| Hotline: 0983.970.780

Lúa - giống thích ứng và canh tác khôn ngoan

Thứ Tư 15/12/2010 , 09:36 (GMT+7)

ĐBSCL chiếm trên 53% sản lượng lương thực cả nước và chiếm gần như 100% lượng gạo xuất khẩu. Do đó, về lâu dài, lúa vẫn là cây trồng chủ lực ở khu vực này.

ĐBSCL chiếm trên 53% sản lượng lương thực cả nước và chiếm gần như 100% lượng gạo xuất khẩu. Do đó, về lâu dài, lúa vẫn là cây trồng chủ lực ở khu vực này.

>> Nông nghiệp ĐBSCL trước biến động nguồn nước

Giống chịu hạn, mặn, ngập và nóng

Có lẽ cũng nhờ vị thế ấy mà việc giúp cho sản xuất lúa vẫn được ổn định do những biến động nguồn nước bởi tác động của BĐKH, NBD và của con người, đã sớm được ngành nông nghiệp tính đến, trước hết là ở khâu nghiên cứu, chọn tạo giống lúa. Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, PGĐ Viện KHNN Việt Nam kiêm Viện trưởng Viện KHKTNN Miền Nam, ngành nông nghiệp đang tập trung vào nghiên cứu các giống lúa có khả năng chống chịu tình trạng nhiễm mặn, hạn, ngập sâu dài ngày và thời tiết nóng.

Đến thời điểm này, việc nghiên cứu những giống lúa có khả năng chịu ngập lũ dài ngày đã gần xong. GS.TS Bùi Chí Bửu cho biết, chúng ta đã thành công trong việc cấy gene chịu ngập vào các giống IR 64, VNĐ 95-20, OM 1490 để tạo ra các giống chịu ngập dài ngày IR 64 SUB1, VNĐ 95-20 SUB1, OM 1490 SUB1… Những giống lúa này có thể chịu ngập hoàn toàn trong 17 ngày mà cây lúa vẫn sống và phục hồi tốt sau khi nước rút, không ảnh hưởng mấy tới năng suất, chất lượng. Những giống này không chỉ thích hợp với những vùng bị ngập úng do ảnh hưởng triều cường, mưa lớn ở ĐBSCL, mà cũng rất thích hợp với điều kiện ngập lũ dài ngày ở các tỉnh miền Trung.

Về giống lúa chịu mặn, hiện nay chúng ta đã có một số giống lúa địa phương, mà điển hình là giống lúa Một bụi đỏ được nông dân trồng ở các vùng ven biển ĐBSCL theo mô hình tôm – lúa. Tuy nhiên, những giống lúa địa phương vùng ven biển chỉ chịu được độ mặn tối đa từ 2-3‰. Do đó, việc nghiên cứu những giống lúa có khả năng chịu mặn cao hơn mà vẫn đảm bảo được năng suất, chất lượng tốt vẫn đang được nhiều Viện, Trường triển khai thực hiện.

Theo TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, đến nay, Viện đã tìm được trên 30 dòng lúa có khả năng chịu mặn. Hiện tại, Viện Lúa đang tiến hành thanh lọc trong nhà lưới và thử nghiệm ở một số tỉnh ven biển như Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu… Nhìn chung, công tác nghiên cứu các giống lúa chịu mặn đang có triển vọng, và chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra được những giống lúa có khả năng chịu mặn tới 5-6‰.

Tình trạng nóng lên ở ĐBSCL cũng như các vùng khác trong cả nước cũng đang là nguy cơ làm giảm năng suất lúa. Vì thế, giống lúa chịu nóng cũng đã bắt đầu được các nhà khoa học bắt tay vào nghiên cứu, và phải tới năm 2014-2015 mới xong. Giống lúa chịu hạn dài ngày cũng đã bắt đầu được tính đến. TS Lê Văn Bảnh cho biết Viện Lúa ĐBSCL đã cử các nhà khoa học lên Tây Bắc, Tây Nguyên để sưu tầm những giống lúa chịu hạn của bà con các dân tộc thiểu số.

Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, hiện nay, trên thế giới, qua công nghệ chuyển gene, người ta đã tạo ra được một giống lúa có khả năng chịu hạn rất tốt. Nhưng việc nghiên cứu giống lúa chịu hạn vẫn là một công việc khó, là một thách thức lớn đòi hỏi phải đầu tư nhiều công sức trong thời gian tới.

Canh tác khôn ngoan

GS.TS Bùi Chí Bửu nhận định, trước diễn biến của BĐKH, NBD và tác động của con người, diện tích đất lúa ở ĐBSCL chắc chắn sẽ bị thu hẹp ít nhiều. Bởi thế, để giữ vững được sản lượng lúa, nâng cao năng suất là bài toán hàng đầu. Việc nâng cao năng suất này không chỉ nhờ vào nghiên cứu ra những giống lúa có năng suất cao hơn nữa, mà quan trọng nhất là làm sao thu hẹp được sự chênh lệch về năng suất trên đồng ruộng. Hiện nay, sự chênh lệch này đang lên tới 1,1 tấn/ha. Nếu thu hẹp được sự chênh lệch này xuống còn 300-400 kg/ha, chắc chắn chúng ta sẽ thu thêm được một sản lượng lúa đáng kể.

Theo GS.TS Nguyễn Sinh Huy, trước nguy cơ biến động nguồn nước, ngay từ bây giờ, chúng ta phải thay đổi phương thức canh tác ở ĐBSCL, mà mục tiêu hàng đầu là làm sao giảm được lượng nước tưới cho lúa. GS Huy cho rằng cách tưới theo kiểu cho nước vào tràn đồng như hiện nay là quá lãng phí nước. Nguyên nhân là do nông dân vẫn theo thói quen có nước đến đâu dùng đến đó, trong khi chúng ta lại chưa có hệ thống điều tiết nước trong nội đồng. GS.TS Bùi Chí Bửu đưa ra dẫn chứng cụ thể về sự lãng phí này: Ở Úc, Nhật Bản, để làm ra 1 kg lúa, người ta chỉ tốn chừng 1,4-1,6 m3, còn ở ta, nông dân tốn đến 5 m3 nước.

Chính vì thế, theo TS Hoàng Quốc Tuấn, trước việc biến động nguồn nước cùng những khó khăn lớn khác, chúng ta cần sớm có những giải pháp canh tác lúa một cách khôn ngoan bằng cách ứng dụng tiến bộ kỹ thuật hay tính toán thời vụ phù hợp. Chẳng hạn, trong việc tiết kiệm nước tưới cho lúa, nếu dùng kỹ thuật san phẳng đồng ruộng, sẽ giảm thiểu được khá nhiều nước, từ mức khoảng 4.000 m3 hiện nay xuống chỉ còn 2.000 m3.

Còn theo GS.TS Bùi Chí Bửu, phải tập huấn cho nông dân biết cách thường xuyên theo dõi nhu cầu nước trên đồng ruộng, khi nào cây lúa cần nước thì mới tưới, nếu giảm được lượng nước xuống còn 2,5-3 m3/kg lúa cũng là rất tốt. Bên cạnh đó, phải biết tận dụng triệt để nguồn nước mưa, tính toán lại thời gian lũ ở ĐBSCL (đã bắt đầu có dấu hiệu thay đổi, không theo quy luật trước đây) để bố trí lại mùa vụ một cách phù hợp, chuyển mạnh một phần vụ hè thu sang thu đông để tránh nguy cơ khô hạn đầu vụ hè thu đang ngày càng cao…

Xem thêm
Mang Yang là nơi rất tốt để phát triển đàn bò sữa

Khí hậu mát mẻ quanh năm, không khí trong lành, nguồn nước sạch…, là những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển bò sữa ở Mang Yang, Gia Lai.

Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.