| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 11/11/2017 , 07:22 (GMT+7)

07:22 - 11/11/2017

Luật, lương, giáo dục - 'bật gốc' tham nhũng từ đâu?

Phiên họp thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi vừa diễn ra có lẽ là một trong những phiên sôi động nhất với sự đóng góp ý kiến của đông đảo đại biểu Quốc hội về một đề tài không mới, nhưng luôn luôn nóng.

Ảnh minh họa

Đáng chú ý là nhận xét của đại biểu Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khi ông cho rằng, tình trạng tham nhũng hiện chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, có nơi còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn. “Tham nhũng diễn ra ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành, như vậy tham nhũng len lỏi trong cuộc sống của chúng ta, không từ bỏ cấp nào, ngành nào…”. Thậm chí, ông còn ví tham nhũng, tiêu cực như “dịch bệnh” xảy ra nhiều nơi nên khó mà “khoanh lại” được.

Theo như cảm nhận của người viết thì việc chỉ ra tham nhũng ở đâu, ai tham nhũng, ông A hay bà B… không phải là việc có thể tùy tiện phán xét, tuy nhiên, có một thực tế mà không chỉ vị Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phản ánh mà rất nhiều người cũng thừa nhận: “Tham nhũng rơi vào cán bộ có chức, có quyền ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành chứ không phải tập trung ở chỗ nào”.

Mà tham nhũng cũng năm, bảy đường và các vị đại biểu cũng không hề né tránh. Như ông Sùng Thìn Cò - Phó Tư lệnh Quân khu 2 nói: Quan chức về hưu thì làm nhà thờ họ vài chục tỷ có kê khai không, giỗ thì xe to xe nhỏ, ách tắc cả giao thông.

Hay như ông Trương Trọng Nghĩa, vốn là người thường xuyên có những phát ngôn thẳng thắn, cũng dẫn ví dụ vừa qua có chuyện tài sản của nhiều quan chức lớn lại đứng tên cha mẹ. “Họ là cán bộ hưu trí nhưng đứng tên tài sản rất lớn. Vào công chức làm trong vòng vài chục năm, anh buôn chổi đót, làm xe ôm… liệu có vài trăm tỷ đồng không?”.

Thậm chí, ngay tại một cuộc họp với nội dung khác thì theo như lời đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, tài sản tham nhũng còn náu mình rất tinh vi: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, lãnh đạo - kể cả những người đứng đầu cấp ủy đảng địa phương - có biểu hiện chỉ quan tâm đến phái nữ vì muốn có thêm vợ bé hay bồ nhí để quản lý khối tài sản khổng lồ do tham nhũng mà có.

Như vậy, rõ ràng việc nhận diện tham nhũng không phải là quá khó để không làm được. Nhưng vì sao tham nhũng – vốn là “quốc nạn”, là “địch nội xâm” vẫn có thể hoành hành ngang nhiên thế?

Chỉ cách đây mấy ngày, người viết nhận được một số lá thư của độc giả nêu ra bức xúc vì biểu hiện tham nhũng hiện diện tại đơn vị, địa bàn. Đáng chú ý đây đều là thư nặc danh vì “sợ nêu ra bị trù dập”. Không rõ là những tâm thư đó, ngoài gửi cho nhà báo thì có đến tay các thanh tra viên hay không, nhưng khi mà những e ngại đó vẫn còn thì công tác này vẫn còn loay hoay lắm!

Nói như đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim thì “cơ quan nào cũng nói phòng chống tham nhũng, nhưng anh này chống tham nhũng, anh kia chống lưng, không biết anh nào chống thật anh nào chống giả” – chính sự hư hư, thực thực đó dường như đang giúp tham nhũng ẩn mình. Nên kể cả khi “lò đã nóng” thì ai sẽ đưa củi vào vẫn là một bài toán sớm cần lời giải.

Vừa rồi, khi nêu ra giải pháp phòng, chống tham nhũng, đại biểu Trần Hoàng Ngân - giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM có hiến kế nên đưa quan chức đi thăm nhà tù. Cá nhân người viết cho rằng đây là một ý rất hay. Nhưng cũng nói thẳng, với kết quả thanh, kiểm tra và xử lý như vừa qua thì thật khó để “răn đe” người tham nhũng.

Cụ thể, tại gần 8.000 đơn vị và được báo cáo chỉ phát hiện 66 trường hợp có vi phạm về công khai, minh bạch. Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có sai phạm nhưng không bị áp dụng bất kỳ hình thức kỷ luật nào, cá biệt có địa phương qua hoạt động thanh tra kiến nghị xử lý 971 người thì có đến 940 người được “phê bình nghiêm khắc”, “kiểm điểm rút kinh nghiệm”. Thiết nghĩ, nếu cứ giơ cao đánh khẽ như thế, liệu có ai sợ mà không dám nhúng chàm hay không?

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nói “phòng là chính” nên Luật phải thiết kế làm sao để người có ý đồ tham nhũng không tham nhũng được: “Để xảy ra tham nhũng rồi xử lý đều rất đau lòng, xử tù tội, tử hình một con người sẽ ảnh hưởng đến cả gia đình, dòng tộc… Rất đau xót”.

Nhưng để không “đau xót”, để không có lỗi với đất nước, với nhân dân, nói cho cùng cũng chẳng còn cách nào khác ngoài tăng chế tài, hình phạt. Nên chăng xem lại: Có phải vì bất cập trong cơ chế trả lương hay do cái gốc giáo dục đã có vấn đề nên mới có những người sẵn sàng “bán mình cho quỷ dữ” như vậy?