| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 03/06/2015 , 06:15 (GMT+7)

06:15 - 03/06/2015

Luật trưng cầu ý dân và nguyện vọng của nhân dân

Việc dự án Luật trưng cầu ý dân được trình Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp thứ 9 Quốc hội XIII và sẽ thông qua vào kỳ họp thứ 10 của Quốc hội XIII năm 2015, được nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm.

Trưng cầu dân ý là một phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước, trong từng thời điểm cụ thể.

Theo nhiều chuyên gia, thì trên thế giới, đã có 167/214 quốc gia và vùng lãnh thổ có luật hoặc các quy định pháp lý về trưng cầu ý dân.

Tại Việt Nam, việc trưng cầu dân ý đã được đặt ra từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Điều 32 của bản Hiến pháp này quy định “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba tổng số nghị viên đồng ý. Cách thức phúc quyết sẽ do Luật định”.

Và điều 70 của Hiến pháp trên cũng quy định “Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây: a/Do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu. b/Nghị viện bầu ra một ban dự thảo những điều thay đổi. c/Những điều thay đổi khi đã được nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết”.

Các bản Hiến pháp năm 1980, 1992 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng quy định về trưng cầu dân ý. Tiếp thu tinh hoa của các bản Hiến pháp trên, điều 70 Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã trao cho Quốc hội quyền quyết định trưng cầu ý dân và điều 74 đã trao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm vụ tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội.

Thế nhưng, đã 69 năm kể từ khi bản Hiến pháp năm 1946 ra đời, chúng ta chưa có một cuộc trưng cầu dân ý nào. Lý do là việc soạn thảo và ban hành Luật trưng cầu ý dân đã được đặt ra từ lâu, đặt ra nhiều lần, nhưng qua cả chục khóa Quốc hội, vẫn chưa xong. Đến nỗi có người đã gọi đây là món nợ của cơ quan lập pháp đối với nhân dân.

Thế nên, niềm mong mỏi của nhân dân về sự ra đời của bộ Luật này là rất lớn, nhất là trong điều kiện chúng ta đang hội nhập ngày càng sâu với thế giới.

Dự thảo Luật có bao nhiêu điều, trong đó những vấn đề gì sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý, chủ thể yêu cầu trưng cầu dân ý là ai, cách thức tổ chức trưng cầu dân ý thế nào, được các đại biểu cho ý kiến trong kỳ họp này, sẽ được dư luận theo dõi sát sao.

Và nếu Luật trưng cầu ý dân được thông qua vào kỳ họp tới thì đây sẽ là một bước tiến dài trong tiến trình dân chủ của xã hội. Quyền làm chủ của nhân dân sẽ được nâng cao. Người dân sẽ có điều kiện bày tỏ ý kiến trực tiếp, thể hiện quyền lực trực tiếp của mình trước những vấn đề trọng đại của quốc gia, ví dụ như việc xây sân bay quốc tế Long Thành, hay làm đường sắt cao tốc, xây dựng nhà máy điện hạt nhân…

Quyền của nhân dân là thiêng liêng và tuyệt đối. Mong sao người dân sớm có được công cụ để thực hiện quyền lực của mình.

Bình luận mới nhất