| Hotline: 0983.970.780

Lừa gạt tràn khắp làng quê: Núp bóng tư vấn, quảng bá để “lừa đảo”

Thứ Tư 07/01/2015 , 09:44 (GMT+7)

Với chiêu trò “in giấy mời” thông qua sự đồng ý của xã, thôn, mấy năm gần đây người dân xã Quảng Tân (Quảng Xương - Thanh Hóa) dính phải vạ mua hàng rởm với giá cắt cổ./ Bẫy bán dạo

Trá hình

Theo phản ánh của các hộ dân thì khoảng 2 năm nay, người dân xã Quảng Tân liên tục “được” đón rất nhiều đoàn mang danh Cty về tận các thôn để giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm.

Nhân viên các Cty được sự đồng ý của UBND xã đã in giấy mời với nội dung “được sự đồng ý của UBND xã” hay “Cty kết hợp với thôn để tổ chức...” rồi nhờ thôn trưởng đi phát tới tận các hộ gia đình thông báo. Thậm chí để “câu” khách hàng, giấy mời còn có thêm phần ghi chú “khi đến sẽ được nhận phần thưởng”…

Sau khi phát giấy mời, các nhân viên lựa chọn trụ sở UBND xã, nhà văn hóa thôn để trưng bày, giới thiệu sản phẩm như đồ điện gia dụng (nồi, ấm siêu tốc, chảo đa năng) hoặc các loại thực phẩm chức năng, dụng cụ tiết kiệm điện năng…

Tiếp đến là “mị dân” bằng hình thức tư vấn khám sức khỏe miễn phí. Đồng thời, tung ra những sản phẩm giảm giá, hàng độc, khuyến mãi hay mua một tặng một để đánh lừa khách hàng. Không ít người dân đã tin tưởng vào những lời giới thiệu “đường mật” của các đối tượng này mà bỏ ra tiền triệu để mua.

Anh L.T.H, người dân xã Quảng Tân nói: “Vì họ xuống giới thiệu là đã được xã cho phép, hơn nữa giấy mời lại được trưởng thôn mang đến tận nhà nên chúng tôi không nghi ngờ gì hết. Thật đáng buồn, tất cả hàng hóa mua về chỉ dùng được vài ngày là hư hỏng hết.

10-12-13_1
Hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ được các Cty bày bán với giá cắt cổ bị lực lượng QLTT bắt giữ

Tôi cũng là nạn nhân khi mua về một cái máy sục khí ozon với giá cao hơn gấp nhiều lần giá ngoài thị trường nhưng về dùng chưa đầy một tuần thì bị hỏng”.

Một người dân khác tỉnh táo hơn, cũng đi nghe “hội thảo” nhưng không mua sản phẩm, bảo: “Giới thiệu là Cty này, Cty nọ hoành tráng lắm nhưng thực tế chỉ là cách bọn họ trá hình, lừa đảo dân thường thôi. Cũng may tôi cảnh giác nên mới không bị lừa”.

Song song giới thiệu, bán đồ gia dụng, các đối tượng còn núp bóng tư vấn khám sức khỏe miễn phí rồi đưa ra “lời khuyên” cho những người dân được chẩn đoán có bệnh mua những thuốc họ bán.

“Mẹ tôi ăn không dám ăn nhưng nghe bảo mua thuốc của họ sẽ chữa được bệnh nên bỏ hơn triệu bạc mua mấy hộp thuốc dạng viên con nhộng như ích não vương Vạn Xuân, viên nang mềm tảo xoắn Linh Chi, viên nang mềm can xi San hô Hawaii… Cuối vùng về uống có được gì đâu”, chị Thủy, người nhà của một nạn nhân mua phải hàng không rõ xuất xứ nói.

Oái oăm nhất là ông Lê Hữu Vân, xã Quảng Tân. Ông Vân mua thực phẩm chức năng dạng viên con nhộng nhưng về bẻ viên thuốc ra bên trong lại là… đất.

Quá bức xúc, ông dò tìm số điện thoại đường dây nóng của Cty trên hộp thuốc nhưng không thấy, lúc đó người nông dân này mới tá hỏa phát hiện mình bị lừa. “May mà tôi phát hiện trước khi uống nếu không lại tiền mất tật mang”, ông Tân chua xót.

Chính quyền tiếp tay (?!)

Việc các Cty “ma” bán hàng rởm với giá cắt cổ theo kiểu hội thảo, hội nghị, tư vấn khách hàng… đã xảy ra nhiều năm liền trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố của cả nước.

10-12-13_3
Thư mời tham dự hội thảo với những “phần quà” hấp dẫn

Ông Nguyễn Văn Sang, Đội trưởng Đội QLTT và cơ động số 9 (Chi cục QLTT Thanh Hóa): "Các đối tượng bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ thường tìm cách phối hợp với chính quyền địa phương và tổ chức tại các điểm như trụ sở UBND xã, nhà văn hóa… nên càng khiến dân dễ bị lừa. Sắp tới, Chi cục QLTT sẽ tập trung tuyên truyền để bà con hiểu rõ hơn về những hành vi lừa đảo của các đối tượng “núp bóng” dưới việc tư vấn, quảng bá để bán sản phẩm".

Cơ quan báo chí, truyền thông cũng đã phản ánh nhiều nhưng thực trạng này không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng. Phải chăng đằng sau các cuộc hội thảo, hội nghị đó có sự tiếp tay của chính quyền địa phương (?!).

Người dân ở xã Quảng Tân kể lại, trong buổi hội thảo bán máy rung chữa bệnh Cty về tổ chức ngay tại trụ sở UBND xã có sự tham dự của các lãnh đạo xã nên bà con tin tưởng. Nhiều người bỏ ra ba, bốn triệu đồng mua máy về dùng nhưng chỉ được vài tuần là hỏng.

Mới đây, tối 12/11/2014, khi nhân viên của Cty Nagasaky đang quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại nhà văn hóa thôn Tân Cổ, xã Quảng Tân thì bị Đội quản lý thị trường và cơ động số 9 (Chi cục QLTT tỉnh Thanh Hóa) bắt, tạm giữ nhiều mặt hàng như ấm siêu tốc, chảo đa năng, rượu xịt xoa bóp…

Tại thời điểm kiểm tra, nhân viên Cty này không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm trên.

Trước khi bị bắt tại thôn Tân Cổ, Cty Nagasaky đã giới thiệu và bán sản phẩm cho hàng chục hộ dân ở 4 thôn khác cũng tại xã Quảng Tân.

Theo phản ánh của người dân, khi giới thiệu sản phẩm ấm siêu tốc và chảo, các nhân viên bảo rằng đang dịp khuyến mãi nên giá rẻ bất ngờ, không mua thì mất cơ hội, thế nhưng sau khi mua về và xem trên mạng mới té ngửa giá trên mạng chỉ bằng một nửa.

Điều đáng nói là trong vụ việc này, các đối tượng của Cty Nagasaky rầm rộ bán hàng khi được lãnh đạo xã cho phép cùng sự phối hợp của các trưởng thôn.

Ông Lê Bá Sáu, Chủ tịch UBND xã Quảng Tân phân trần: “Trước đây có một số Cty về tư vấn rồi bán sản phẩm máy móc hoặc thực phẩm chức năng là do xã làm theo chỉ đạo từ trên huyện như tổ chức hội phụ nữ hay trung tâm y tế, đề nghị xã tạo điều kiện cho họ nên xã cũng chỉ làm theo chỉ đạo thôi. Nếu không làm thì lại bảo địa phương gây khó.

Riêng trường hợp của Cty Nagasaky thì do đồng chí Phó Chủ tịch còn sơ suất, chưa chặt chẽ trong quản lý nên khi nhân viên của Cty đề nghị tạo điều kiện để họ tư vấn cho dân về sử dụng dụng cụ tiết kiệm điện năng, đồng chí Phó Chủ tịch đã phê mấy chữ gửi xuống cho các trưởng thôn tạo điều kiện. Nếu biết họ bán sản phẩm thì chúng tôi không bao giờ đồng ý cho xuống dân tổ chức như vậy”.

Ông Chủ tịch xã còn khẳng định không hề biết Cty Nagasaky bán sản phẩm dưới dân, trong khi thôn Tân Cổ đã là thôn thứ 5 của xã bị lừa!

Xem thêm
Thủ tướng nêu 3 nhiệm vụ quan trọng trong quy hoạch tỉnh Lạng Sơn

Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát 3 nhiệm vụ hết sức quan trọng với Lạng Sơn trong thực hiện quy hoạch tỉnh.

Phú Thọ thiệt hại khoảng 34,5 tỷ đồng do mưa dông

Ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ chịu thiệt hại vô cùng nặng nề khi hàng trăm ha lúa, ngô, chuối, rau màu... bị đổ ngã và không thể phục hồi.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm