| Hotline: 0983.970.780

Lục Ngạn chồng chất lo âu trước nguy cơ mất trắng vụ vải thiều

Thứ Năm 23/02/2017 , 08:41 (GMT+7)

Tính đến ngày 22/2, hơn 16 nghìn ha vải thiều trà chính vụ, chiếm trên 90% tổng diện tích của vựa vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đã cầm chắc 99% mất mùa trắng. 

Người trồng vải trắng tay đã đành, nhưng nỗi lo kéo theo cả một guồng máy lao động, việc làm bị đảo lộn vì vải mất mùa sẽ còn đáng ngại hơn.
 

Hết hi vọng

Tầm này mọi năm, những quả đồi bát úp phủ cây vải thiều bát ngát ở Lục Ngạn quả vải đã phải lớn cỡ đầu đũa. Những vườn vải thường đã rộn rịp í ới tiếng lao động tưới nước, tỉa lộc, bón thúc… Năm nay thì không. Một không khí im lặng đáng sợ đang bao trùm. Hai gốc vải thiều cổ lớn cỡ thân người trồng trước UBND huyện Lục Ngạn tượng trưng cho sự phồn thịnh của vùng vải Bắc Giang cứ trơ ra, chỉ có lá xanh ngắt, tịnh không thấy dấu hiệu gì của việc đâm hoa nảy lộc dù đã có sự chăm bẵm tận tình của đội ngũ cán bộ kỹ thuật.

14-04-05_nh-7
Những vườn vải ở Lục Ngạn đến nay vẫn chưa thấy dấu hiệu ra hoa.
 

Anh Tăng Văn Huy, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lục Ngạn buồn bã cho biết: Tới thời điểm này, có thể khẳng định 16.293 ha trà vải chính vụ, chiếm trên 90% trong tổng số hơn 17.000 ha vải toàn huyện đã cầm chắc 99% mất mùa trắng. Lịch sử cây vải thiều đưa lên đất Lục Ngạn từ năm 1956 tới nay, chỉ có năm 2008 là thất thu nhất do rét đậm kéo dài, tuy nhiên tỉ lệ thiệt hại cũng chỉ khoảng 40-50%, chứ chưa có năm nào diện tích vải thiều lại mất trắng gần như 100% như năm nay.

Theo anh Huy, kịch bản để hi vọng vải có thể ra hoa là thời gian tới, sẽ phải có một đợt rét đậm, với nền nhiệt độ phải từ 12-14 độ C và duy trì liên tục ít nhất khoảng trên 10 ngày. Tuy nhiên, điều này chỉ có ý nghĩa đối với những diện tích vải hiện chưa nhú mầm lộc, chứ đã nhú mầm lộc rồi thì dù có rét đậm đi nữa cũng chẳng có ý nghĩa. “Hi vọng là hi vọng thế, chứ kinh nghiệm cho thấy sau Lập xuân, khả năng để có những đợt rét đậm kéo dài như vậy là rất hiếm” – anh Huy phân tích.

Anh Nguyễn Văn Chiến, chủ vườn có hơn 300 gốc vải thiều trên 20 năm tuổi ở thôn Nhập Thành, xã Nghĩa Hồ (Lục Ngạn) chua chát đùa rằng, năm nay, người trồng vải đi cầu lộc đầu năm đều được toại nguyện cả, bởi vải thiều chỉ toàn lộc mà chẳng có hoa. Ở xã Nghĩa Hồ, vườn vải hơn 1,2 ha của anh Chiến nổi tiếng ít mất mùa, họa hoằn năm nào thất thu nhất thì vải cũng ra hoa đạt tỉ lệ trên 60%, năm bình thường cũng cho sản lượng 15 tấn, giá rẻ đi nữa cũng có thu nhập 1-2 trăm triệu đồng.

Thế nhưng năm nay, ngay cả vườn vải của anh Chiến nổi tiếng là thợ chăm sóc vải tốt trong vùng, những biện pháp như khống chế lộc đông, khoanh cành, lật đất gốc, phun các chế phẩm hãm chồi lộc, kích thích ra hoa đủ loại nhưng cũng bó tay, không một cây nào chịu ra hoa.

Theo anh Chiến, mọi năm, từ ra Tết Nguyên đán tới khi thu hoạch người trồng vải bận như con mọn. Nào bón thúc quả, nào tỉa cành, nào tưới nước, nào phun thuốc trừ sâu… Bình quân, mỗi hecta vải sẽ cần khoảng 2-3 lao động thường xuyên có mặt.

“Tôi đang tính chờ thêm đợt rét tới, khoảng chục ngày nữa mà vải không ra hoa thì liên hệ với bạn bè dưới KCN Bắc Ninh làm công nhân vậy. Mọi năm có vải phải ở nhà làm vườn, chứ năm nay vải không ra hoa, từ giờ tới cuối năm làm gì bây giờ” – anh Chiến thẫn thờ.
 

Thất nghiệp “bất đắc dĩ”

Ông Trần Quốc Hữu, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hồ (huyện Lục Ngạn) ái ngại tính: Quả vải có năm tiếng là rẻ, nhưng là cần câu cơm của đại đa số nông dân trong xã. Xã có trên 1.700 hộ dân thì hơn 1.400 hộ trồng vải. Nhờ cây vải mà dân trong xã xây được nhà lầu san sát như bây giờ.

14-04-05_nh-4
Hi vọng vải ra hoa thời gian tới là rất mong manh.

 

Theo ông Hữu, so với những xã khác trong huyện thì Nghĩa Hồ diện tích vải không lớn, chỉ khoảng 130 ha. Tuy nhiên, Nghĩa Hồ lại nằm ngay sát nách trung tâm thị trấn Chũ. Mỗi mùa vải, xã này giống như một “đại công xưởng” thu mua, sơ chế, đóng gói…, thu hút hàng nghìn lao động địa phương cũng như lao động tứ phương đổ về, là nguồn thu khổng lồ cho người dân trong xã. Tính sơ sơ, riêng xã đã có một cơ sở SX kinh doanh thùng xốp, 30 điểm thu mua vải, 7 xưởng SX đá lạnh, 2 xưởng SX túi nilon bọc quả vải…

Anh Đỗ Thanh Hải, cán bộ khuyến nông xã Nghĩa Hồ nhẩm tính: Mỗi vụ, một hộ dân trồng vải trong xã ít nhất cũng tiêu thụ 15-20 triệu đồng phân bón, thuốc BVTV… Năm nay vải không ra quả, người dân không còn ai phải bón phân phun thuốc nữa, đồng nghĩa với hàng chục đại lí kinh doanh phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn xã Nghĩa Hồ cũng im lìm đóng cửa. Hàng nghìn lao động địa phương “ăn theo” quả vải năm nay sẽ ngồi chơi xơi nước hoặc tản đi nơi khác làm ăn.

“Chưa kể lao động dịch vụ, nếu tính trung bình mỗi hecta vải thông thường cần 2-3 lao động chăm sóc vườn, cả xã có trên 130ha, tương đương trên dưới 300 lao động địa phương sẽ bất đắc dĩ bị thất nghiệp trong năm nay” – anh Hải ái ngại.

+ Theo Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, từ hôm nay (23/2), miền Bắc sẽ đón một đợt rét đậm, với nhiệt độ khu vực Đông Bắc Bộ xuống thấp nhất từ 11-14 độ C. Đây tiếp tục là hi vọng cho nông dân trồng vải.

+ Nỗi buồn thất bát của cây vải thiều ở Lục Ngạn đang tạo thời cơ cho nhiều loại cây có múi. Tại xã Nghĩa Hồ, các loại cây có múi như cam, quýt, bưởi… đang tăng chóng mặt về diện tích. Chỉ trong vòng 2-3 năm gần đây, diện tích cây có múi ở xã này đã tăng lên tới 60ha, mỗi năm tăng bình quân 20ha. Trong đó, một số vườn vải năng suất thấp hoặc đất lúa cũng đang dần được thay thế bằng cây có múi.

“Từ ra Tết đến nay, do cây vải không ra hoa nên người dân càng tập trung trồng mới các giống cam, bưởi… Giá cây giống cam, bưởi trên địa bàn hiện đã tăng thêm từ 2-3 nghìn đồng/cây so với thời điểm trước Tết” – một chủ cơ sở kinh doanh cây giống tại thị trấn Chũ cho biết.

 

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.