| Hotline: 0983.970.780

Lúa gạo không biên giới

Thứ Năm 17/01/2013 , 11:02 (GMT+7)

Bên này sông Sở Thượng nhìn những bao lúa chất như bức tường chờ lái đưa sang bên kia sông, thấy dường như lúa gạo không có đường biên nào.

Bên này sông Sở Thượng nhìn những bao lúa chất như bức tường chờ lái đưa sang bên kia sông, thấy dường như lúa gạo không có đường biên nào. Thương lái và người trồng lúa, dù người Việt hay Campuchia, họ sống nương tựa nhau.

Không còn biên giới

Miền biên viễn cuối năm, quá trưa nắng vàng rực. Nước sông Sở Thượng(*) xuống thấp càng làm cho khoảng cách đôi bờ dang rộng hơn. Một đoạn sông chảy dài 20 cây số, mùa này nước bớt đỏ, hiền hòa chứ không chảy xiết, hung hãn như mùa lũ.

Khi lúa trên đồng còn xanh, các thương lái dạt về Tịnh Biên (An Giang) đón lúa Sóc từ Campuchia chạy qua kênh Vĩnh Tế.

Năm nay, lạ đời so hàng chục năm qua là lúa gạo Việt “chảy ngược” về Campuchia.


Thu hoạch lúa gạo ở vùng biên giới Tịnh Biên (An Giang)

Dòng chảy gạo Việt qua Campuchia do lực hút của thương nhân Thái Lan. Anh Tường, lái lúa từ chợ gạo Thốt Nốt (Cần Thơ) lên vùng biên, cho biết: thương lái Campuchia đặt mua gạo hạt dài, trong - giống lúa OM4900 và OM4218. Gạo OM4900 giá 10.000 đồng/kg, cao hơn 1.400 đồng/kg so với gạo OM4218. Tuy vậy gạo Việt bán sang Campuchia chỉ một lúc rồi thôi. Đó là lúc lúa bên đồng Việt Nam cầm giữ được giá, lâu dài việc tìm kiếm lợi nhuận cao hơn không đơn giản chút nào!

Những thương lái vùng biên biết Chính phủ Thái Lan trợ giá cho nông dân nên giá thu mua lúa gạo khá cao và nguồn cung trong nước bị thắt chặt. Các nhà xuất khẩu hay bán lẻ của Thái phải mua gạo từ Việt Nam để đáp ứng đủ đơn hàng. Hàng năm Việt Nam mua từ 500.000 đến 1 triệu tấn gạo từ Campuchia. Riêng năm nay gạo Việt lại chạy ngược sang Campuchia khoảng nửa triệu tấn.

Biết đâu, một ngày kia thương lái Thái Lan, Trung Quốc về khu vực sông Sở Thượng thu mua lúa gạo, thương lái như anh Tường đối phó thế nào? “Chưa hình dung hết cảnh mua bán lúa gạo rối ren lúc đó". Anh Tường thú thiệt.

Bậc thang mới

Đám mây mù suy thoái kinh tế như vẫn còn đó. Một năm qua rồi, “cuộc chiến” quanh hạt gạo vẫn khốc liệt. Lần đầu tiên Việt Nam bước lên bậc thang kỷ lục mới - xuất khẩu gạo hơn 7,7 triệu tấn(**), sản lượng lớn nhất từ trước tới nay, tạm qua mặt Thái Lan. Nhưng còn Ấn Độ và một Myanma nhiều tiềm năng hứa hẹn cuộc so kè quyết liệt. Myanma với đất nông nghiệp màu mỡ, rộng lớn gần 20 triệu ha, còn ta ở dãy đất hẹp chưa đầy 4 triệu ha càng thấy cuộc cạnh tranh đẩy cái khó về phía Việt Nam.

15 năm qua, sản lượng lúa ở ĐBSCL luôn đi lên. Năm 1995 đạt gần 14 triệu tấn, đến năm 2011 vượt 23,2 triệu tấn. Nhưng liệu hình tượng nồi cơm ăn hoài không hết của chàng Thạch Sanh kéo dài bao lâu? Các nhà khoa học đã cảnh báo năng suất, sản lượng lúa đã tới mức “kịch trần”. Vị trí số 1, số 2 chưa thể nói lên điều gì khi xuất khẩu chưa làm đời sống hàng triệu nông dân được sung túc.

Cuối năm, hội thảo bàn tròn “Lợi ích và chi phí canh tác lúa vụ 3 ở ĐBSCL” do Ban chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUNC) tổ chức. Thật ra các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách muốn mổ xẻ vấn đề, phân tích bối cảnh và tìm kiếm các phương án thích nghi với biến đổi khí hậu. Bởi, chỉ một đợt lũ lớn bất ngờ năm 2011, đã có 7.500 ha lúa mất trắng vì vỡ đê.

