| Hotline: 0983.970.780

Lúa đông xuân xuống giống chậm

Thứ Sáu 02/12/2011 , 11:50 (GMT+7)

Hiện nay ở các tỉnh ĐBSCL tiến độ xuống giống lúa vụ ĐX 2011-2012 chậm trễ hơn dự kiến lịch thời vụ.

* Cần Chính phủ hỗ trợ chi phí bơm tát.

Hiện nay ở các tỉnh ĐBSCL tiến độ xuống giống lúa vụ ĐX 2011-2012 chậm trễ hơn dự kiến lịch thời vụ. Cán bộ nông nghiệp một số địa phương cho biết, do ảnh hưởng thời tiết, mưa bất chợt về chiều kết hợp triều cường đẩy nước vào sâu nội đồng. Nước rút chậm, chi phí bơm tát tốn kém. Nhưng rủi ro vẫn xảy ra, mưa chụp, áp lực nước làm vỡ bờ bao xảy ra làm lúa giống hao hụt.

Nước lũ còn cao

Ở hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp thuộc vùng đầu nguồn sông Cửu Long cho đến nay nước lũ rút chậm, đồng còn ngập sâu. Vì vậy, diện tích xuống giống vụ ĐX không đạt tiến độ. Tỉnh Đồng Tháp dự tính từ nay đến hết tháng 12/2011 xuống giống dứt điểm hơn 200.000 ha lúa. Tuy nhiên đến nay toàn tỉnh mới gieo sạ được hơn 30.000 ha.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp chưa hết âu lo: “Về giống lúa tạm ổn, nông dân có thể mua bán và trao đổi giống với nhau. Điều lo và cần nhất lúc này là kinh phí hỗ trợ nông dân còn gặp khó khăn để bơm tát xuống giống kịp thời vụ. Hơn nữa thiệt hại sau lũ làm nhiều vùng đê bao sụt lở, cống đập hư hao đang cần kinh phí tu bổ lại để kịp chủ động chống ngập, chống úng. Dù vậy, chúng tôi vẫn vận động nông dân cố gắng xuống giống lúa dứt điểm trong tháng 12 và không thể xuống giống trễ hơn nửa đầu tháng 1/2012”.

Tương tự, ở An Giang đồng nước còn mênh mông. Nước ngập sâu nên khó bơm tát. Đến nay diện tích xuống giống vụ ĐX rất ít, chỉ khoảng 5.000 ha nằm rải rác ở những vùng đất gò ven sông Tiền, sông Hậu. Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, cho biết: Kế hoạch sản xuất lúa An Giang trong vụ ĐX là 235.000 ha. Hiện nay một số vùng có đê bao kiên cố ở huyện Châu Thành nông dân đang bơm tát, nhưng mức nước còn cao hơn chân ruộng, thời gian bơm mất nhiều ngày, chi phí tốn kém.

Trong thời gian chờ Trung ương hỗ trợ chi phí bơm tát, tỉnh An Giang khuyến cáo nông dân chủ động bơm tát khi thấy nước rút, tập trung xuống giống nhanh đồng loạt khoảng 90% diện tích trong tháng 12 và 10% diện tích còn lại là những vùng trũng ngập sâu cố gắng xuống giống dứt điểm trước ngày 10/1/2012.

Tác động triều cường

Trong khi đó, đi về vùng hạ lưu thấy ảnh hưởng nước lũ giảm nhưng tác động triều cường rất mạnh theo con nước cuối tháng 10 âm lịch. Theo nhiều lão nông trong vùng, nhiều năm qua con nước này thường thấp, là con nước cuối mùa lũ nên sau đó sẽ rút luôn. Điều bất thường năm nay là ở khu vực hạ lưu cuối nguồn sông Hậu, người dân 2 tỉnh Vĩnh Long và Sóc Trăng hoàn toàn bất ngờ trước đợt nước triều cường cuối tháng.

