| Hotline: 0983.970.780

Lúa hè thu sẽ tiêu thụ ra sao?

Thứ Năm 27/05/2010 , 11:46 (GMT+7)

Còn khoảng 1 tháng nữa, ĐBSCL mới bắt đầu bắt tay vào thu hoạch lúa hè thu. Thế nhưng, ngay từ bây giờ, câu hỏi về việc tiêu thụ lúa vụ này đã được đặt ra...

Còn khoảng 1 tháng nữa, ĐBSCL mới bắt đầu bắt tay vào thu hoạch lúa hè thu. Thế nhưng, ngay từ bây giờ, câu hỏi về việc tiêu thụ lúa vụ này đã được đặt ra, khi Hiệp hội Lương thực (VFA) vừa cho biết có thể họ sẽ không chủ động tạm đưa ra giá sàn và tổ chức thu mua tạm trữ gạo như trong vụ đông xuân vừa rồi nữa.

Đến thời điểm này, nhìn chung, nông dân ĐBSCL đã tiêu thụ được hết lúa hàng hoá của vụ đông xuân. Theo đánh giá của PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, việc người trồng lúa ĐBSCL tiêu thụ được hết lúa đông xuân có tác động không nhỏ của chương trình thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo do VFA tổ chức thực hiện. Bằng chứng rõ rệt nhất là nhờ có chương trình thu mua tạm trữ này mà giá lúa vụ đông xuân vừa rồi đã không bị rớt xuống quá thấp, trong bối cảnh đầu ra xuất khẩu liên tục gặp khó khăn, giá xuất khẩu liên tục giảm trong mấy tháng qua. Hiện tại, trong kho của các doanh nghiệp lương thực đang tồn tới trên 1,7 triệu tấn gạo, trong đó có 1 triệu tấn là từ đợt mua tạm trữ vừa rồi. Nếu lượng gạo này (quy ra lúa là gần 2 triệu tấn) vẫn còn tồn trong dân, chắc chắn giá lúa ở ĐBSCL đã giảm xuống rất mạnh, và người nông dân sẽ phải đối mặt với những khó khăn không nhỏ.

Theo TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, trong vụ đông xuân vừa rồi, nếu tính hết các chi phí trực tiếp cho sản xuất lúa, thì đầu tư cho mỗi ha không quá 12 triệu đồng. Còn nếu cộng thêm những chi phí khác, chi phí sản xuất lúa trên mỗi ha sẽ vào khoảng 12-13 triệu đồng. Với năng suất bình quân của vụ đông xuân rồi là 6,5-7 tấn/ha, thì giá thành của mỗi kg lúa không quá 2.500 đ. Trong khi đó, thực tế tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long giá lúa mua bình quân của vụ đông xuân rồi là 4.150 đ/kg.

Như vậy, nếu so giá lúa bình quân với giá thành sản xuất mà Viện lúa ĐBSCL đã tính, thì mức lợi nhuận mà nông dân được hưởng rõ ràng là đã vượt rất xa cái mức 30% do Chính phủ yêu cầu. Và vì thế, lời khẳng định vào đầu vụ của ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, rằng vụ đông xuân 2009/2010, trên mỗi kg lúa, nông dân thu lời trên 45%, là hoàn toàn có cơ sở và chính xác như dự báo.

Điều đáng nói là trong vụ đông xuân rồi, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính chủ trì trong việc tính toán và công bố giá thành sản xuất lúa, để trên cơ sở đó, các doanh nghiệp có kế hoạch thu mua đảm bảo nông dân lời tối thiểu 30%. Nhưng cho đến thời điểm này, khi lúa đông xuân đã cơ bản được tiêu thụ hết, và vụ hè thu đang sắp sửa thu hoạch, thì bảng công bố giá thành sản xuất lúa đông xuân của Bộ Tài chính vẫn chưa thấy đâu.

