “Gia đình tui làm được 3 sào rưỡi lúa, 1 sào rưỡi đã chết khô, cắt cho bò ăn rồi. Còn lại 2 sào giờ tui vét kiếm chút nước cứu lúa. Cứu lúa chính là cứu mình nên già rồi cũng phải ráng”.

Cái ao có tên Đồng Đập Bay ở thôn Mỹ Lợi 3 vừa được HTXNN đào cách đây 7 - 8 hôm có độ sâu hơn 4 m, rộng 10 m nhưng cũng không “vắt” ra nước.

Phải chờ đến 5 tiếng đồng hồ, ao mới tứa ra lượng nước nhỏ, chỉ bơm được nửa tiếng là lại cạn. Vậy mà hàng chục người dân vẫn nhẫn nại “bám ao” chờ đến phiên mình bơm.

Chờ đợi trong cái nắng bốc lửa, gương mặt ai cũng mệt mỏi, xơ xác, nhưng cái đói đe dọa quá nên không ai nản lòng. Mong sao có chút nước bơm vào ruộng giữ ẩm chân cây lúa để nó có sức cho đòng rồi lại cầu trời xin mưa.

08-28-13_hn-3
Nỗ lực đào ao tìm nước cứu lúa

Đây là năm thứ 3 liên tiếp Mỹ Tài bị hạn, nhưng năm nay hạn trầm trọng nhất. Trong ký ức của người dân nơi đây, cái thiếu đói do hạn gây ra những năm trước vẫn còn ám ảnh nên bây giờ người dân bằng mọi cách phải tìm nước cứu lúa. Có người thuê máy đào đến cả vài triệu đồng để đào ao tìm nước. Nếu may mắn có nước, chắc chắn ruộng của mình được cứu, sau đó bơm nước cứu lúa cho ruộng bạn kiếm tiền công bù vào khoản đầu tư thuê máy đào.

Ông Nguyễn Thành Luân, cán bộ thủy lợi xã Mỹ Tài cho biết: “Trên địa bàn xã đang có hàng chục cái ao và gần 100 giếng đào, giếng đóng. Nhờ vậy đã cứu được gần 300 ha lúa khỏi chết cháy”.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ, cả huyện có khoảng 2.500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt; trong đó nặng nhất là xã Mỹ Chánh với 1.500 hộ, xã Mỹ Chánh Tây 300 hộ, xã Mỹ Châu 140 hộ, xã Mỹ Thành 100 hộ và xã Mỹ Phong 500 hộ, huyện đang lập kế hoạch cung cấp nước ngọt cho các địa phương nói trên.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm