| Hotline: 0983.970.780

Lúa vụ 3 trúng lớn

Thứ Tư 26/10/2011 , 09:56 (GMT+7)

Hiện tại, lúa vụ 3 đang đứng ở mức 7.600 - 8.000 đồng/kg lúa khô, đây là mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay.

* Vụ lúa có lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay

Lúa vụ 3 đang trúng mùa, trúng giá
Nông dân ĐBSCL đang hân hoan với vụ lúa thu đông (lúa vụ 3) trúng cả năng suất lẫn giá cả. Hiện tại, lúa vụ 3 đang đứng ở mức 7.600 - 8.000 đồng/kg lúa khô, đây là mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay.

Lợi nhuận hơn vụ ĐX

Thời điểm này nông dân trồng lúa vụ 3 đã thu hoạch được khoảng 50% trong tổng số hơn 630.000 ha xuống giống. Đến những vùng sản xuất lúa vụ 3 thời điểm này, đâu đâu chúng tôi cũng chứng kiến cảnh rộn ràng, phấn khởi.

Đây là năm đầu tiên nông dân huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) sản xuất lúa vụ 3, tổng diện xuống giống khoảng 4.000 ha. Đến thời điểm này, cơ bản khẳng định đây là một vụ lúa thắng lớn. Ông Phạm Văn Nghiêu, ở ấp Thượng, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự vui ra mặt khi 3,2 ha lúa vừa thu hoạch xong, năng suất đạt bình quân gần 7 tấn/ha. Với giá lúa tươi 6.000 đ/kg, ông thu trên 120 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn 80 triệu đồng. Không chỉ ông Nghiêu, những nông dân trên cánh đồng 200 ha lúa đã và đang thu hoạch ở ấp Thượng, xã Thường Thới Tiền đều hân hoan với niềm vui trúng mùa, trúng giá.

Ở một huyện khác là Cao Lãnh (Đồng Tháp), nơi lúa vụ 3 đã trở nên quen thuộc, nông dân không vì thế mà bớt phấn khởi. Ông Nguyễn Công Lý ở ấp 5, xã Phương Thịnh đã có "thâm niên" 10 năm làm lúa vụ 3. Ông cho biết, nhà có 6,5 ha lúa vừa mới thu hoạch. Cũng như các năm trước, năng suất vụ lúa này luôn bằng hoặc cao hơn vụ hè thu. "Hiện tại lúa được giá nên lợi nhuận còn cao hơn cả vụ ĐX. Tổng chi phí tui bỏ ra khoảng 22 - 24 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu về 21 - 23 triệu đồng/ha" - ông Lý phấn chấn nói.

Tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, ông Lê Quang Hạnh và 100% xã viên hợp tác xã nông nghiệp 26/3, xã Long Phú sạ 130 ha lúa vụ 3 cũng đang náo nức chờ ngày bội thu. Chỉ hơn chục ngày nữa, cánh đồng của HTX sẽ thu hoạch rộ. "Thương lái đang đặt giá 6.000đ/kg lúa tươi. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí thu lãi trên 30 triệu đồng/ha, cao hơn lúa ĐX 4 triệu đồng/ha, vụ lúa này giúp nhà nông chúng tôi đỡ cực" - ông Hạnh tính toán. 

Theo ông Hạnh, sở dĩ lúa vụ 3 nông dân thu lãi cao là do lúa ít sâu bệnh, không quá tốn kém vật tư, thuốc BVTV, thu hoạch đa phần bằng máy gặp đập liên hợp nên giảm được nhiều chi phí.

 Sẽ mở rộng diện tích

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN - PTNT TP Cần Thơ cho biết: Vụ này nông dân Cần Thơ xuống giống được 54.000 ha lúa, đến nay cơ bản đã thu hoạch dứt điểm, năng suất bình quân đạt 4,7 tấn/ha. Với giá lúa khô 7.500đ/kg, sau khi trừ chi phí vẫn còn lãi ròng từ 40-50%, cao nhất từ xưa đến nay. Đặc biệt, trong vụ 3 này, đa phần nông dân Cần Thơ sản xuất lúa chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu nên khâu tiêu thụ càng thuận lợi.

 Tại Đồng Tháp, nông dân đã thu hoạch 77.826 ha, còn lại khoảng 19.000 ha sẽ thu hoạch dứt điểm giữa tháng 11/2011. Tất cả diện tích lúa thu hoạch đều cho năng suất khá, có nơi đạt 8 tấn/ha như ở thị xã Hồng Ngự. Còn ở Vĩnh Long, lúa vụ 3 cũng trúng lớn với năng suất bình quân từ 5 đến 5,68 tấn/ha, góp phần đưa sản lượng lúa cả năm của tỉnh này đạt hơn 1.027.000 tấn, tăng hơn 98.860 tấn so với năm 2010. 

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL:

Sau khi lũ lớn làm vỡ đê gây thiệt hại lúa vụ 3 ở An Giang, Đồng Tháp, đã có nhiều thông tin trái chiều về sản xuất lúa vụ 3, có ý kiến đồng tình, cũng có người phản đối. Nhưng qua khảo sát thực tế từ nhiều nông dân và cán bộ ngành nông nghiệp đều ủng hộ chủ trương phát triển lúa vụ 3.

Bởi khi lũ về, không làm lúa thì nông dân chẳng biết làm gì. Không thể nuôi thủy sản trên diện tích hàng trăm ngàn ha được, trồng rau màu quá nhiều thì bí đầu ra. Do đó, sản xuất lúa là phù hợp. Chưa kể lúa vụ 3 thường cho năng suất cao, bán có giá.

Để lúa vụ 3 thắng lợi bền vững, tuần qua Bộ NN – PTNT đã chỉ đạo Viện Lúa ĐBSCL phối hợp các tỉnh thành ĐBSCL tổ chức hội thảo bàn về vấn đề “Có nên phát triển mạnh diện tích lúa vụ 3 (lúa thu đông) trong mùa lũ”. Ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Kiên Giang cho biết: Năm 2010 toàn tỉnh chỉ xuống giống 15.000 ha lúa vụ 3 thì năm 2011 này tăng lên hơn 53.000 ha. Kế hoạch năm 2012 sẽ là 60.000 ha lúa vụ 3. Hiện tại, lúa vụ 3 của năm 2011 hiệu quả cao nên người dân đề nghị tiếp tục mở rộng diện tích.

Ở Hậu Giang, kế hoạch sản xuất lúa vụ 3 năm 2011 là 42.000 ha nhưng thực tế xuống giống trên 52.000 ha. Dự kiến 2012 sẽ phát triển lên 60.000 ha lúa vụ 3. Thạc sĩ Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật An Giang cho biết: Năm nay toàn tỉnh xuống giống 131.000 ha lúa vụ 3, tăng 17.000 ha so với năm ngoái. Kế hoạch đến năm 2015 tăng lên 198.000 ha lúa vụ 3.

Có thể nói, sau nhiều năm lũ nhỏ, năm nay lũ ở ĐBSCL đặc biệt lớn. Tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ hơn 7.560 ha lúa bị thiệt hại. Dù rất vất vả chống lũ, nhưng ngành nông nghiệp và nông dân vẫn ủng hộ chủ trương sản xuất lúa vụ 3. Tại cuộc hội thảo, nhiều chuyên gia khẳng định, lúa vụ 3 rất hiệu quả. Vì vậy, trong năm 2012 cần tiếp tục phát huy.

Vấn đề đặt ra là từ kinh nghiệm vụ mùa này, cần nhanh chóng khắc phục những hạn chế trong thủy lợi như phải củng cố, nâng cấp hệ thống đê bao. Các địa phương cũng đề nghị, kinh phí xây dựng đê bao kiên cố là rất lớn, các tỉnh không làm nổi, theo đó Chính phủ cần có chủ trương tăng nguồn đầu tư để kiện toàn hệ thống đê này, tạo điều kiện để đưa vụ 3 thành vụ chính, ăn chắc.

Hạch toán sản xuất lúa vụ thu đông: Lợi nhuận cao hơn cả vụ đông xuân và hè thu

Ông Nguyễn Công Lý ở ấp 5, xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) canh tác 6,5ha lúa vụ 3 vừa mới thu hoạch lợi nhuận rất cao. Đây là năm thứ 10 ông làm lúa vụ 3, năm nào cũng cho năng suất từ bằng đến cao hơn vụ lúa hè thu. Ông Lý chiết tính:

Đơn vị tính 1.000 m2 đất trồng lúa

Vụ đông xuân

Vụ hè thu

Vụ thu đông

Chi phí Làm đất

Do nước lũ về nhiều phù sa nên không cần cày xới, chỉ cần phả bằng mặt ruộng với chi phí khoảng 100.000 đồng.

 Phải cày, trục đất chi phí từ 170.000 đến 180.000 đồng

Phải cày, trục đất chi phí từ 170.000 đến 180.000 đồng

 Chi phí phân bón

 Phải bón 3 lần với tổng lượng phân bón khoảng 50 kg (gồm Urê, DAP, Kali…)

 Phải bón 3 lần với tổng lượng phân bón khoảng 60kg

Phải bón 3 lần với tổng lượng phân bón khoảng 60kg

 Chi phí thuốc bảo vệ thực vật

Khoảng 150.000 đến 200.000 đồng

Khoảng 150.000 đến 200.000 đồng

Khoảng 150.000 đến 200.000 đồng

Chi phí thu hoạch

Từ 350.000 đến 400.000 đồng (bằng máy gặt đập liên hợp)

Từ 350.000 đến 400.000 đồng (bằng máy gặt đập liên hợp với mực nước trên chân ruộng dưới 20 cm)

Từ 350.000 đến 400.000 đồng (bằng máy gặt đập liên hợp với mực nước trên chân ruộng dưới 20 cm)

Tổng chi phí sản xuất

Khoảng 2 đến 2,1 triệu đồng

Khoảng 2,2 đến 2,4 triệu đồng

Khoảng 2,2 đến 2,4 triệu đồng

Năng suất

 Từ 800 đến 900kg

 Từ 600 đến 700kg

 Từ 600 đến 700kg

 

 Giá bán

Từ 6.000 đến 6.200 đồng/kg (lúa khô)

 Từ 6.200 đến 6.500 đồng/kg (lúa khô)

Từ 7.400 đến 8.000 đồng/kg (lúa khô)

 Lợi nhuận

 Khoảng 2 đến 2,1 triệu đồng

 Khoảng 1,5 đến 1,8 triệu đồng

 Khoảng 2,1 đến 2,3 triệu đồng

 

Xem thêm
Ngành ong mật chuyển dịch từ 'sổ hóa' sang 'số hóa'

Việc áp dụng các công nghệ IoT, AI, Blockchain trong đảm bảo chất lượng sản phẩm, minh bạch quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm là giải pháp bền vững ngành ong.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.