| Hotline: 0983.970.780

Lùng bùng xử lí chồn nhung đen!

Thứ Năm 27/06/2013 , 09:23 (GMT+7)

Viện lí do Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) không cho mua bán chồn, ông Đoàn Việt Châu tắt điện thoại, cao chạy xa bay, bỏ mặc người dân trong đống nợ nần.

Đến thời điểm này, phải khẳng định mô hình kinh doanh chồn nhung đa cấp của ông Đoàn Việt Châu và Cty Giấc Mơ Việt (Hà Nội) đã sụp đổ hoàn toàn.

Hiện, viện lí do Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) không cho mua bán chồn, ông Đoàn Việt Châu tắt điện thoại, cao chạy xa bay, bỏ mặc người dân trong đống nợ nần.

MƯỢN GIÓ BẺ MĂNG

Trở lại Bắc Giang, một trong những địa phương tham gia nuôi chồn nhung đen đa cấp với số lượng lớn, chúng tôi vào nhà bà Phạm Thị Bong, xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn đúng lúc bà đang thu gom xác con chồn nhung đen thứ 3 trong ngày bị chết, nguyên nhân hết sức chua xót là bị bỏ đói.

Hơn 6 tháng nay, kể từ ngày bà mua thêm 10 đôi chồn của ông Đoàn Việt Châu không có ai về bắt chồn con. Trong khoảng thời gian đó, từ 10 cặp chồn ban đầu đến nay bà Bong sở hữu đàn chồn gần 100 con. Giờ, ngay cả việc lo cám bã duy trì sự sống hàng ngày cho lũ chồn với bà Bong cũng là quá sức.


Chồn nhung đen nuôi khảo nghiệm tại Viện Chăn nuôi chính là chuột lang?

Tương tự, ông Hoàng Văn Sinh, em họ bà Bong mạnh dạn chặt hạ 30 gốc vải để lấy đất trồng cỏ voi nuôi chồn. Giờ đây, chúng đã phát triển không kiểm soát đến độ chồn vượt rào, phá chuồng ra ngoài chạy nhông nhông khắp vườn cũng chỉ vì 6 tháng qua chồn không hề bán được và ông Sinh cũng như những người dân khác đều không thể liên lạc được với ông Đoàn Việt Châu.

Không liên lạc được với ông chủ mô hình, chúng tôi và những người dân nơi đây tìm tới người đại diện cho ông Châu tại Bắc Giang là bà Nguyễn Thị Phượng ở xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn để tìm câu trả lời. Gặp chúng tôi, bà Phượng phân bua rằng, do ông Đoàn Việt Châu đang đợi Bộ NN-PTNT có kết luận chính thức về loài này nên chưa... thu mua chồn con trở lại (!).

Được biết, hiện có gần 80 hộ tại Lục Ngạn tham gia vào mô hình nuôi chồn nhung đen của ông Đoàn Việt Châu và chưa ai lấy lại được khoản tiền đầu tư ban đầu. Chỉ tính riêng tại huyện Lục Ngạn, con số thiệt hại ước tính lên tới 5-6 tỉ đồng.

Đây quả thực là một con số không hề nhỏ. Nhưng đó mới chỉ là thiệt hại tại một huyện của tỉnh Bắc Giang, vậy với 37 tỉnh, thành trong cả nước đã phát triển mô hình nuôi chồn nhung đen, con số thiệt hại sẽ còn lớn hơn gấp cả trăm lần!

CHỒN NHUNG CHÍNH LÀ CHUỘT LANG?

Sau khi Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) có văn bản gửi Sở NN-PTNT các địa phương đề nghị quản lí, kiểm soát không để người dân phát tán con chồn nhung đen ra diện rộng, bởi đây là loài vật nuôi ngoại lai, đang trong quá trình khảo nghiệm, chưa nằm trong danh mục vật nuôi của Việt Nam, rất nhiều hộ chăn nuôi chồn nhung đen tự do lo mất ăn mất ngủ.

Anh Trần Kiên, Chủ nhiệm HTX Trần Kiên ở xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, Thái Nguyên chia sẻ, đầu năm 2013, khi đàn chồn tại trang trại của anh lên đến đỉnh điểm hơn 4.000 con thì có văn bản của Cục Chăn nuôi, sau đó gần như anh Kiên không bán được con giống nào nên mỗi tháng mất tới 30 triệu đồng tiền thuê nhân công chăm sóc và thức ăn cho chồn.

Anh Kiên bức xúc, bản thân anh kinh doanh chồn nhung theo đúng giá trị thực của nó, chỉ từ 150.000-200.000 đồng/đôi, song cũng bị liên đới, thiệt hại vô kể bởi việc kinh doanh đa cấp của các ông chủ kia.


