| Hotline: 0983.970.780

Lúa lai B-TE1 thích nghi nhiều vùng sinh thái

Thứ Sáu 08/04/2011 , 10:35 (GMT+7)

Riêng tại ĐBSCL, qua thực tế sản xuất cho thấy, giống lúa này có khả năng thích nghi trên nhiều vùng sinh thái khác nhau, năng suất cao và ổn định, đặc biệt là trên vùng đất lúa - tôm.

Arize B-TE1 là giống lúa lai 3 dòng do Cty Bayer lai tạo và sản xuất tại Ấn Độ, giống lúa này đã được thương mại hóa ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, B-TE1 được Bộ NN-PTNT công nhận là giống quốc gia từ năm 2007.

Từ đó cho đến nay, giống lúa lai F1 này đã được nhiều nông dân lựa chọn đưa vào sản xuất thay cho giống lúa thuần tại địa phương. Riêng tại ĐBSCL, qua thực tế sản xuất cho thấy, giống lúa này có khả năng thích nghi trên nhiều vùng sinh thái khác nhau, năng suất cao và ổn định, đặc biệt là trên vùng đất lúa - tôm.

Ông Phạm Tấn Hải, Giám sát kinh doanh ngành hạt giống Cty Bayer ở khu vực ĐBSCL cho biết, năm 2010 nông dân trong vùng gieo sạ trên 7.000 ha lúa lai B-TE1, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh như Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Bến Tre. Năng suất lúa B-TE1 khá cao và ổn định qua nhiều vụ sản xuất, trung bình đạt từ 9-10 tấn/ha, kể cả sản xuất trên vùng lúa tôm và vùng đất lúa 2 vụ/năm.

Để giúp nông dân trong vùng hiểu rõ về đặc tính cũng như nắm vững kỹ thuật canh tác giống lúa này, trong những năm qua, Cty đã triển khai nhiều điểm trình diễn trên các vùng sinh thái khác nhau nhằm tìm ra quy trình sản xuất hợp lý nhất. Riêng tại tỉnh Sóc Trăng, trong vụ ĐX vừa qua, Cty đã kết hợp với ngành chức năng triển khai trên 30 điểm trình diễn, tập trung ở các huyện Trần Đề, Thạnh Trị, Ngã Năm và Mỹ Xuyên. Kết quả thu được rất khả quan, hầu hết nông dân làm giống lúa lai B-TE1 đều thắng lớn, năng suất đạt trên 50 giạ/công.

Anh Nguyễn Thanh Tòng, ở ấp Hưng Thới, xã Thạnh Thới An, huyện Trần Ðề, đạt năng suất trên 11,25 tấn/ha. Điều đó chứng tỏ tiềm năng năng suất giống B-TE1 là rất cao nếu được đầu tư thâm canh tốt. Còn trong điều kiện canh tác bình thường, B-TE1 cho năng suất cao hơn hẳn so với lúa mùa và cao hơn khoảng 20-30% so với giống lúa thuần địa phương.

 Tìm gặp anh Nguyễn Thanh Tòng khi gia đình anh vừa thu hoạch xong vụ lúa ĐX, anh Tòng lật quyển sổ tay ghi chép cẩn thận chi phí sản xuất từng giống lúa cho chúng tôi xem, rồi phấn khởi khoe: “Gia đình tôi có 21 ha đất lúa. Vụ ĐX vừa qua, tôi là thành viên câu lạc bộ nông dân sản xuất lúa của Cty ADC (đơn vị phân phối độc quyền giống lúa lai B-TE1 tại Việt Nam) nên được Cty giới thiệu sản xuất thử giống lúa lai B-TE1. Giống lúa này phát triển khá mạnh, đẻ nhánh khỏe, kháng được bệnh đạo ôn nên giảm được số lần phun thuốc, giảm được hơn 1 triệu đồng chi phí mỗi ha. Kết quả cuối vụ thật bất ngờ, năng suất lúa lai đạt gần 11,3 tấn/ha. Trong khi đó, giống lúa thuần chỉ đạt 8 tấn/ha”.

Theo anh Tòng, làm lúa lai cần đặc biệt chú ý khâu gieo sạ, phải diệt hết ốc bươu vàng trên nền ruộng vì giống lúa này mật độ gieo sạ rất thưa (5 ký giống/công), nếu để ốc cắn phá sẽ tốn công cấy dặm. Anh Tòng dự tính, vụ lúa tới sẽ làm khoảng 10 ha diện tích lúa lai B-TE1, chỉ cần năng suất lúa cao hơn khoảng 1 tấn/ha thì người trồng lúa đã có lãi thêm khoảng 5-6 triệu đồng/ha rồi.

Ông Triệu Công Danh, Trưởng phòng NN-PTNT Trần Đề (Sóc Trăng) cho biết, toàn huyện hiện có 22.546 ha đất sản xuất lúa, đứng thứ nhì về diện tích trong tỉnh. Tuy nhiên, do là huyện ven biển, sản xuất lúa hoàn toàn lệ thuộc vào nước mưa nên năng suất lúa trung bình còn thấp, mới chỉ đạt 5,94 tấn/ha (vụ ĐX 2010-2011). Kết quả thử nghiệm giống lúa lai vụ ĐX vừa qua cho thấy, giống lúa này thích nghi được với điều kiện canh tác tại địa phương, năng suất thực tế đạt từ 9 tấn/ha trở lên. Đây là tín hiệu đáng mừng, vì không chỉ có thêm giống lúa mới cho người dân lựa chọn canh tác mà còn góp phần làm tăng sản lượng lúa của địa phương.

Trong chuyến làm việc mới đây với các tỉnh ĐBSCL nhằm tìm giải pháp tăng thêm 1 triệu tấn lúa trong năm 2011, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng đã yêu cầu các địa phương cần đẩy mạnh đầu tư mở rộng diện tích lúa TĐ. Riêng đối với các khu vực ven biển thuộc các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, gặp khó khăn về nguồn nước thì cần tập trung mở rộng diện tích lúa-tôm, tăng giá trị, chất lượng bằng cách tập trung vào sản xuất các giống lúa đặc sản, lúa lai… Phát huy tối đa điều kiện sản xuất, mở rộng diện tích trong điều kiện có thể để mỗi tỉnh sẽ tăng thêm từ 100.000 – 200.000 tấn lúa nữa trong năm 2011.

Ông Phan Văn Thuận, Giám đốc Marketing ngành hạt giống của Cty Bayer cho biết, ngoài khu vực ĐBSCL, trong những năm qua, Cty đã tập trung mở rộng diện tích sản suất ở ĐBSH, Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Kết quả sản xuất ở nam bộ cho thấy giống lúa lai B-TE1 có thời gian sinh trưởng từ 105 - 125 ngày (tùy mùa vụ canh tác và tùy khu vực), có tính thích ứng rộng, phát triển tốt ở những vùng có điều kiện thâm canh cao cũng như những nơi có điều kiện không thuận lợi như vùng đất nhiễm phèn, nhiễm mặn từ nhẹ đến trung bình, vùng chuyên sản xuất lúa-tôm...

Nếu được canh tác đúng kỹ thuật, chăm sóc tốt thì giống lúa lai B-TE1 cho năng suất khá cao từ 9-10 tấn/ha. Nhờ những ưu thế đó mà cây lúa lai B-TE1 đã khẳng định được ưu thế của mình trên đồng ruộng, được nhiều nông dân lựa chọn canh tác và đang tăng nhanh về diện tích ở nhiều khu vực.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 1] 10 năm chinh phục chim yến

Hơn 10 năm dấn thân vào ngành yến, anh Trần Tuấn Anh đã xây dựng được công ty và thương hiệu yến quy mô tại Bình Phước.

Không để dịch bệnh tái phát lây lan trên đàn vật nuôi

AN GIANG Nhờ chủ động tiêm phòng vacxin đã giúp đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh An Giang hạn chế được các loại dịch bệnh nguy hiểm.

1 ha hồi cho thu nhập 400 triệu đồng/năm

BẮC KẠN Giá bán khoảng 30.000đ/kg, có những năm đỉnh điểm lên tới 70.000đ/kg, cây hồi đem lại thu nhập cao, trở thành cây giảm nghèo, làm giàu của nhiều nông hộ ở tỉnh Bắc Kạn.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.