| Hotline: 0983.970.780

Lúa thu đông vào vụ sớm

Thứ Năm 04/07/2013 , 09:56 (GMT+7)

Dù có muốn hay không hoặc chọn giống lúa nào đi nữa, hiện nay trên khắp cánh đồng ven sông Hậu đã đồng loạt xuống giống sớm lúa TĐ.

ĐBSCL đang thu hoạch rộ lúa HT, song gặp mưa dầm, lúa rớt giá, tiêu thụ chậm. Chính phủ phải vào cuộc “giải nguy” bằng giải pháp mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo. Hiện còn khoảng 300.000 ha lúa HT thu hoạch rải rác từ nay đến tháng 8. Dù lúa dư thừa, tồn đọng, nhưng nhiều nơi vừa gặt xong chẳng mấy chốc lúa TĐ sớm lên xanh.

Khó tiêu thụ, vẫn sạ sớm

Trên những cánh đồng dọc theo hai bên đường 91B từ trung tâm TP Cần Thơ chạy ra các quận Bình Thủy, Ô Môn và các huyện ngoại thành lúc nào cũng thấy cây lúa nối tiếp quanh năm. Lúa HT vừa gặt xong, thấp thoáng máy chạy vào làm đất, gieo sạ giống. Chẳng mấy chốc mạ non phượt lên xanh mượt. Đến nay quanh vùng đất lúa ở hai huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, nhiều nông dân đã xuống giống qua hơn 20 ngày.

Một nhóm nông dân Hai Khang, Năm Đáng, Tư Hòa… ở kênh Thấy Ký, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai bắt tay nối tiếp vụ lúa TĐ vẫn “bảo thủ” với giống IR50404. Bất kể vụ lúa HT vừa qua cũng với giống lúa này bán (lúa tươi) thấp sát đáy 3.600 - 3.700 đ/kg. Hai Khang giãi bày: “Dù biết giá lúa quá thấp, lời lãi không được bao nhiêu, nhưng không làm lúa thì trồng cây gì, ai mua?".

“Có ý kiến khuyến cáo chọn giống lúa tốt ngon cơm, dễ bán, sao các anh chuộng lúa IR50404?", chúng tôi thắc mắc. Tư Hào, một nông dân trong nhóm phân trần: “Mấy mùa qua SX lúa theo cánh đồng mẫu lớn, gieo cùng một loại giống, thu hoạch đồng loạt mới thuê được máy gặt đập liên hợp (GĐLH).

Nhờ đó chi phí rẻ hơn nửa giá tiền thuê nhân công cắt lúa. Dẫu có người chọn giống lúa khác, nhưng không thể được, đến kỳ thu hoạch sớm hoặc trễ hơn các hộ dân trong xóm sẽ không có máy gặt đưa về”.

Do vậy, dù có muốn hay không hoặc chọn giống lúa nào đi nữa, hiện nay trên khắp cánh đồng ven sông Hậu đã đồng loạt xuống giống sớm lúa TĐ. Bà Nguyễn Thị Kiều, PGĐ Sở NN-PTNN Cần Thơ thừa nhận: “Hiện nay nhiều vùng nông dân vừa thu hoạch lúa HT xong đã chuyển sang gieo sớm lúa TĐ khoảng hơn 50.000 ha để kịp tránh lũ về.

 Trước đó, Sở khuyến cáo nông dân giảm trồng lúa TĐ 10% diện tích để chuyển sang nuôi thủy sản, giảm bớt áp lực cung cầu khi lúa, gạo dư thừa. Tuy vậy thật khó, có lẽ vụ TĐ này chỉ chuyển được số ít”.

Vừa qua, theo đề nghị một số DN kinh doanh lúa gạo: Nông dân nên bỏ hẳn vụ lúa xuân hè (còn gọi là HT sớm). Như vậy trong năm tới, bà Kiều dự tính: Vùng đất lúa ở 2 quận Ô Môn, Thốt Nốt sẽ thay lúa HT sớm bằng cách trồng hoa màu: Đậu nành, bắp, mè. Mè đang tiêu thụ tốt, giá 32.000 đ/kg, lãi cao gấp 2 - 3 lần so với giá lúa.

Theo đó, sắp tới cán bộ nông nghiệp phải trở lại giúp nông dân kỹ thuật trồng màu, mở rộng vùng nuôi thủy sản; đồng thời xúc tiến tìm DN từng có thị trường tiêu thụ tốt để liên kết với nông dân. Làm thế nào quy hoạch, hình thành vùng SX theo mùa vụ ăn chắc, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Chuyển đổi, nhưng…

Cán bộ nông nghiệp các địa phương có vùng làm lúa TĐ rộng lớn như các tỉnh An Giang, Đồng Tháp cho rằng: Vụ TĐ cận kề, nhiều nông dân chưa có sự chuẩn bị chọn trồng cây gì hay nuôi con gì thích hợp nên phần nhiều vẫn còn chạy theo cây lúa. Diện tích lúa TĐ ở 2 tỉnh lớn nhất vùng ĐBSCL này dự báo đang tăng thêm.