Tại Vĩnh Long nước triều dâng làm ngập tràn bờ vườn và qua một vài đoạn trên quốc lộ 1, thuộc huyện Tam Bình và thị xã Bình Minh. Vĩnh Long có kế hoạch xuống giống vụ ĐX hơn 65.000 ha. Đến cuối tháng 11 tỉnh đã xuống giống được hơn 40.000 ha, chiếm 61% kế hoạch.

Trong khi đó, ông Hồ Quang Cua, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng cho biết, vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng hiện có hơn 90.000 ha lúa ĐX đã xuống giống sớm hoàn tất. Còn lại vùng sản xuất lúa ĐX chính vụ hơn 40.000 ha ở hai huyện Kế Sách và Mỹ Tú, là vùng chưa có đê bao chủ động và thường xuyên bị ảnh hưởng bởi triều cường sông Hậu. Đến nay vùng này có khoảng 20.000 ha lúa đã sạ xong hơn 25 ngày. Một số nơi do xuống giống gặp ngay đợt mưa và triều cường, nước tràn qua bờ thửa làm hao hụt giống. Như vậy tính chung phần diện tích còn lại khoảng 20.000 ha dự kiến gieo sạ dứt điểm trong tháng 12/2011.

Tại TP Cần Thơ dự kiến lịch xuống giống vụ ĐX từ cuối tháng 11 và dứt điểm trong tháng 12/2012. Thế nhưng do tác động triều cường lên cao, Sở NN-PTNT Cần Thơ theo dõi con nước cuối tháng 10 âm lịch vừa qua (tức trong tháng 11/2011) trong vòng 7 ngày có 4 ngày mức nước dâng vượt mức báo động 3.

Một số nơi nông dân sốt ruột muốn vào vụ sớm phải đắp bờ bao, dùng máy công suất lớn bơm tát nước trong đồng ra kênh. Dù vậy tiến độ xuống giống vẫn chậm. Đến nay Cần Thơ gieo sạ được 27.036/88.000 ha, đạt khoảng 30% kế hoạch. Trong đó, một số tiểu vùng thuộc hai Nông trường Cờ Đỏ và Sông Hậu dù có đê bao lửng nhưng bị mưa chụp, nước tràn vào gây thiệt hại làm mất sạch giống 56 ha.

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ giải thích: “Cần Thơ có một số vùng hạ tầng đê bao khép kín khá vững. Hệ thống đê bao khép kín (đê bao lửng) ở các tiểu vùng sản xuất lúa đạt cao trình 2m, có khả năng bảo vệ chủ động cho 80% diện tích lúa. Tiến độ xuống giống chậm do một số nông dân tâm lý còn chờ đợi như mấy năm trước, khi nước ngoài kênh, rạch hạ thấp, nước trên đồng rút ra mới vào vụ. Dự đoán tình hình nước lũ rút chậm".

Theo chỉ đạo của ngành nông nghiệp cần tập trung xuống giống dứt điểm trong tháng 12, các địa phương cần có biện pháp hỗ trợ và khuyến cáo nông dân xuống giống kịp thời để né rầy và không gặp hạn mặn cuối vụ.

Ông Quỳnh đề nghị cán bộ nông nghiệp các quận huyện phải tích cực vận động nông dân chủ động bơm tát xuống giống kịp thời vụ. Trước thực tế thời tiết thay đổi, Sở NN- PTNT TP dự tính sẽ triển khai các trạm bơm điện ở một số vùng có đê bao khép kín, vận động nông dân cùng góp sức xây dựng và cần Nhà nước hỗ trợ kéo đường điện tới các trạm bơm.

ĐBSCL vừa trải qua một mùa lũ lớn. Tuy thiệt hại không nhiều, nhưng diễn biến thời tiết bất thường kéo dài ảnh hưởng tới thời vụ sản xuất lúa ĐX trong vùng. TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho rằng, vụ lúa ĐX 2011-2012 ĐBSCL sẽ có khoảng 1.550.000 ha lúa. Dự kiến trong tháng 11 sẽ có 700.000 ha gieo sạ và hơn 700.000 ha còn lại xuống giống trong tháng 12. Đến cuối tuần qua, toàn vùng mới xuống giống được hơn 300.000 ha.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.