| Hotline: 0983.970.780

Lúa DT39 Quế Lâm bội thu

Thứ Ba 17/06/2014 , 11:59 (GMT+7)

Nhiều người dân “lòng chảo” Mường Thanh vẫn đang choáng với năng suất siêu khủng của giống lúa DT39 Quế Lâm./ Lúa DT-39 Quế Lâm nổi bật giữa lòng chảo Điện Biên

Thu 9 tấn lúa/ha, bán với giá ngang ngửa Bắc thơm 7, gần 30 hộ nông dân tham gia mô hình trồng thử nghiệm giống lúa DT39 Quế Lâm tại Khu C9, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đã góp tiền mổ lợn ăn mừng một vụ mùa bội thu.

Năng suất kỷ lục

Những vụ mùa bội thu cho năng suất cao ngất ngưởng không phải là chuyện hiếm gặp ở cánh đồng lúa màu mỡ Mường Thanh nhưng nhiều người dân “lòng chảo” vẫn choáng với năng suất siêu khủng của giống lúa DT39 Quế Lâm.

Với diện tích ruộng 4.200 m2 gieo giống lúa DT39 Quế Lâm, sau khi thu hoạch vụ xuân 2014, ông Thạch Văn Linh cân được 3,8 tạ thóc (năng suất tương đương 90,5 tạ/ha). Ông bảo: “Mấy chục năm sống bằng nghề nông nhưng chưa bao giờ tôi thấy năng suất cao lúa đến thế, các hộ nông dân trong tổ hợp tác cũng mừng lắm, vì cây lúa mới phù hợp với đồng đất lòng chảo Điện Biên và cho hiệu quả kinh tế cao.

Các thành viên góp tiền mở tiệc ăn mừng ngày lên đồng (thu hoạch xong vụ mùa), mời lãnh đạo xã và đại diện Cty TNHH MTV Phát triển & ứng dụng công nghệ sạch Phụng Thiên (đơn vị cung ứng giống, cung cấp phân bón trả chậm giá rẻ và bao tiêu lúa cho bà con) cùng chung vui”.

Ông Linh cao hứng đọc mấy câu thơ về giống lúa mới: “…Dê tê ba chín (DT39) đã góp phần/Tăng trưởng kinh tế cho dân thoát nghèo/Anh làm em cũng làm theo/Sợ chi nắng sớm, chiều chiều nổi giông/Hiên ngang lúa đứng ngoài đồng/Cây cao to khoẻ cũng không ngại rầy/Đến mùa thu hoạch vui thay quá chừng/Thóc bao đầy bếp đầy sân/Thu được năng suất khoảng chừng chín mươi (90 tạ/ha)…”.

Với mô hình chuỗi liên kết SX tiêu thụ sản phẩm, nông dân khu C9 không phải lo lắng trước những biến động của giá lúa gạo trên thị trường, bởi Cty Phụng Thiên đã cam kết thu mua lúa DT39 Quế Lâm của bà con với giá thấp nhất 8.500 đồng/kg. Trường hợp lúa Bắc thơm 7 cao hơn 8.500 đồng/kg thì Cty sẽ mua bằng với giá Bắc thơm 7.

Bà Nguyễn Thị Lộc, Chủ nhiệm HTX Nông sản sạch Điện Biên chia sẻ: “Vụ xuân vừa qua bà con Thanh Xương gieo cấy 12 ha lúa DT39 Quế Lâm, sản lượng lúa DT39 ước đạt trên 100 tấn. Phía Cty đối tác có thể bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con nhưng vì chất lượng gạo thơm ngon nên hộ nào cũng giữ lại một phần để ăn”.

Mở rộng diện tích

Cty Phụng Thiên đã đăng ký thương hiệu gạo hữu cơ DT39 Quế Lâm và đóng bao bì, nhãn mác để tiêu thụ trên thị trường. Theo bà Lộc, hàm lượng vitamin và khoáng chất của DT39 cao gấp nhiều lần gạo bình thường, chất gạo dẻo, có vị đậm, xốp và mùi thơm nhẹ, rất tốt cho những người thừa cân, béo phì và tiểu đường.
Để phát triển thương hiệu và đảm bảo chất lượng gạo ổn định, Cty đã phối hợp với Sở NN-PTNT Điện Biên mở lớp tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm tại Sở NN-PTNT cho 25 nông dân.

Đánh giá về mô hình gieo cấy lúa DT39 Quế Lâm, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh Quế Lâm, ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Thanh Xương nhận định: "Cấy lúa của Quế Lâm đạt được 4 nội dung mà nông dân đang rất mong mỏi đó là: Năng suất cao, giá bán cao, ít sâu bệnh và chất lượng gạo thơm ngon".

Hơn 15 năm qua, giống lúa Bắc thơm 7 này gần như đứng ở thế độc tôn trên đồng đất Mường Thanh. Nhưng đến nay, giống lúa này đã bộc lộ một số điểm yếu rất nguy hại như dễ nhiễm bệnh bạc lá và các tập đoàn rầy vào vụ mùa, năng suất thấp do bị thoái hoá. Vì vậy, bản thân giống lúa này đã tiềm ẩn nguy cơ mất mùa cao.

Trong vài năm năm trở lại đây, không chỉ xã Thanh Hưng mà trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói chung, những thửa ruộng Bắc thơm 7 phải hứng chịu sự hoành hành của rầy và vi khuẩn. Trung bình trong một vụ, chủ ruộng phải phun thuốc BVTV 6 lần. Điều này không chỉ gây hao tổn kinh tế mà còn khiến chất lượng gạo không được đảm bảo.

Thứ hai, tập quán canh tác của nông dân bản địa còn tồn tại nhiều điểm bất cập như bón phân mất cân đối, hầu hết các diện tích không bón hoặc bón thiếu lượng phân chuồng, vôi; tình trạng sử dụng phân bón đa lượng chưa theo khuyến cáo... dẫn đến đất đai ngày càng bạc màu, suy thoái; khó kiểm soát sâu bệnh hại trên đồng ruộng.

“Từ khi Cty Phụng Thiên triển khai thực hiện mô hình giống lúa DT39 sử dụng phân bón Quế Lâm tôi thấy nổi lên 2 khía cạnh. Thứ nhất là phân hữu cơ vi sinh có tác dụng bổ sung vi lượng và dưỡng chất, làm cho chất mùn, gốc rạ nhanh phân huỷ hơn và tạo được nhiều ôxi trong đất. Mặt khác, phân hữu cơ vi sinh còn có tác dụng thau chua rất tốt”, ông Toàn nói.

Từ diện tích thử nghiệm mô hình chỉ 6.000 m2 với sự tham gia của hộ gia đình bà Đặng Thị Phương trong vụ mùa 2013, đến vụ xuân 2014 diện tích trồng lúa DT39 Quế Lâm đã tăng lên 12 ha. Theo danh sách đăng ký của bà con xã Thanh Xương, vụ mùa sắp tới sẽ mở rộng diện tích lên 30 ha.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.