| Hotline: 0983.970.780

Lúa - màu trúng lớn

Thứ Bảy 30/07/2011 , 15:49 (GMT+7)

Mô hình trồng khoai lang tím, đưa cây bắp, mè, đậu nành xuống ruộng thực sự hiệu quả...

Đất đai ở ĐBSCL tươi tốt với đặc điểm vùng sinh thái đa dạng thích hợp nhiều mô hình trồng trọt. Trên đất ruộng lúa một số mô hình luân canh lúa - hoa màu đang nổi lên mang lại thu nhập cao cho nông dân. Mô hình trồng khoai lang tím, đưa cây bắp, mè, đậu nành xuống ruộng thực sự hiệu quả...

“Đệ nhất” lúa - khoai

Cho tới những ngày cuối tháng 7, dân trồng khoai lang tím vụ hè thu ở Bình Tân (Vĩnh Long) thu hoạch gặp trúng giá bất ngờ. Trở lại vùng khoai, thấy nông dân tấp nập ra đồng cắt dây, dọn bãi. Nông dân Nguyễn Văn Ẩn, ấp Tân Mỹ, xã Thân Thành, huyện Bình Tân đang che chòi làm lán trại chuẩn bị vỡ khoai. Anh Ẩn nói: "Khoai lang tím giống Nhật sau khi từ 820.000 đồng/tạ qua hồi cách đây 2 tuần giảm giá còn 420.000 đồng/tạ, nay hồi giá lên 620.000 đồng/tạ, tính ra hơn 10.000 đồng/kg. Xem ra khoai vẫn hút hàng, chủ vựa tới xem đặt tiền cọc trước. Mùa này tôi trồng 2 ha khoai (20 công), trong đó 15 công khoai lang tím và 5 công khoai sữa. Chỉ tiếc khoai sữa hiện bán được có 85.000 đồng/tạ nếu không còn trúng đậm nữa”. Anh Ẩn đưa ra nhận định: Ở vùng ven sông Hậu, mô hình lúa - khoai cho thu nhập cao nhất.

Theo ông Võ Văn Theo, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bình Tân: “Sau 2 năm nông dân Bình Tân trúng mùa khoai liên tiếp, chúng tôi nhận thấy SX nông nghiệp của huyện đi đúng định hướng theo qui hoạch. Bình Tân có 3 điều kiện để mô hình lúa - hoa màu thành công là nhờ được đầu tư thủy lợi tương đối tốt, kế đến là kỹ thuật chăm sóc và nhất là yếu tố thị trường. Nếu thị trường thuận lợi, một vụ trồng hoa màu như khoai lang lãi gấp 4-5 lần so với lúa. Thường sau vụ lúa ĐX, trồng khoai vụ xuân hè. Mùa khoai lang thu xong còn trả lại dây, lá tạo chất xanh, một nguồn phân hữu cơ cho đất thêm màu mỡ”.

Đó chính là SX nông nghiệp nhắm vào nhu cầu thị trường. Trung Quốc hay thị trường nào cũng vậy, miễn sao nông dân bắt “trúng mạch”, sản phẩm bán được giá. Thị trường thì phải tính, ngán ngại nhất là hàng nhiều dội chợ. Bài học hồi năm ngoái dội chợ một trận, giá khoai rớt còn 160-170 ngàn đồng/tạ. Do đó, bên cạnh giống khoai tím Nhật, ở vùng khoai Bình Tân còn dự phòng một số giống khoai khác như trắng giấy, trắng sữa, bí đường xanh và mới đây là giống khoai Nhật cao sản. “Phải tính tới đa dạng thị trường, nếu năm nào giống khoai lang tím thắng thì trồng nhiều. Còn khoai trắng sữa bán sang CPC, khoai bí vàng bán về TP HCM và các tỉnh trong vùng. Cán bộ BVTV đang khuyến cáo nông dân SX theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, giữ gìn sức khỏe cho chính mình và người tiêu dùng. Cách này mới tránh được ứ hàng dội chợ”, ông Theo nói.

Trồng màu, tùy thế đất

Ở Bình Tân có lợi thế đất phù sa ngọt ven sông Hậu. Tuy nhiên phòng Nông nghiệp huyện cũng phân ra các tiểu vùng đất phù sa ven sông, đất gò, đất phèn để bố trí thời vụ SX phù hợp đặc điểm cây trồng. Đất lúa, trồng khoai lang sau khi phát triển được có thể trồng thêm mè. Vùng đất phù sa ven sông rất tốt cho cây bắp, mè, đậu nành phát triển.

Nói về cây bắp, ở Bình Tân hiện phát triển mạnh cây bắp nếp, đứng thứ 2 sau khoai lang, với 300 ha, mỗi năm tăng diện tích bình quân 20%. Loại bắp này không sợ cỏ, chỉ sợ bệnh sọc lá làm thiệt hại giảm năng suất. Song mới đây đã có nhiều giống bắp kháng sâu bệnh tốt. Có nơi, nông dân sau vụ lúa - khoai còn trồng thêm một vụ bắp. Trồng bắp đạt năng suất cao và có lãi cao đã thu hút nông dân trồng. Với cây mè, hiệu quả cũng không kém. Đất lúa trồng mè thích hợp, thời gian sinh trưởng 85 ngày. Chi phí chỉ 600.000 đồng/công, thu nhập hơn 3 triệu đồng. Dù vậy, tâm lý nông dân vẫn thích khoai lang hơn trồng mè, vì làm xong một vụ thu với số tiền lớn cả trăm triệu đồng nên mê khoai.

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long phân tích lợi thế mô hình lúa - màu, nhận xét: Cho đến nay phải thừa nhận mô hình lúa - khoai vẫn chiếm ưu thế vượt trội về mặt hiệu quả. Bên cạnh đó những vùng đất khác nông dân canh tác đa dạng hoa màu như dưa hấu, hành lá, ớt hiệu quả không kém. Riêng cây bắp mới chỉ có bắp nếp, bắp lai phát triển chưa nhiều do tập quán trồng nhỏ lẻ khó tìm chỗ bán. Hơn nữa nông dân chưa quen cách thu hoạch phơi trái, tuốt lẩy hạt nên cho là cực công và cũng không có nhiều kinh nghiệm SX bắp lai.

PGS.TS Nguyễn Bảo Vệ, Khoa Nông nghiệp & sinh học ứng dụng - trường ĐH Cần Thơ cho rằng: Thật khó so sánh đâu là mô hình trồng lúa - hoa màu nào là ưu thế nhất. Đó là vì tùy theo từng thời điểm, thời giá thị trường cây hoa màu nào trúng giá, hiệu quả cao như lúa - khoai hay lúa – bắp, lúa - mè… bởi còn tùy thuộc theo vùng đất, giống má, thị trường, nhưng nhìn chung đó là những mô hình hiệu quả hơn thuần lúa, và bền vững. 

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Quy hoạch vùng trồng hoa hồng lớn nhất tỉnh Kon Tum

Làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) được quy hoạch xây dựng thành vùng trồng hoa hồng Bulgaria lớn nhất Kon Tum.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm