| Hotline: 0983.970.780

Luật ngầm trên tuyến sông Lô. sông Hồng: 500.000 đồng một lượt 'bảo kê'

Thứ Sáu 08/12/2017 , 08:22 (GMT+7)

Dọc theo các tuyến sông Lô, sông Hồng qua các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hà Nội, ngoài tiền luật cho CSGT đường thủy, các chủ tàu phải đóng hàng loạt dịch vụ bảo kê luồng, cứu hộ tàu mắc cạn… Tất cả đều là những khoản thu mờ ám và vô lý.

Đội “bảo kê” luồng làm luật

Nhóm PV NNVN tiếp tục đi nhờ một chuyến tàu chở cát từ ngã ba sông Việt Trì xuôi sông Hồng xuống Hà Nội. Những chủ tàu trên sông cho biết, họ đã phải chịu chung chi tiền luật cho dịch vụ dẫn luồng từ rất lâu rồi.

“Trước đây các đối tượng xã hội đen, các đối tượng vào tù ra tội bảo kê dịch vụ này. Thậm chí còn đánh nhau để tranh giành địa bàn bảo kê luồng. Sau một thời gian dài lộn xộn, bây giờ hoạt động qui củ hơn, nhưng tiền luật phải chung thì vẫn thế, thậm chí ngày càng tăng cao. Các công ty được thành lập, mỗi ngày họ đều cắt cử người thu tiền luật các tàu qua lại”, ông T, chủ tàu PT 206…, người có thâm niên gần 20 năm chạy tuyến đường sông Phú Thọ - Hải Phòng tiết lộ.

Có thể ngắn gọn về loại hình dịch vụ bảo kê luồng như thế này: Cứ mỗi chuyến tàu qua các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hà Nội thì các chủ tàu đóng tiền “bảo kê” cho các tổ chức cứu hộ. Giá sàn cho mỗi lượt qua luồng là 500.000 đồng. Chuyến nào cũng phải đóng. Tàu công suất lớn mức đóng cao hơn và mặc định không được thiếu, dù chỉ một xu. Cứ qua một lượt đóng tiền, các chủ tàu sẽ được nhân viên các công ty cứu hộ luồng phát cho một tờ phiếu, trong trường hợp tàu mắc cạn, đội cứu hộ luồng của các công ty sẽ “giúp đỡ” với giá cả phải chăng. Tuy nhiên, đó chỉ là trên lý thuyết. Thực tế, những đội cứu hộ luồng của các công ty đang ngày đêm làm luật các chủ tàu với những khoản tiền mờ ám và rất vô lý.

Sáng 28/11, tại địa phận ngã ba sông Việt Trì, hai người đàn ông phóng chiếc xuồng máy treo biển Công ty Cổ phần Thương mại Vân Phúc (Cty Vân Phúc) cập mạn gọi chủ tàu. Sau khi nhận 500.000 đồng từ chủ tàu xong, một người trong số họ viết một lá phiếu kéo tàu và đưa tàu qua khu vực cạn Cao Đại - Chu Minh - Vân Cốc. Không ghi rõ lên giấy, nhưng số tiền được mặc định là 500.000 đồng.

“Mấy lần chúng tôi đưa 4 lít (400.000 đồng) bị mắng rồi nên giờ phải đưa đủ”, chủ tàu giãi bày. Khắc nghiệt hơn, theo chủ tàu PT 206…, tờ phiếu chỉ có giá trị trong ngày, sang chuyến sau, nếu muốn bảo kê lại phải tiếp tục đóng tiền cho những đối tượng này. Mức giá vẫn là 500.000 đồng. Bất cứ chuyến nào cũng không thể thoát được khoản chung chi này.

Trưa 28/11, tàu qua Phú Thọ, đến địa phận sông Hồng ranh giới giữa Vĩnh Phúc và Hà Nội. Lại có thêm 2 thanh niên đội mũ cối phóng ca nô đến. Một người đọc biển tàu, một người vừa ghi phiếu vừa nhận tiền. Rất thành thục và nhanh chóng. Mặc dù không trưng biển công ty, nhưng căn cứ vào tờ phiếu thu thì 2 thanh niên này vẫn là người của Cty Vân Phúc. Mức tiền chủ tàu phải nộp tiếp tục là 500.000 đồng.


14-44-16_t2
14-44-16_t3
Người của DN Vân Phúc nhận tiền “bảo kê” luồng

“Bình quân mỗi chuyến tàu đi về qua khu khu vực này đã phải mất 2.000.000 đồng tiền bảo kê luồng. Cũng giống như CSGT đường thủy, những doanh nghiệp này thu tiền luật tùy thuộc vào công suất tàu và biển số tàu các tỉnh”, chủ tàu PT 206... nói.

Chúng tôi lên một chuyến tàu khác có công suất bé hơn. Khi đội thu tiền luồng của Cty Vân Phúc vừa cập mạn, người đàn ông đội mũ hất hàm hỏi: Bao nhiêu? Chủ tàu đáp 200. Một tờ phiếu màu hồng được phát ra, biển số tàu được viết tắt và  số 20 được khoanh rõ trên mặt giấy giao lại cho người trên tàu.

Nhìn vào xấp hóa đơn đóng tiền dẫn luồng dày cộp trong khoang lái có thể liệt kê hàng loạt công ty đang thu tiền dẫn luồng trên các tuyến sông Lô và sông Hồng. Công ty Cổ phần và Đầu tư TM Phúc Hưng Phát (Cty Hưng Phát) trở thành công ty cứu hộ cứu nạn - trục vớt và kéo tàu bè trên sông theo văn bản 2808-UBND/KT ngày 14/9/2009 của UBND tỉnh Phú Thọ; Công ty Hoa Hồng - chuyên cứu hộ cứu nạn, kéo cạn tàu bè từ Km 46 Đoan Hùng đến Km 20 xã Tử Đà; Cty Vân Phúc… Trong đó, Cty Vân Phúc là doanh nghiệp có quy mô lớn nhất, địa chỉ tại huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội). Doanh nghiệp này có 2 điểm thu tiền, “bảo kê” cho các chủ tàu qua các khúc sông Cao Đại - Chu Minh - Vân Cốc và Trung Hà - Bá Giang - Giày Kẻ - Chèm.
 

Không nộp không xong

Mặc dù trên phiếu nhận tiền của các doanh nghiệp cứu hộ luồng đều ghi rõ: Đây là sự thỏa thuận giữa chủ tàu và công ty. Sự thỏa thuận giữa hai bên là hoàn toàn tự nguyện, không có sự ép buộc. Tuy nhiên, các chủ tàu qua lại những khu vực này cho biết, thực tế không có chuyện thỏa thuận, họ buộc phải nộp tiền bảo kê cho các doanh nghiệp bởi “không nộp không xong”.

14-44-16_t4
14-44-16_t5
Hàng loạt khoản tiền luật vô lý mà các chủ tàu phải nộp

“Bình thường, khi tàu mắc cạn, chi phí cứu hộ mất 1-2 triệu. Nhưng nếu không đóng tiền “dẫn luồng” mỗi khi đi qua địa phận của họ, thì khi gặp nạn bị ép đến 15-20 triệu đồng cũng phải chịu. Thành ra, tiếng là chủ tàu không bị ép nộp tiền luật, nhưng ai cũng sợ đến lúc mắc cạn, các công ty trên sẽ bắt chẹt với giá cắt cổ, đồng thời không cho bất cứ đội cứu hộ nào vào cứu tàu nên đều phải đóng cả”, ông chủ tàu tên T trên tàu PT 206... nói sau khi đóng 500.000 đồng cho người của Công ty Vân Phúc.

Đóng tiền xong ông T cầm tờ giấy màu hồng ghi rõ: “Phiếu kéo tàu và đưa tàu qua khu vực cạn” có khoanh số 50 (biểu hiện cho 500 nghìn đồng) găm vào một góc bởi hôm nay nước lớn, tàu không thể nào mắc cạn được.

“Năm ngoái, tôi quên đóng tiền luồng có một chuyến thôi, đến lúc mắc cạn đội cứu hộ đòi 10 triệu, mặc cả mãi mới xin giảm xuống còn 8 triệu đồng chi phí nhưng lại phải mất thêm 2 triệu đồng tiền bồi dưỡng. Thế nên dù rất xót số tiền luật phải đóng mỗi chuyến nhưng không có cách nào khác cả”, vẫn lời ông chủ T.

Những chủ tàu trên sông còn khẳng định, nếu không đóng tiền bảo kê luồng, trong trường hợp mắc cạn thậm chí còn không được gọi những đơn vị cứu hộ từ nơi khác đến. Luật ngầm trên sông đã được phân định rõ ràng, cứu hộ nơi này làm dịch vụ nơi khác sẽ gây chuyện đánh nhau ngay.

Trên một chuyến tàu chở than ngược sông Hồng qua Hà Nội và Vĩnh Phúc, tiếp tục là một đội bảo kê luồng của Công ty Vạn Phúc áp mạn tàu thu tiền bảo kê. Chỉ trong vòng 4 ngày, chủ tàu PT 239… đã phải đóng cho DN này 2 triệu đồng.

Hàng loạt các khoản thu mờ ám

Không chỉ mờ ám trong các khoản thu tiền luật cho CSGT đường thủy, tiền cứu hộ luồng, hàng loạt các khoản thu khác mà các chủ tàu phải nộp đều không được minh bạch. Trên chuyến tàu TH 102..., hàng xấp biên lai thu tiền phạt dày cộm nhưng không có tên đơn vị thu và cũng không có lý do nộp phạt. Theo chủ tàu đấy là những loại biên lai thu tiền phạt cho có mỗi khi đơn vị nào đấy cần thành tích.

Chưa hết, đối với mỗi chuyến tàu hàng, ngay từ thời điểm chuẩn bị xuất phát đã phải đóng tiền luật cho cảng vụ. Ngày 2/12, chuyến tàu chở than PT 23… phải nộp 2 khoản thu cho cảng vụ là trọng tải phí 382.000đ và thủ tục phí 40.000đ. Khi chủ tàu rút trong túi ra số tiền 800.000 đồng nhưng nhân viên cảng vụ không đồng ý. Người này đòi bằng được 1.000.000 đồng mới thôi.

 

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.