Trong khi đó, từ mấy tháng trước, trong tình thế xuất khẩu gặp khó, lúa hàng hoá vụ đông xuân có nguy cơ ế đọng, VFA đã nhanh nhạy, chủ động bắt tay thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo. Để có giá thu mua hướng dẫn cho các doanh nghiệp, VFA đã dựa vào những ước tính của các đại biểu tham dự cuộc họp giao ban giữa Bộ NN&PTNT với GĐ các Sở NN&PTNT của các tỉnh, thành phố ĐBSCL, để tạm tính giá thành lúa vụ đông xuân, rồi xác định giá thu mua tối thiểu đối với lúa khô là 4.000 đ/kg. Nghĩa là nếu giá lúa trên thị trường giảm xuống dưới 4.000 đ/kg thì doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo thu mua với giá 4.000 đ/kg. Còn nếu giá lúa ở mức trên 4.000 đ/kg, thì doanh nghiệp thu mua tạm trữ theo giá thị trường. Trên thực tế, giá lúa trên thị trường trong mấy tháng qua thường ở mức trên 4.000 đ/kg, và đến ngày 25/5, giá lúa ở ĐBSCL đã lên tới 4.600 đ/kg.

Nếu giá gạo trên thị trường thế giới tiếp tục giảm đến mức tương đương với giá thành lúa được công bố cộng thêm 30% định mức lợi nhuận cho nông dân cùng các chi phí cần thiết khác, thì khi ấy, các doanh nghiệp sẽ bị lỗ. Việc lỗ này sẽ được xử lý ra sao? Giải pháp xử lý có kịp thời để các doanh nghiệp an tâm mua lúa theo chủ trương của Chính phủ hay không? Và trong số hơn 200 doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện nay, có bao nhiêu doanh nghiệp sẽ chấp hành mua lúa theo giá chỉ đạo của Chính phủ khi đã biết trước rằng sẽ bị lỗ?

Điều đáng tiếc là theo thông tin mới nhất từ VFA, trong vụ hè thu tới, Hiệp hội này sẽ không chủ động tạm tính giá thành để đưa ra giá hướng dẫn thu mua lúa nữa. Thay vào đó, VFA sẽ chờ sự công bố giá thành từ phía Chính phủ làm cơ sở rồi mới bắt tay vào thu mua lúa cho khách quan. Sở dĩ VFA phải làm vậy là do có những phản ứng từ dư luận rằng một Hiệp hội mà tự đưa ra giá thu mua lúa, là không đúng chức năng, là “vừa đá bóng vừa thổi còi” và “ép giá nông dân”.

Nhưng như đã nói ở trên, nếu như VFA đã không chủ động tạm tính giá thành và tổ chức thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, mà cứ chờ các cơ quan Chính phủ, thì đến giờ này, lúa đông xuân vẫn còn tồn đọng một lượng lớn trong các hộ trồng lúa ở ĐBSCL, gây ảnh hưởng bất lợi đến hiệu quả kinh tế và tình hình sản xuất của các vụ lúa tiếp theo. Vì thế, nếu như trong vụ hè thu này, chỉ vì để tránh bị chỉ trích, VFA sẽ không chủ động tính giá và thu mua tạm trữ, chắc chắn nông dân sẽ gặp khó khăn lớn trong việc tiêu thụ lúa hàng hoá. Nông dân sẽ chẳng biết bán lúa cho ai, bán với giá nào? Bởi lẽ, trong kho của các doanh nghiệp hiện vẫn còn tồn khá nhiều gạo. Mặt khác, năm nay, sản lượng gạo trên thế giới tăng mạnh tới trên 20 triệu tấn, trong khi cầu gạo vẫn đang ở mức “yếu” do nhiều nước châu Phi chuyển sang dùng bắp, lúa mì… có giá rẻ hơn. 

Nếu không có các giải pháp hợp lý, kịp thời ngay từ bây giờ thì khi bắt đầu thu hoạch vụ Hè Thu chắc chắn những người sản xuất lúa sẽ gặp khó khăn không lường trước được.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất