| Hotline: 0983.970.780

Luận về chữ Kiệm

Chủ Nhật 22/01/2012 , 09:11 (GMT+7)

Để mà “ăn Tết”, “chơi Tết”, “ngắm Tết” và “vui Tết”, nhắc nhở chữ “kiệm” dễ làm cụt hứng nhiều người!

Ảnh minh họa
Nói đến Tết là người ta nói đến “ăn Tết”, “mặc Tết”, “tiêu Tết”, “chơi Tết”, liệu luận bàn về chữ “kiệm” trong dịp này có lạc điệu không nhỉ? Vì, đã là Tết thì từ chốn phồn hoa đô hội cho đến nơi thôn cùng xóm vắng đều muốn làm sống lại cái cảm thức truyền thống trong câu đối Tết viết trên giấy hồng điều:

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ,
Nêu cao, pháo nổ, bánh chưng xanh

Để mà “ăn Tết”, “chơi Tết”, “ngắm Tết” và “vui Tết”, nhắc nhở chữ “kiệm” dễ làm cụt hứng nhiều người! Cho dù đã có không ít những gia đình loay hoay trong cảnh:

Tết đến không tiền vui chi Tết

Xuân về hết gạo đón chi Xuân

Thế nhưng vẫn không thể che giấu ước vọng nấp trong câu đối của Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ:

Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa.

Sáng mồng một, rượu say tuý luý, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà 

Ngẫm kỹ ra, ở đây, “thằng Bần” và “ông Phúc” cùng ngồi chung trên một tờ giấy hồng điều truyền thống để cho thấy rằng, cuộc sống đầy rẫy những nghịch lý, và hình như, vào dịp Tết thì nghịch lý ấy càng phơi bày rõ rệt hơn.

Thì chẳng thế sao, ở đâu đó người ta bỏ ra tiền tỷ để mua một cây cảnh nhằm tôn thêm vẻ giàu sang trong ngày Tết thì đây kia, những người lao động dè xẻn nâng lên đặt xuống mớ rau định mua cho bữa cơm nghèo trong thời buổi lạm phát cốt dành dụm ít tiền gửi về quê cho vợ con. Và rồi một tin trên báo về cơ quan nọ mở tiệc để đón huân chương đã chi mấy trăm triệu đồng, thì cạnh đó, anh chị em công nhân xếp hàng dài bên máy ATM để lĩnh đồng lương cuối năm với hy vọng thêm được vài trăm nghìn về quê ăn Tết. Điểm xuyết vào đấy là hai vị “công bộc của dân” ở Sóc Trăng chơi cờ tướng mỗi ván đặt tiền tỷ, từ 1 tỷ mà tăng dần lên 5!

Liệu những chuyện đó có gợi lên nghịch lý nói trên không? Nếu có, thì có nên quay trở lại cái giải pháp duy ý chí của một thời thực hiện chủ nghĩa bình quân để chỉ có thể chia đều sự nghèo khổ trong cơ chế quan liêu bao cấp chứ không thể tạo ra sự giàu có của dân để có sự cường thịnh của nước. Thế là ở đây, nhân danh chữ “kiệm” mà kêu gọi thắt lưng buộc bụng, “mỗi người làm việc bằng hai, để cho chủ nhiệm mua đài mua xe” đẩy tới sự ngưng trệ của sản xuất, đất nước đứng bên bờ vực thẳm của khủng hoảng kinh tế xã hội kéo dài!

Thế nhưng, cũng về chữ “kiệm” ấy, Bác Hồ lại chỉ rõ nội dung bằng viện dẫn lời của Mạnh Tử: “Làm cho nhiều, tiêu thì ít, làm chóng tiêu chậm tức là đủ” để từ luận điểm đó mà đưa ra mục tiêu kinh tế cần phấn đấu ngay từ 1948, khi cuộc Kháng chiến mới khởi động được bốn tháng: “Nghèo trở lên đủ, đủ trở lên giầu, giàu thì giàu hơn”. Vậy là chữ “kiệm” cũng có ba bảy đường diễn giải, cho nên bàn về chữ “kiệm” vào lúc này cũng có cái lý chi đây.

Nội hàm của chữ “kiệm” khá rộng, song dễ thể hiện nhất lại là chuyện cái hầu bao và cung cách sử dụng đồng tiền trong cái hầu bao đó. Cụ Nguyễn Công Trứ đã chua chát mà rằng: “Thế thái nhân tình gớm chết thay. Lạt nồng coi chiếc túi vơi đầy”.

Nhưng xem ra, nếu chiếc túi ấy rủng rỉnh thì các đại gia mới mua cây cảnh bạc tỷ để làm sang, còn người lao động làm thuê sẽ không phải chịu cảnh tha hương trong ngày Tết vì không đủ tiền mua vé về quê. Cho nên, chuyện “thế thái nhân tình”, chuyện “lạt nồng” giữa người và người gắn với đồng tiền xem ra cũng có liên quan đến chữ “kiệm” nếu đặt chữ “kiệm” ấy trong mối quan hệ với “cần”, “liêm” và “chính”.

Kiệm” đi liền với “cần” thì khỏi phải bàn. Càng cần cù chịu khó kiếm đồng tiền trong cuộc mưu sinh thì nhất quyết phải dè sẻn trong chi tiêu để có lưng vốn dắt lưng mà kiếm sống. Do cần cù nhẫn nại trong sản xuất, kinh doanh, từ người làm chủ đến người làm thuê mà từ “nghèo trở nên đủ, đủ trở nên giầu, giàu thì giàu hơn”, đồng tiền của quá trình mồ hôi nước mắt cộng thêm sự tìm tòi sáng tạo ấy mà có thì không thể phung phí. Ở đây, “kiệm” là một nhu cầu mang tính tất yếu. Người ta chỉ không “kiệm” khi đồng tiến kiếm được là đồng tiền bất chính, đồng tiền đến từ sự bất liêm. Vậy là, nội dung của chữ “kiệm” đích thực đúng là anh em sinh đôi với chữ “cần”, được bảo hiểm bằng chữ “liêm” và được tôn vinh bằng chữ “chính”!

Việc gì phải “kiệm” khi mà đồng tiền được dâng hiến từ việc “hoá giá” mờ ám để “dĩ công vi tư” được thực hiện với tốc độ “siêu nhanh”, như phát biểu của một đại biểu nói trước diễn đàn Quốc hội vừa rồi, cho thấy có cả một mạng lưới khép kín và tinh nhuệ của quy trình hoá giá “của chung ai khéo vẫy vùng làm riêng” một cách “hợp thức, hợp lý”. Thế là, chỉ trong phút chốc, những “công bộc của dân” sở hữu một gia tài trong mơ cũng khó chứ không chỉ trong cuộc đời thực. Và rồi, những căn nhà to đùng, ngạo nghễ nằm ở những vị trí mà “tấc đất” không chỉ là tấc “vàng” mà là cả “cây vàng”, treo tấm gương lừng lững về sự bất công xã hội đối nghịch với khẩu hiệu “dân giàu , nước mạnh xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” trước mắt bàn dân thiên hạ.

Có lẽ phải viện dẫn đến phân tích của Các Mác để giải mã thực trạng đáng xấu hổ đó: “Nếu tiền là sợi dây ràng buộc tôi với đời sống con người, với xã hội, với giới tự nhiên và với con người thì tiền chẳng lẽ không phải sợi dây của mọi sợi dây sao? Nó chẳng lẽ không thắt nút và cởi nút mọi sợi dây hay sao”* . Minh họa cho luận điểm ấy, xin dẫn ra câu thơ như được viết bằng nước mắt của lòng phẫn nộ cũng của Nguyễn Công Trứ:

Tiền tài hai chữ son khuyên ngược

Nhân nghĩa đôi đường nước chảy xuôi

Đồng tiền không có mùi, dù in bằng chất liệu cotton hay polymer khi nó nằm trong phong bì hay nằm trong két sắt đều rất an toàn. Nó chỉ “bốc mùi” lên khi nó bị cơ quan pháp luận sờ đến. Tuy nhiên, lại có loại thuốc “khử mùi” để rồi trong nhiều trường hợp nó trở lại được với sức mạnh vô biên của nó. Nó chỉ thật sự “bốc mùi” khi bị chính tòa án lương tâm kiểm chứng và phán xét. Thế nhưng, sức quyến rũ ghê gớm của đồng tiền đã trục xuất lương tâm ra khỏi đời sống tinh thần của không ít người đang sở hữu nó. Để rồi, chính nó đã và sẽ nhấn chìm bao sự nghiệp của những con người nắm tiền và nắm quyền.

Vì, tiền mua được quyền, quyền lại đẻ ra tiền. Cái vòng oan nghiệt này như một thứ “ma đưa lối, quỹ dẫn đường” khiến cho không thiếu những người từng có uy tín, có cống hiến bị sa đoạ, rơi vào những nghịch lý không thoát ra được để thân bại danh liệt. Làm trầm trọng thêm chuyện đáng xấu hổ này khi mà mạng lưới pháp luật đang để cho “ruồi to chui lọt, ruồi con mắc bẫy”!

Khi một cơ chế nuôi dưỡng sự “bất liêm” thì cũng bao che cho sự “bất chính”.Thế mà nội hàm của chữ “chính” rất rộng, lại phải “chính danh” mới “lập ngôn” được. Chẳng thế mà Khổng Tử đòi hỏi “Quân tử sỉ kỳ ngôn nhi quá kì hành” (người quân tử phải lấy làm thẹn vì nói nhiều nhưng làm ít”), cho nên, “Cổ giả ngôn chi bất xuất, sỉ cung chi bất đãi dã”, tạm dịch là “Người xưa thận trọng lời nói, sợ sẽ xấu hổ nếu nói mà không làm được”. Cho nên, nói một đằng, làm một nẻo bị Khổng Tử phê rất nặng. “Nhân nhi vô tín, bất tri kì khả dã”, tạm dịch là “ngừơi không có chữ tín sao gọi là người được”. Vị “vạn thế sư biểu” ấy lên án thói “xảo ngôn, lệnh sắc, tiển hỉ nhân”, tạm dịch là “nói năng khéo léo, nét mặt vờ niềm nở, hạng người đó ít lòng nhân”. Nhưng có lẽ nội dung của chữ “chính” trước hết tập trung vào “chính trị” mà cốt lõi của nó là quan hệ giữa người cầm quyền và dân. Mạnh Tử nhắc đến câu nói vua Nghiêu:Một người dân đói, hãy nói rằng ta làm cho người dân ấy đói, một người dân rét hãy nói rằng ta làm cho người dân ấy rét”.

Và để đề phòng chuyện nếu “vua coi dân như cỏ rác” thì dân sẽ “coi vua như cừu thù” nên Mạnh Tử căn dặn vua rằng “được lòng dân là được mệnh trời”. Chẳng những thế, vị Á Thánh của đạo Nho còn dám lớn tiếng “mắng vua”: “Bếp vua có thịt béo, tàu vua có ngựa mập mà dân thì có sắc đói, đồng ruộng la liệt những người chết đói, như vậy khác nào nhà vua sai thú ăn thịt người! Mà đâu chỉ có Mạnh Tử, Nguyễn Trãi, ngay giữa triều đình đã chỉ vào mặt bọn gian thần mà rằng :Sở dĩ có tai nạn ấy chính là tự lũ các ông. Các ông chỉ là đồ thích sưu cao thuế nặng, vơ vét của dân cho nhiều”. Chính vì điều ấy mà rồi vị khai quốc công thần ấy bị tru di tam tộc !

Xem ra, hiện nay, tuy không còn khung hình phạt tru di trong Bộ luật Hình sự nhưng hình như cái chuyện “mắng vua” hay mắng các vị tai to mặt lớn giữa “triều đình” hơi bị hiếm! Phải chăng hiếm vì sợ? Vậy là chữ “chính” làm điểm tựa cho chữ “kiệm” gắn với chữ “cần” và chữ “liêm” nói ở trên lại thêm một chiều cạnh mới nữa. Chẳng nhẽ phải nhắc lại chuyện nhà triết học Diogenes thời Hy Lạp cổ đại bị xem là lập dị khi đốt đuốc giữa ban ngày, khi được hỏi, ông trả lời “để đi tìm người trung chính”.

Đúng là “người trung chính” khó tìm, nhưng có thể khó ở chốn triều đình chứ trong dân thì chắc không thiếu. Có phải vì thế mà Mạnh Tử dám nói “dân vi quý”, “quân vi khinh”? Chủ tịch Hồ Chí Minh thì nói dễ hiểu hơn nhiều: “dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ Liêm. Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”!

Làm được như vậy thì “chữ kiệm” mới có ý nghĩa thiết thực. Nói một cách bỗ bã nhưng rất chi là thuyết phục liên quan tới việc tiễn năm Mèo để đón năm Rồng với câu tục ngữ “Ăn như Rồng cuốn, uống như Rồng leo” nhưng không trái với nội dung chữ “kiệm” nếu không “làm như Mèo mửa”!

Được như thế thì nên kết thúc bài báo Tết bàn về chữ “kiệm” bằng câu đối Tết của “thiên tài kỳ nữ” Hồ Xuân Hương cũng viết trên giấy hồng điều:  

“Tối ba mươi khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo Ma vương bồng Quỷ tới,
Sáng mồng một lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho Thiếu nữ bế Xuân vào”
!

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.