Chủ nhiệm HTX Trần Kiên đề nghị Bộ NN-PTNT xử lí dứt điểm con chồn nhung đen

“Tôi đề nghị Bộ NN-PTNT xử lí dứt điểm con chồn nhung đen rồi thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để nông dân chúng tôi biết đường xử lí. Một là tiếp tục nuôi hai là hủy. Giờ chúng tôi cứ như đứng giữa dòng nước lũ, đi cũng chết mà quay lại chưa chắc đã sống”. Anh Kiên bộc bạch.

Trao đổi với ông Nguyễn Đức Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, chúng tôi được biết Bộ NN-PTNT vừa thành lập Hội đồng khoa học thẩm định đề tài nuôi khảo nghiệm chồn nhung đen của Viện Chăn nuôi.

Trong 11 đơn vị, có 7 ý kiến đồng tình đưa chồn nhung đen vào danh mục vật nuôi, 4 ý kiến yêu cầu Viện Chăn nuôi đánh giá chi tiết hơn một số tiêu chí đối với sinh vật ngoại lai này. Dự kiến, trong tháng 7 này Bộ NN-PTNT có kết luận chính thức về con chồn nhung đen.

Về phía đơn vị khảo nghiệm, TS Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm và Bảo tồn vật nuôi (Viện Chăn nuôi) khẳng định, chồn nhung đen thực chất chính là chuột lang.

Về nguồn gốc tên “chồn nhung đen”, ông Sơn lí giải, trong dòng chuột lang có rất nhiều màu lông khác nhau như: đen trắng, đen vàng, trắng vàng và chồn nhung đen là do Trung Quốc sau khi nhập chuột lang về họ tiến hành chọn tạo, nhân giống để tạo ra dòng chuột lang chỉ toàn màu đen và đặt tên là “hắc thốn” (hắc là đen, thốn là chồn). Con hắc thốn du nhập vào ta, được dịch ra thành “chồn nhung đen”.

“Sở dĩ tôi dám khẳng định đây là chuột lang bởi mọi tính trạng của chồn nhung đen từ ngoại hình, lông, tai, chân giống y hệt chuột lang, cũng đẻ con có lông, không có đuôi, chậm chạp… Mặt khác, sau hơn 3 năm nuôi khảo nghiệm, rất nhiều con chồn nhung đen đã trở về tính trạng ban đầu của bố mẹ nó là lông màu đen vàng, đen trắng, vàng trắng như chuột lang”. Ông Sơn dẫn chứng.

Ông Sơn cho biết thêm, theo yêu cầu của Hội đồng khoa học, ngày mai (27/6), ông sẽ gửi báo cáo bổ sung đầy đủ về loại chồn nhung đen để Bộ NN-PTNT sớm bổ sung loài này vào danh sách giống vật nuôi của ta.

Ông Sơn trả lời thẳng thắn, rằng: Nếu để làm giàu từ con chồn nhung đen hay chờ đợi con vật này sẽ đem lại một điều kỳ diệu cho nền chăn nuôi của Việt Nam là điều không tưởng, bởi chất lượng thịt của nó bình thường, tỉ lệ thịt xẻ không cao, chỉ đạt khoảng 50%.

Nhưng theo Sơn, chồn nhung đen không có tội tình gì, chúng rất hiền lành và dễ nuôi, phù hợp để người dân ở vùng sâu vùng xa, miền núi, hải đảo nuôi lấy thịt cải thiện cuộc sống, thỉnh thoảng kiếm đồng ra đồng vào, góp phần làm phong phú thêm giống vật nuôi của ta.

“Qua gần 4 năm khảo nghiệm tại Viện Chăn nuôi, tôi thấy thức ăn của chồn nhung đen chiếm đến 90% là thực vật, chỉ 10% là thức ăn tinh. Hiện, chưa phát hiện bệnh truyền nhiễm nào mà chồn nhung đen chỉ mắc phải một số bệnh tương tự như thỏ.

Về tác động môi trường, do chồn nhung đen chậm chạp, thiên địch của chúng lại chính là chuột, mèo, chó nên chúng khó thích nghi được ngoài tự nhiên.

Trong danh mục của FAO, chồn nhung đen (Guine Pig) đã nằm trong danh sách vật nuôi của thế giới và không thuộc danh mục vật nuôi xâm hại của FAO nên chúng ta không nên quá lo lắng về con vật này", TS Vũ Ngọc Sơn.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT sơ kết công tác quý I, triển khai nhiệm vụ quý II/2024

Mục tiêu của toàn ngành nông nghiệp quý II là tăng trưởng giá trị gia tăng toàn ngành 3,37%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 14 - 14,5 tỷ USD.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giây phút kinh hoàng qua lời kể của nạn nhân sống sót ở Xi măng Yên Bái

Một đêm dài vừa trải qua với các nạn nhân sống sót sau vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, họ kể lại câu chuyện trong nỗi đau về cả thể xác và tinh thần.