Trồng rau trên đất lúa

Sở NN-PTNT An Giang cho biết, dự kiến kế hoạch xuống giống lúa TĐ 165.000 ha, tăng 250 ha so với năm 2012. Lý do An Giang tăng diện tích là nhờ việc đầu tư hệ thống đê bao khép kín, đảm bảo vùng SX lúa vụ 3 an toàn. Đối với những vùng ngoài đê bao như ở các huyện như An Phú và Chợ Mới với trên 3.000 ha, tỉnh khuyến khích nông dân chuyển sang trồng màu.

Trong khi đó, tỉnh Đồng Tháp dự kiến kế hoạch xuống giống vụ TĐ 110.000 ha trong khu vực đê bao an toàn. Tuy nhiên tính đến nay toàn tỉnh đã xuống giống 112.000 ha. Con số tăng vượt là phần diện tích lúa TĐ nằm ngoài đê bao rải rác ở các huyện Tân Hồng, Hồng Ngự và Lai Vung.

Trước tình hình lúa tiêu thụ khó khăn, một số cán bộ nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL thừa nhận xu hướng chuyển đổi mùa vụ là cần thiết. Tuy nhiên giảm đất trồng lúa chuyển sang chọn cây trồng khác vẫn còn là bài toán chưa sớm giải nhanh được.

Ông Đoàn Chí Vững, PGĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp phân tích: Hằng năm Đồng Tháp có diện tích trồng lúa trên 500.000 ha, tỉnh khuyến khích nông dân trồng lúa chất lượng cao hoặc chuyển hẳn đất lúa kém hiệu quả sang cây màu thích nghi trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Bắt đầu từ vụ HT vừa qua, tỉnh chuyển đổi cây lúa sang trồng cây ăn trái, hoa màu, đặc biệt là cây mè được vài trăm ha. Tuy nhiên, Đồng Tháp vẫn còn đất trồng lúa nhiều. Thời gian qua nông dân làm lúa không có lãi, thậm chí lỗ vốn. Tỉnh khuyến khích nông dân chuyển sang trồng các loại cây khác thì tiêu thụ gặp khó. Do vậy, nếu muốn chuyển đổi cần có định hướng từ nhu cầu thị trường.

Ông Đoàn Ngọc Phả, PGĐ Sở NN-PTNT An Giang nhấn mạnh vai trò DN: Để đảm bảo nông dân trồng lúa có thu nhập cao nên chuyển sang thâm canh lúa gạo chất lượng cao. Như vậy đòi hỏi phải có các DN đủ năng lực để đầu tư tiếp sức nông dân như cánh đồng mẫu lớn.

Vì vậy nâng cao năng lực của các DN trong canh tác lúa chất lượng cao là điều cần thiết. DN đầu tư từ khâu cung ứng giống đến tiêu thụ. Nông dân sẽ an tâm SX nâng cao giá trị hạt gạo, đảm bảo chất lượng, bán giá cao. Từ đó định hướng khuyến khích nông dân trồng loại cây nào mang giá trị cao, đảm bảo có lợi nhuận.

Mặt khác, trong việc chuyển đổi cây trồng muốn đạt hiệu quả cần có có hệ thống tưới tiêu tốt. Ông Phả dẫn chứng ở các huyện Châu Phú, An Phú, Chợ Mới…, nhờ có điều kiện thủy lợi, trạm bơm tốt nên đã chuyển dần từ đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây màu hoặc cây ăn trái khác mang lại hiệu quả cao. Sở NN-PTNT An Giang khuyến khích chuyển đổi cây trồng nào phù hợp từng vùng đất để nông dân nâng cao thu nhập.

Ông Lê Minh Đức, GĐ Sở NN-PTNT Long An:

Vấn đề chuyển đổi cơ cấu SX chọn cây trồng phù hợp, không nhất thiết ép nông dân trồng mỗi cây lúa mà nên khuyến khích trồng cây nào có hiệu quả, có đầu ra ổn định.

Ở Long An có thể khuyến khích trồng cỏ nuôi bò hoặc phát triển cây thanh long hướng đến tiêu chuẩn sạch như VietGAP, GlobalGAP… Hiện Long An có trên 50.000 ha vụ lúa TĐ trong khu vực đê bao an toàn. Các vùng khác khuyến khích SX lúa TĐ muộn hoặc ĐX sớm.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất