| Hotline: 0983.970.780

Luật Thuế tài sản sẽ tác động rất lớn tới người dân

Thứ Ba 17/04/2018 , 14:50 (GMT+7)

Mấy ngày qua dư luận "dậy sóng" sau khi Bộ Tài chính loan báo, đang lấy ý kiến về dự án Luật Thuế tài sản.

Nếu theo đề xuất của Bộ Tài chính, phần lớn nhà tại Hà Nội đều phải chịu thuế

Dư luận đặc biệt quan tâm tới phương án thuế suất thuế tài sản đối với nhà thuộc đối tượng chịu thuế theo 2 phương án, là lấy ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng hoặc lấy ngưỡng không chịu thuế là 1 tỷ đồng.
 

Thuế suất 0,4% với nhà từ 700 triệu trở lên

Trong dự thảo, Bộ Tài chính đề nghị lấy ngưỡng không chịu thuế theo giá trị để đánh thuế tài sản đối với nhà. Cụ thể, Bộ Tài chính xây dựng phương án thuế suất thuế tài sản đối với nhà thuộc đối tượng chịu thuế theo 2 phương án là lấy ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng hoặc lấy ngưỡng không chịu thuế là 1 tỷ đồng.

Về các phương án thuế suất, Bộ này cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế nêu trên thì mức thuế suất thuế tài sản thấp nhất là 0,2%. Tuy nhiên, đa số các nước áp mức thuế suất thuế tài sản cao, trong đó có một số nước trong khu vực như Indonesia 0,5%; Philippines 1% và 2%. 2 phương án thuế suất thuế tài sản được tính đến là áp dụng mức thuế suất thuế tài sản chung là 0,3% hoặc 0,4%.

Bộ Tài chính cho biết, với thuế suất 0,3%, dự kiến số thu thuế tài sản là khoảng 22.700 tỷ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỷ đồng hoặc khoảng 23.300 nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng. Còn đối với phương án thuế suất 0,4%, số thu thuế tài sản khoảng 30.300 tỷ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỷ đồng hoặc khoảng 31.000 tỷ đồng (nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng).

Với tất cả các phương án trên, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo phương án thuế suất 0,4% và áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng. Theo đó, ví dụ căn nhà có giá trị 1,7 tỷ đồng, chủ sở hữu sẽ phải nộp 0,4% của phần vượt ngưỡng là 1 tỷ đồng (4 triệu đồng một năm) thuế tài sản. Với nhà căn hộ chung cư, giá để tính thuế theo Luật này là giá tính theo diện tích ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất hoặc trên quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc hợp đồng giao đất.

Bộ Tài chính cho rằng, việc áp dụng ngưỡng không chịu thuế theo giá trị nhằm đảm bảo mục tiêu của thuế tài sản, không điều tiết đối với nhà có giá trị dưới ngưỡng không chịu thuế, điều tiết cao đối với nhà có giá trị lớn, đảm bảo công bằng xã hội (chỉ tính thuế đối với nhà có giá trị vượt ngưỡng không chịu thuế). Việc áp dụng ngưỡng không chịu thuế theo giá trị sẽ phân biệt được các loại nhà khác nhau.

Ngoài ra, trong quá trình thảo luận xây dựng dự án Luật, có ý kiến đề nghị chỉ đánh thuế tài sản đối với căn nhà thứ 2 trở đi. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính phương án này không đảm bảo công bằng và khó khăn trong triển khai thực hiện thu thuế, chưa phù hợp với điều kiện triển khai thực tế tại Việt Nam cũng như có thể làm giảm mức hấp dẫn của thị trường bất động sản. Từ phân tích trên, Bộ này đề xuất không đánh thuế đối với ngôi nhà thứ 2 trở đi.
 

Sẽ tác động tới mọi người dân

Liên quan tới dự án luật trên, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, nếu được thông qua, dự án luật này sẽ tác động rất lớn, tới mọi người dân trong xã hội.

“Tuy nhiên, như trong dự thảo, giá đất không lấy theo giá thị trường mà theo mức mà UBND các tỉnh công bố hàng năm. Điều này phù hợp với quy định hiện tại. Với nhà, chúng tôi cũng không thể xác định một căn nhà thực tế xây hết bao nhiêu tiền vì mỗi nhà mỗi khác. Bởi vậy, chúng tôi căn cứ theo suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở bình quân mà Bộ Xây dựng ban hành, khoảng 7,3 triệu đồng/m2”, ông Thi nói.

“Ví dụ về một nhà 100m2 đất nộp thuế bao nhiêu, tôi không có câu trả lời vì có nơi đất chỉ vài nghìn đồng mỗi m2, có nơi cao hơn, 100m2 vùng núi khác với những nơi khác, có nơi vùng sâu vùng xa có khi không phải nộp đồng nào”.

Trước ý kiến tỏ ra lo lắng vì cơ sở dữ liệu về nhà, đất của Việt Nam chưa đầy đủ, cơ quan chức năng sẽ làm gì để đảm bảo công bằng, ông Phạm Đình Thi nói: “Khi đặt bút nghiên cứu thì đúng là đây cũng là vấn đề chúng tôi đặt ra. Với đất, ta thừa kế dữ liệu từ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đã ổn định khoảng 5 năm nay rồi. Còn với đất nông nghiệp, ta cho vào đối tượng không chịu thuế”.

Theo ông Thi, với nhà, có thể căn cứ vào việc cấp quyền sử dụng đất và chứng nhận quyền sở hữu nhà để xác định. Với trường hợp chưa được cấp các loại giấy tờ này thì có thể căn cứ vào thực tế đang sử dụng. Vấn đề là làm sao tính đủ, đây là câu chuyện khó. Nếu một người có nhà ở Hà Nội và TPHCM, làm sao biết chủ sở hữu. Hoặc ví dụ nhà người đó ở TPHCM đứng tên người khác thì sao. Vấn đề này ta hiện chưa có cách gì.

“Theo tôi, quản lý nhà ở phải từng bước tuy nhiên nếu đòi hỏi ngành thuế làm được việc đó thì chắc là không”, ông nói.

Theo dòng sự kiện

NNVN xin trích đăng ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, cũng như cách tính thuế nhà, đất ở một số quốc gia.

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế nói: “Tôi nói thuế đó là đúng và tôi đã trông chờ nhiều năm. Thuế tài sản, trong đó có bất động sản là cần thiết, và phải thực hiện trong một quốc gia văn minh hiện đại. Đó không chỉ là do nhóm người trung bình và nghèo (thường chiếm 70 – 80%) kêu gọi, yêu cầu. Đó chính là sự cần thiết thực hiện của những người có tài sản trên mức trung bình thực hiện để đảm bảo quốc gia có nguồn lực tiếp tục phát triển, trở nên giàu có hơn.

Thậm chí, nếu không ra sắc thuế này, Việt Nam có thể bị kéo giật về thời phong kiến kiểu mới, ở đó không phải những nhà sáng tạo, sản xuất kinh doanh tài giỏi chân chính là nhóm dẫn dắt; mà chính là những người có nhà đất lớn, những địa chủ, lãnh chúa đời mới là nhóm cầm chịch!”.

Ngược lại, TS Lê Đăng Doanh cho rằng: “Với một nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp (khoảng 2.200 USD/người) như ở Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo chỉ nên thu thuế khoảng 18% GDP, không nên thu thuế cao hơn để khoan sức dân, để người dân có lợi nhuận tái đầu tư. Song hiện nay chúng ta đã thu thuế lên đến khoảng 32% GDP rồi, tức là rất cao so và đây là điều chúng ta phải suy xét”!

Tham khảo tại các nước trên thế giới, tại Anh, thuế được chia làm 2 loại bao gồm thuế dành cho nhà thứ nhất và thuế dành cho nhà thứ hai trở đi. Với nhà thứ nhất, mức thuế hiện tại ở Anh được tính lũy tiến 5 bậc dựa trên giá trị nhà. Với bậc thấp nhất, bất động sản có giá trị dưới 125.000 bảng Anh sẽ được miễn hoàn toàn thuế, vì Chính phủ tính rằng đa số hộ gia đình Anh hiện sở hữu một bất động sản trị giá dưới 250.000 bảng.

Còn tại Mỹ, một bất động sản chính để phục vụ sinh hoạt chính quyền các bang tại Mỹ sẽ thu thuế rất thấp. Đến mức với những bất động sản có giá trị dưới 250.000 USD, một người Mỹ sẽ được miễn thuế khi bán hoặc dưới 500.000 USD với bất động sản thuộc sở hữu hộ gia đình.

Thực tế, với tỷ giá quy đổi ngoại tệ tại ngân hàng thương mại, 1 bảng Anh tương đương với khoảng 32.000 VNĐ. Như vậy, nước Anh không thu thuế đối với căn nhà 125.000 bảng Anh, tương đương khoảng 4 tỷ VNĐ.

Tân Yên

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.