| Hotline: 0983.970.780

Lúa thuần DQ11 được công nhận đặc cách

Thứ Hai 02/12/2013 , 10:34 (GMT+7)

Nhờ những đặc tính ưu việt được khẳng định, giống lúa thuần chất lượng cao DQ11 đã nhanh chóng được Cục Trồng trọt công nhận đặc cách là giống chính thức.

Mặc dù "trình làng" chưa lâu, song nhờ những đặc tính ưu việt được khẳng định, giống lúa thuần chất lượng cao DQ11 đã nhanh chóng được Cục Trồng trọt công nhận đặc cách là giống chính thức.

Nhiều tỉnh muốn mở rộng diện tích

Trong 3 vụ liên tiếp vừa qua, Cty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang (Ninh Bình) đã phối hợp với các cơ quan khảo nghiệm, Trung tâm Khuyến nông, Phòng NN-PTNT, Trạm Khuyến nông các địa phương ở Ninh Bình, Nam Định, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh... khảo nghiệm SX, xây dựng mô hình trình diễn giống DQ11 nhằm đánh giá tiềm năng năng suất, khả năng thích ứng và phát triển của giống.

Tổng hợp các kết quả khảo nghiệm, mô hình trình diễn cho thấy, đây là giống lúa thuần hội tụ nhiều đặc điểm nông học tốt như chất lượng gạo ngon (hơn hẳn KD18, Q5 và gần tương đương BT7, HT1, T10).

Đặc biệt, giống có tính thích ứng rộng, tại các tỉnh Nam ĐBSH, trong điều kiện vụ mùa gặp mưa bão, tỷ lệ nhiễm bạc lá ngày càng trở nên nghiêm trọng thì giống DQ11 vẫn ổn định được năng suất và tiêu tốn ít chi phí cho thuốc BVTV.

Thời gian sinh trưởng của DQ11 gần tương đương với KD18, do đó việc đưa giống lúa này vào cơ cấu vụ mùa hằng năm có ý nghĩa quan trọng trong việc bố trí hợp lý trà lúa ngắn ngày để dành quỹ đất sớm phát triển cây vụ đông.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT Thái Bình, DQ11 có thời gian sinh trưởng ngắn (vụ xuân từ 120 - 125 ngày; vụ mùa từ 100 - 105) ngày, thích hợp cấy trà xuân muộn, mùa sớm.

Chiều cao cây từ 100 - 105 cm, đẻ nhánh khá, tập trung, gọn cây, chống đổ khá, lá đòng đứng, mào xanh, bản lá rộng vừa phải. Lúa trỗ tập trung, thoát cổ bông, số hạt/bông từ 120 - 130, hạt thon nhỏ, vàng sáng, khối lượng 1000 hạt từ 20 - 21 gram.


Ông Phùng Văn Quang (giữa) tác giả của giống lúa thuần chất lượng cao DQ11

Khả năng chịu rét của DQ11 khá, chống chịu sâu bệnh hại khá, đặc biệt vụ xuân năm 2013 chưa thấy vết bệnh đạo ôn và rầy nâu hại lúa. Ruộng thâm canh cao chưa thấy biểu hiện bạc lá.

Đặc biệt, đây là giống lúa cho năng suất khá, vụ xuân đạt 60 - 65 tạ/ha, nếu thâm canh cao có thể đạt trên 70 tạ/ha, có thể trồng trên chân vàn, vàn cao, vàn thấp chủ động tưới tiêu. Chất lượng gạo khá, cơm mềm tương đương QR1. Chỉ có một nhược điểm đó là bở đầu bông khi gặp nhiệt độ thấp.

Có một điểm chung khá đặc biệt là, Sở NN-PTNT các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thanh Hoá, Thừa Thiên -Huế đều đề nghị Cục Trồng trọt công nhận đặc cách DQ11 là giống lúa mới để có điều kiện mở rộng SX trong năm 2014.

Qua 2 lần thực nghiệm liên tiếp cả vụ xuân và vụ mùa vừa qua, Sở NN-PTNT Nam Định dành những lời khen đặc biệt cho giống lúa này. Theo đó, DQ11 hội tụ đủ các yếu tố cấu thành năng suất cao, nhất là số bông hữu hiệu/m3 và số hạt chắc/bông đạt khá cao (thường đạt trên 320 bông/m3); năng suất đạt 65 - 69 tạ/ha (vụ xuân), cao hơn so với giống BT7 từ 10 - 15%; trong vụ mùa đạt 60 - 63 tạ/ha, cao hơn so với KD18 khoảng 5 - 7% và cao hơn so với BT7 trên 20%.

Tại Thanh Hoá, Sở NN-PTNT tỉnh này cho biết, năng suất của DQ11 trong vụ xuân đạt trên 70 tạ/ha, nếu thâm canh tốt có thể đạt 75 tạ/ha.

Đối với tỉnh miền Trung như Thừa Thiên - Huế, DQ11 cũng thể hiện khả năng chống chịu sâu bệnh hại khá hơn so với HT1, thích ứng trên nhiều vùng sinh thái khác nhau. Năng suất trung bình đạt trên 60 tạ/ha, cao hơn so với HT1 là 7,2%.

Chi phí thấp, năng suất cao

Chúng tôi đến thôn Giang Thượng, thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh (Ninh Bình), địa phương đã triển khai gieo cấy giống lúa thuần DQ11 qua 2 vụ (xuân và mùa) năm 2013. Ông Phạm Ngọc Hanh, Chủ nhiệm HTXNN thôn Giang Thượng cho biết: Từ năm 2009, tỉnh có chủ trương hỗ trợ nông dân gieo cấy các giống lúa chất lượng cao. Thôn đã đưa vào đồng đất các dòng lúa chủ đạo như LT2, BT7...

Chất lượng của những loại gạo này đều thơm ngon. Nhưng, 2 năm trở lại đây, tình trạng nhiễm bệnh khô vằn, đạo ôn, bạc lá xảy ra rất nghiêm trọng, ảnh hưởng mạnh đến năng suất. Riêng BT7 mỗi vụ phải phun đến 6 - 7 lần thuốc BVTV gây tốn kém cho nông dân.

Năm 2013, thôn đưa vào SX lúa DQ11 trong 2 vụ chiêm xuân và mùa với diện tích 30/100 ha. Ưu điểm của giống lúa là thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu rét, biến động thời tiết, sâu bệnh rất tốt.

Bệnh khô vằn, đạo ôn, bạc lá chưa thấy xuất hiện. Mỗi vụ, bà con chỉ cần phun 1 lần thuốc BVTV phòng bệnh khô vằn và sâu cuốn lá là yên tâm lúa sạch bệnh.

“Vụ mùa vừa qua thời tiết bất lợi, số ngày có mưa chiếm 2/3 thời gian sinh trưởng của cây lúa; cơn bão số 6 khiến các loại lúa bập dập hết, năng suất các giống BT7, LT2 đều dưới 2 tạ, nhưng cây lúa DQ11 vẫn đứng vững, cho năng suất 2,3 - 2,4 tạ, tỷ lệ hạt trắc cao, chất lượng gạo ngang QR1, chỉ kém BT7 một chút. Vụ xuân năm tới, chúng tôi sẽ tăng diện tích gieo cấy DQ11 từ 30 ha lên 80 ha (khoảng 80% diện tích gieo cấy lúa)”, ông Hanh cho biết.

Ông Nguyễn Quốc Huy, 50 tuổi, nông dân thôn Giang Thượng, thị trấn Yên Ninh chia sẻ: “Vụ mùa vừa qua, tôi gieo cấy 2 sào DQ11, 2 sào BT7. So sánh về năng suất của DQ11 cao hơn hẳn lại ít phải chi phí thuốc BVTV. Năm sau tôi dự định cấy 100% diện tích với giống DQ11”.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Loài dược liệu củ như khoai lang, lãi hơn 250 triệu đồng/ha

HƯNG YÊN Cây địa hoàng trồng 6 tháng sẽ cho thu hoạch, trừ chi phí, nông dân lãi khoảng 250 triệu đồng/ha.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.