| Hotline: 0983.970.780

Lúa OM 6976 “kết” nông dân Bình Định

Thứ Sáu 29/03/2013 , 10:00 (GMT+7)

Qua nhiều năm đưa vào SX, ngành nông nghiệp Bình Định khẳng định giống lúa thuần OM 6976 vốn được mệnh danh là “nữ hoàng xuất khẩu” có nhiều ưu thế vượt trội.

Qua nhiều năm đưa vào SX, ngành nông nghiệp Bình Định khẳng định giống lúa thuần OM 6976 vốn được mệnh danh là “nữ hoàng xuất khẩu” có nhiều ưu thế vượt trội. Vụ ĐX 2012-2013, giống lúa này được tin tưởng đưa vào SX cánh đồng mẫu lớn, ngày càng được nông dân ưa chuộng.

Hát trên đồng ruộng

Sáng 26/3, Sở NN-PTNT Bình Định phối hợp với Cty CP Giống cây trồng TƯ (NSC) tổ chức buổi hội thảo “Mô hình CĐML SX giống lúa OM 6976” tại xã Phước Lộc (Tuy Phước). Cũng như nhiều hội thảo trước, chúng tôi được chính quyền địa phương đưa đi thực tế cánh đồng. Đã từng đi dự rất nhiều hội thảo kiểu này, nhưng thú thật, chưa lần nào tôi được nghe nông dân hát bên những đám ruộng của mình. Hỏi ra thì rõ, suốt chặng đời làm nông, chưa bao giờ họ được tiếp cận với giống lúa mang nhiều tính ưu việt, đã cho họ gặt hái thành công như thế này.

Sau khi hát vang 1 bài hát tự chế nói về chuyện được mùa lúa, nông dân Trần Văn Hùng ở thôn Vĩnh Hy phấn khởi kéo tay ông Hồ Ngọc Hùng, PGĐ Sở NN-PTNT Bình Định đi về phía đám ruộng 5 sào SX giống lúa OM 6976 của mình để khoe: “Vụ ĐX vừa qua, nhờ tham gia SX CĐML nên lần đầu tiên tui được tiếp cận với giống OM 6976. Trước đây, khi còn làm các giống khác, tui cũng đầu tư tương tự như vụ này nhưng chưa bao giờ lúa cho năng suất cao đến vậy. Cầm chắc vụ này mấy đám ruộng của tui sẽ đạt gần 80 tạ/ha”.

Nông dân Lê Văn Lư ở thôn Vinh Thạnh 2, người làm 10 sào lúa OM 6976 trong vụ ĐX này cũng phấn khởi không kém: “Trước đây tui thường làm giống Nhị ưu 838, tuy là lúa lai nhưng năng suất cho không bằng giống lúa thuần này. Hơn thế nữa, không vụ ĐX nào cây lúa thoát được nạn rầy, sâu cuốn lá và bệnh đạo ôn gây hại, thế nhưng trong suốt vụ ĐX vừa qua, tui không hề thấy bất cứ loại sâu bệnh nào xuất hiện.

Vào thời điểm cuối vụ xảy ra mưa to, những đám ruộng làm giống lúa khác quanh vùng đều ngã rạp, vậy mà cánh đồng OM 6976 vẫn đứng thẳng. Thắng lợi của giống OM 6976 không chỉ với 1 vài đám ruộng, mà tất cả 290 hộ ở thôn Vinh Thạnh 2 tham gia làm giống này đều đạt năng suất như nhau. Đặc biệt, chất lượng gạo OM6976 mới thực sự làm nông dân tụi tui ưa thích”.


Nông dân Trần Văn Hùng khoe ruộng tốt với lãnh đạo Sở NN-PTNT Bình Định

Ông Nguyễn Văn Lâm, GĐ Trung tâm KN-KN Bình Định cho biết: “Giống O6976 được Viện lúa ĐBSCL lai tạo, chọn lọc từ tổ hợp lai IR68144/OM997/OM2718, được NSC mua bản quyền. Sau nhiều vụ SX thử, OM 6976 đã được Sở NN-PTNT đưa vào cơ cấu chính. Đây là giống có nhiều ưu thế như bông to, lá đứng, nhiều hạt, dạng cây gọn, đẻ nhánh khỏe và trỗ thoát. Bước đầu cho thấy khả năng chống chịu sâu bệnh và ngoại cảnh tốt. Năng suất cao và ổn định tại các vùng sinh thái khác nhau”.

Ông Trần Đăng Khoái, GĐ Marketing NSC, cho biết thêm: “Gạo OM6976 có hàm lượng vi chất sắt khá cao, hạt dài và trong, ít bạc bụng, cơm vẫn mềm khi để nguội, đạt tiêu chuẩn XK. Hiện nay, gạo OM6976 được xếp hàng đầu trong nhóm gạo XK sang các nước Nam Mỹ”.

Ngày càng khẳng định

Theo ông Huỳnh Đức Trị, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, huyện không ngừng tìm kiếm các giống lúa mới đưa vào SX nhằm đạt hiệu quả cao nhất cho nông dân. Bây giờ, khi đã tiếp cận được với giống lúa thuần OM 6976 mang nhiều tính ưu việt, cho năng suất cao chẳng kém giống các lúa lai, đặc biệt gạo ngon, cộng với các TBKT được áp dụng vào SX trên mô hình CĐML, huyện đã tìm được lời giải cho bài toán đi tìm hiệu quả trong SXNN.

“Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy giống OM 6976 là giống rất chịu thâm canh. Nếu nông dân đầu tư cho cây lúa hàm lượng dinh dưỡng phù hợp thì năng suất sẽ còn cho cao hơn nữa. Sau khi khẳng định những ưu thế vượt trội và căn cứ vào ưa thích của nông dân, trong thời gian đến, chúng tôi sẽ tiếp tục “gắn” giống OM 6976 vào những CĐML trên địa bàn Bình Định”, ông Hồ Ngọc Hùng.

Với thâm niên 13 năm làm công tác giống, ông Nguyễn Văn Lâm khẳng định thêm: “Trong quá trình thực hiện chương trình cấp I hóa giống lúa, Bình Định đã du nhập về nhiều bộ giống có nguồn gốc khác nhau, trong đó có bộ giống OM của Viện lúa ĐBSCL, là bộ giống chủ lực một thời ở Bình Định.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, bộ giống OM không còn được nông dân ưa chuộng vì có tiềm năng năng suất không cao, đóng hạt thưa, số hạt/bông ít. Đặc biệt có giống bị nhiễm rầy nặng nên không còn được đưa vào SX. Giống OM 6976 bây giờ là giống lúa thuần thế hệ mới, khắc phục được những hạn chế của những giống trong bộ giống OM trước đó.

Do giống OM 6976 thế hệ mới này kháng được nhiều sâu bệnh, nhất là rầy; đóng hạt dày gối đầu và chất lượng gạo đạt tiêu chuẩn XK nên chúng tôi chọn vào cơ cấu để thay thế các giống chủ lực như ĐV 108, KDĐB, Q5... đã có dấu hiệu thoái hóa qua nhiều năm SX”.

Sự thành công của giống OM6976 không chỉ được thể hiện tại CĐML ở huyện Tuy Phước với năng suất gần 80 tạ/ha, mà còn được thể hiện rõ nét tại những CĐML ở các Huyện Hoài Ân (100 ha), Phù Cát (47 ha).

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hồi sinh giống lúa đặc sản nếp cái hoa vàng Kinh Môn

Hải Dương Giống lúa nếp cái hoa vàng Kinh Môn sau phục tráng cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn so với nếp cái hoa vàng thông thường.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất