| Hotline: 0983.970.780

Lúa nếp cô Duyên cùng mô hình liên kết giúp nhiều nông dân Đức Chính thoát nghèo

Thứ Năm 23/03/2017 , 07:30 (GMT+7)

Từ 6 hộ trồng 20ha lúa nếp xuất khẩu đến nay đã có 250 hộ tham gia trồng 400ha. Bà con đã gọi giống lúa của mình bằng cái tên đậm đà “tình thương mến thương”: Lúa nếp cô Duyên như một cách hàm ơn người giúp họ ăn nên làm ra. Riêng năm 2016 vợ chồng anh Nghĩa đã huy động vốn hơn 4 tỉ đồng để mua phân, thuốc, giống đầu tư ứng trước cho nông dân.

Thăm đồng Đức Tài, Đức Chính

Cánh đồng lớn của các xã Nam Chính, Đức Chính và thị trấn Đức Tài (huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) thẳng cánh cò bay. Nắng sớm tỏa rộng làm cho những trà lúa nếp sắp thu hoạch như tăng thêm độ vàng óng ánh. Từ khu dân cư thôn 2, xã Đức Chính ra tận cánh đồng lúa nếp cả gần 10 cây số. Đường nội đồng gập ghềnh, nhưng chúng tôi không thấy mệt mỏi vì mải nghe vợ chồng anh Nghĩa - chị Duyên kể chuyện đời, chuyện đưa giống lúa nếp cao sản từ miền tây đây giúp hàng trăm hộ dân vượt qua cái nghèo.

08-51-09_img_0277
Các đoàn tham quan mô hình liên kết trồng lúa nếp
 

Anh Nguyễn Trọng Nghĩa sống với gia đình ở xã Đức Chính. Cuộc sống làm nông như đã “định mệnh” với Nghĩa. Năm 2014, bước vào tuổi 30 anh kết duyên cùng cô gái chính gốc miền tây Khánh Hội, Long An tên Đặng Thị Mỹ Duyên. Duyên cần cù chịu khó, không chỉ quen từng hạt lúa, hạt nếp trên cánh đồng Long An mà còn giúp gia đình kinh doanh lúa gạo ở xứ miền tây. Sau khi kết hôn, Duyên theo chồng về Đức Chính làm ăn, cuộc sống bình dị như bao gia đình khác. Song, trong sâu xa, đôi vợ chồng trẻ quyết tâm vượt lên cái nghèo.

Nghĩa tâm sự: “Đức Chính là một địa bàn thuần nông, chủ yếu là trồng lúa, cuộc sống của người nông dân vất vả quanh năm, nhưng thu nhập chẳng là bao, nhất là những năm xảy ra thiên tai dịch bệnh, giá cả nông sản không ổn định… cái nghèo cứ đeo bám dai dẳng.  Vợ chồng tôi nghĩ cần phải thay đổi cây trồng khác thay thế cây lúa hạt tròn truyền thống ở vùng đất này để tăng thu nhập cho bà con. Cuối năm 2014, tôi quyết định cùng về Long An với Mỹ Duyên để tìm hiểu, khảo sát mô hình liên kết sản xuất lúa nếp...”.

Nhân rộng mô hình

Sau khi được cán bộ xã Đức Chính động viên khích lệ, vụ ĐX 2015 - 2016, vợ chồng Nghĩa -Duyên mạnh dạn thực hiện mô hình liên kết sản xuất cây lúa nếp (giống đưa từ Long An về). Lúc bấy giờ anh chỉ hướng dẫn trồng 20ha lúa nếp cho 6 hộ dân tham gia. Số vốn vợ chồng anh đầu tư hơn 1 tỉ đồng. Sau mùa vụ đầu tiên, nhiều hộ thấy sản xuất giống lúa nếp đầu tư phân, thuốc ít hơn, giống có sức kháng bệnh cao và năng suất vượt trội nên đã đăng ký với anh để mở rộng diện tích liên kết sản xuất.

08-51-09_img_0288
Anh Nghĩa - chị Duyên kiểm tra chất lượng lúa nếp

 

Thấy nhiều hộ còn lăn tăn chuyện làm ra sản phẩm và tiêu thụ, anh Nghĩa nói luôn: “Tôi sẽ cung ứng giống lúa nếp và bao tiêu luôn sản phẩm”. Mới nghe Nghĩa nói bà con cũng chưa tin nên chị Duyên khẳng khái: “Bà con yên tâm, vợ chồng tôi sẽ lo hết việc bao tiêu sản phẩm, bao nhiêu cũng được…”.

Mô hình trồng lúa nếp thay thế lúa hạt tròn truyền thống trên cánh đồng Đức Chính thoạt đầu chỉ 20ha, đến nay đã hơn 250 hộ đăng ký trồng trên 400ha. Riêng năm 2016 vợ chồng anh Nghĩa đã huy động vốn hơn 4 tỉ đồng để mua phân, thuốc, giống đầu tư ứng trước cho nông dân. Sản lượng lúa nếp cuối năm thu hơn 1.200 tấn, nhiều hộ đã thoát nghèo.

Điều đáng nói hơn là không dừng lại ở địa bàn xã Đức Chính, những trà lúa nếp miền tây do vợ chồng anh Nghĩa đưa về đã lan rộng ra hàng chục hộ ở Nam Chính, Đức Tài có ruộng trên cánh đồng lớn.

Anh Phạm Chí Dũng tuổi đời mới ngoài 30, một nông dân vạm vỡ, chịu khó làm ăn ở thôn 5, Đức Tài có 6ha ruộng, thấy mô hình trồng lúa nếp xuất khẩu của vợ chồng Nghĩa - Duyên năng suất khá, bán được giá cao nên anh dò la tìm hiểu. Thoạt đầu vợ chồng Dũng lưỡng lự sợ làm ra bán không được, vì xưa nay ở vùng Đức Tài chưa ai mua nếp với sản lượng lớn… Nhưng được vợ chồng Nghĩa - Duyên động viên và cam kết tiêu thu sản phẩm nên từ vụ ĐX 2015 - 2016 Dũng tham gia liên kết sản xuất lúa nếp.

Anh Dũng phấn khởi cho hay: “Tôi đã trồng 2 vụ lúa nếp, năng suất vụ nào cũng cao hơn sản xuất lúa hạt tròn trước đây, có vụ đạt 7 - 8 tấn/ha; giá lúa nếp cũng cao hơn giá lúa truyền thống từ 1.000 - 1.500 đồng/kg. Mỗi vụ tôi thu lãi 100 triệu đồng, nhờ có khoản tiền này mà chi tiêu trong gia đình rộng rãi hơn, cuộc sống ổn định…”.

Dũng chỉ tay về phía thửa ruộng rộng hơn 3ha lúa nếp chín vàng óng ánh, máy gặt liên hợp đang thu hoạch vụ ba, nói thêm: “Vụ này thời tiết thuận lợi, mã lúa nếp đẹp chắc chắn năng suất sẽ đạt 8 tấn/ha…Tôi thấy nếu mô hình liên kết sản xuất lúa nếp được mở rộng thì nông dân vùng này sẽ giàu”.

+ Khi đã có các điều kiện cần và đủ, vợ chồng Nghĩa - Duyên lại bắt tay vào thực hiện quy trình sản xuất lúa nếp khép kín. Anh Nghĩa cung cấp giống lúa, phân, thuốc, đồng thời cử cán bộ kỹ thuật theo dõi giúp nông dân về quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc. Cuối vụ anh bao tiêu hết sản phẩm theo giá thị trường. Vợ chồng anh đang kế hoạch thành lập hợp tác xã liên kết sản xuất lúa nếp với diện tích quy mô lớn hơn.

+ Nhận xét về mô hình liên kết sản xuất lúa nếp, ông Lê Văn Chí, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Chính cho hay: “Liên kết sản xuất lúa nếp đang là chuyện thời sự của nông dân Đức Chính, Đức TàiNam Chính. Nếu trong năm tới sản xuất ba vụ với diện tích 1.200ha, thì sản lượng thu trên 8.400 tấn lúa nếp. Giống lúa nếp vợ chồng anh Nghĩa đưa về cho năng suất cao, chi phí thấp, bước đầu thay thế một số diện tích lúa hạt tròn trước đây. Vợ chồng anh Nghĩa đã góp phần hoàn chỉnh tiêu chí xây dựng nông thông mới ở Đức Chính.

 

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.