Đất lúa ĐBSCL, nông dân không trồng lúa sẽ làm gì, dù ai cũng biết nông dân trồng lúa trên thế gian này cũng chẳng có mấy người giàu? Đáp án cho vấn đề vắt kiệt tài nguyên đất đai và sức lực nông dân vẫn còn bỏ lửng.


Mua bán lúa gạo ở Tịnh Biên (An Giang)

Cuộc đàm phán hình thành liên minh lúa gạo ASEAN gồm 5 nước Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Myanma và Lào khép lại bất thành, vì chưa tìm được tiếng nói chung.

Cách đây hơn 5 năm, ý tưởng cần có một tổ chức các quốc gia xuất khẩu gạo (Organization of Rice Exporting Countries - OREC) để gạo bán được giá đã manh nha từ dự án tổ chức đa chính phủ hoặc một số nước xuất khẩu gạo khác. Trong đó các nước thành viên OREC chiếm khoảng 70% tổng sản lượng xuất khẩu gạo thế giới. OREC đảm nhiệm khả năng điều hòa cung - cầu, ổn định thị trường gạo và giúp cho nông dân không bị thiệt hại. Nhưng cũng chưa đi tới đâu…

Lách cánh cửa hẹp

Tháng 10, Purple Rice ST, Fragrant Rice - nhãn hàng in bao bì đẹp, sắc tím đặc trưng của gạo thơm tím than (đỏ tía) ST đóng gói 5 lbs/gói (2,270kg/gói) bán sang thị trường Hoa Kỳ.

Ông Chung Anh Thắng - doanh nhân từ California về Sóc Trăng trực tiếp gặp gỡ KS Hồ Quang Cua, tác giả chính trong nhóm nghiên cứu bộ giống lúa thơm ST.

Điểm nổi bật trong gạo tím than ST rất giàu sắt và chất Gamma Acetyl Butyric Acid (GABA: 6,4ppm) đặc biệt có ích cho trung ương thần kinh não bộ. GABA cũng giúp điều hòa huyết áp, lượng đường trong máu. Sức thuyết phục của lúa ST tím than là được trồng trong ao tôm sau mỗi mùa nuôi tôm. Cây lúa thừa hưởng phù sa, dinh dưỡng sót lại trong ao nuôi tôm, ít dùng phân bón, giảm được thuốc trừ sâu hóa học nên như gạo sạch hữu cơ an toàn. Lẽ đương nhiên, giá trị gạo thơm tím than tăng cao hơn mức gấp đôi so với gạo thường.

Ông Chung đặt đợt hàng đầu tiên 11 tấn, đóng container chuyển về Mỹ, thông tin tiêu dùng phản hồi từ các siêu thị rất tốt. Gạo thơm tím ST chất lượng tin cậy với các chỉ số dinh dưỡng không thua kém gạo cùng loại của Ấn Độ, Thái Lan trước đó từng thâm nhập vào thị trường này. Đến cuối tháng 11, một nhóm thương nhân Việt kiều Pháp đến Sóc Trăng thỏa thuận hợp đồng cung cấp gạo thơm trắng ST sang thị trường các nước EU.

Muốn vào thị trường gạo thơm, gạo đặc sản Việt từng chạm trán gạo thơm Thái như chen qua cánh cửa hẹp. Chỉ 2 năm qua, giống lúa thơm trở nên “sốt nóng” khi 1,5 triệu ha lúa ĐX ở ĐBSCL vào vụ. Mới đây gạo mầm VIBIGABA, do Cty CP BVTV An Giang (AGPPS) sản xuất. Sản phẩm gạo giàu dưỡng chất này được cho lên mầm từ gạo lứt, còn nguyên phôi trong quá trình nảy mầm. Một số chất dinh dưỡng được tạo ra và tăng cao như gamma amino butyric acid (GABA), vitamin E, niacin, vitamin B1, B6… và một số chất chống oxid hóa. Gạo Việt đang hướng tới sự đa dạng. Hạt gạo giàu dinh dưỡng không chỉ để ăn no mà đã trở thành thực phẩm chức năng, mở ra nhiều cánh cửa lựa chọn.

(*) Sông Sở Thượng - nhánh sông Tông-lê-Prreat chảy song song với sông Tiền, bắt nguồn từ Ba-năm (Campuchia) và đổ vào sông Tiền ở thị trấn Hồng Ngự.

(**) Dự báo tháng 12/2012 của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA)

Xem thêm
Giá xăng dầu hôm nay 25/4/2024: Giảm tới 730 đồng/lít

Giá xăng dầu hôm nay 25/4/2024 đồng loạt giảm. Trong đó, giá xăng mất khoảng 300 đồng, còn giá dầu giảm tới 730 đồng.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

WinCommerce hướng đến mục tiêu 4.000 cửa hàng vào cuối 2024

Ngày 25/4/2024 tại TP.HCM, Công ty CP Tập đoàn Masan và hai công ty thành viên Masan Consumer, Masan MEATLife đồng tổ chức Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2024.

Bình luận mới nhất