| Hotline: 0983.970.780

Lúa nhiễm bệnh lạ

Thứ Hai 20/04/2015 , 09:34 (GMT+7)

Vừa “dập” xong bệnh đạo ôn, nhiều nông dân ở Nghệ An lại phát hoảng khi phát hiện hiện tượng đỏ đuôi xuất hiện trên lúa xuân đúng vào giai đoạn làm đòng.

Tình trạng này xảy ra cục bộ tại nhiều huyện như Thanh Chương, Đô Lương, Yên Thành, Hưng Nguyên...

Ông Nguyễn Doãn Hưng ở xóm 10, xã Thanh Khai (Thanh Chương) cho biết: Vụ xuân 2015, gia đình ông trồng 1 sào lúa GS9. Cách đây 1 tuần, một vài khóm lúa xuất hiện màu đỏ và khô trên đuôi lá sau đó lan dần xuống cuống lá. Đến nay, cả thửa ruộng đã đỏ ong gần hết phần ngọn giống như lúa bước vào thời kỳ chuẩn bị thu hoạch.

Do lần đầu tiên thấy bệnh lạ nên ông Hưng rất lo lắng, phân vân chưa biết sử dụng loại thuốc BVTV nào để phòng trừ hiệu quả.

Một người dân tại xã Xuân Tường (Thanh Chương) chỉ vào thửa ruộng của gia đình ông Trần Tuấn ở xóm 10, xã Xuân Tường nói: “Không chỉ có lúa GS9 bị bệnh đỏ đuôi mô. Nhà ông Tuấn trồng 6 sào lúa lai Thịnh Dụ đều bị bệnh ni hết. Nhà tui cũng có 2 sào lúa GS9 bị nhiễm bệnh, giờ nên dùng thuốc chi để phòng trừ hả chú?

Năm nay, lúa xuân gặp nạn liên tục, chưa hết đạo ôn, lại trổ đúng vào dịp mưa rét, nay thêm bệnh lạ, ai cũng thấp thỏm lo năng suất thấp”.

Qua khảo sát của chúng tôi thì bệnh đỏ đuôi còn xuất hiện rải rác trên các thửa ruộng ở một số xã khác như Thanh Dương, Ngọc Sơn, Thanh Tiên… Được biết, tại các huyện Yên Thành, Đô Lương, Hưng Nguyên…, bệnh này cũng đã xuất hiện gần 1 tuần nay nhưng hiện các địa phương vẫn chưa thống kê được số diện tích bị nhiễm.

Chi cục BVTV đã tổ chức lấy mẫu gửi ra TW để xét nghiệm nhưng chưa có kết quả nên các địa phương đang lúng túng trong việc tìm giải pháp phòng trừ.

“Chi cục BVTV Nghệ An đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh đỏ đuôi. Mặc dù chưa có kết luận cuối cùng, nhưng chúng tôi cho rằng có thể do 2 nguyên nhân sau. Thứ nhất là cây lúa đang bị thiếu kali, thứ hai là do bón thừa đạm, lại gặp thời tiết bất thuận nên cây lúa đã bị ngộ độc hữu cơ”, ông Nguyễn Văn Lập, PGĐ Sở NN-PTNT Nghệ An.

Được biết, bệnh đỏ đuôi còn xuất hiện trên một số giống lúa khác tại các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Hưng Nguyên và Yên Thành. Ở Thanh Chương có giống Khang dân 18, Thịnh Dụ; ở Yên Thành có giống HN6, Thiên ưu 8…

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đình Thanh và ông Trần Doãn Hùng, Trưởng phòng NN-PTNT của 2 huyện Thanh Chương và Đô Lương đều có chung nhận định, đây là hiện tượng không đáng lo ngại, có thể do nông dân bón thiếu kali hoặc do thời tiết diễn biến phức tạp vào thời kỳ trước khi làm đòng khiến một số giống lúa nói trên đã phản ứng với khí hậu nhất là tại những thửa ruộng chua.

“Chúng tôi đã khuyến cáo bà con nông dân sử dụng thuốc BVTV có trong danh mục, phun vào lúc tan sương để tăng thêm sức đề kháng cho cây lúa”, ông Thanh cho biết.

Ông Nguyễn Văn Dương, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Yên Thành xác nhận đây là lần đầu tiên bệnh đỏ đuôi xuất hiện tại Yên Thành: “Có thể là do một số thửa ruộng gặp gió độc nên phát sinh hiện tượng này. Tất nhiên, lá lúa bị khô sẽ tác động rất lớn đến quá trình làm đòng của cây lúa và ảnh hưởng đến năng suất cuối vụ”.

Trước đó, vụ xuân 2015, bệnh vàng lùn xoắn lá đã xuất hiện trên cây ngô tại xã Xuân Tường (Thanh Chương) trên diện tích 130 ha ngô ven sông Lam, trong đó có 50 ha nhiễm nặng.

UBND xã Xuân Tường đã báo cáo Phòng NN-PTNT, Trạm BVTV huyện để tìm hướng xử lý. Tuy nhiên, do chưa có thuốc đặc hiệu nên Trạm BVTV huyện Thanh Chương đã hướng dẫn nông dân nhổ bỏ những cây ngô bị bệnh để tiêu huỷ, đồng thời bón phân vi sinh qua lá, rải vôi và trồng dặm.

Xem thêm
Tỷ lệ tiêm chỉ đạt 52%, Quảng Nam bùng phát dịch lở mồm long móng

Tỷ lệ tiêm phòng thấp, ý thức người dân chưa cao, tập quán chăn thả rông trâu bò là những nguyên nhân dễ gây bùng phát dịch lở mồm long móng ở Quảng Nam.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.