| Hotline: 0983.970.780

Lưu ý khi thu hoạch, phơi thóc, bảo quản để gạo giữ được phẩm chất

Thứ Tư 14/06/2017 , 07:05 (GMT+7)

Để giữ thóc được lâu mà vẫn đảm bảo chất lượng cần phơi thật khô, làm sạch hết tạp chất rồi mới đem bảo quản. Giữ thóc trong chum, thùng phuy, thùng tôn, hòm gỗ hoặc trong bao chuyên dùng...

Hỏi: Để đảm bảo cho gạo giữ được phẩm chất và mẫu mã khi sử dụng thì cần lưu ý gì khi thu hoạch, thóc phơi và bảo quản?

Trả lời: Để có được những yêu cầu trên đòi hỏi người trồng lúa cần thực hiện tốt các công đoạn sau:

+ Thu hoạch vào thời điểm thích hợp:

- Đối với nhóm lúa nếp nên thu hoạch khi trên 87% tổng số hạt đã chín. Thu xong cần tuốt và phơi ngay.

- Đối với nhóm giống lúa chất lượng cần thu hoạch sớm hơn (bông có khoảng 90% số hạt đã vàng). Thu hoạch vào lúc này lượng gạo trong cao hơn và ít bị gãy khi xay xát, cơm ăn ngon.

- Nhóm lúa thường: Cần thu hoạch muộn hơn khi lúa đã chín hoàn toàn (khoảng trên 95% số bông và số hạt đã vàng).

+ Phơi thóc: Cần thu hoạch vào ngày nắng ráo, khô hanh. Dù phơi hay sấy thì thóc cũng phải được làm khô từ từ. Nếu làm khô đột ngột thì hạt gạo sẽ bị gãy nhiều khi xay xát đồng thời chất lượng gạo sau này cũng sẽ bị giảm.

Lúa vụ xuân ở miền Bắc thường được thu hoạch vào tháng 6 DL thời tiết có nhiều nắng nóng nên rất thuận tiện cho việc hong phơi. Song để đảm bảo cho gạo sau này giữ được phẩm chất thơm ngon, hạt gạo trong và ít bị gãy đòi hỏi lô thóc cần được phơi qua 3 giai đoạn:

- Làm se vỏ: Lớp thóc cần được phơi dày từ 10-12cm và thường xuyên được đảo đều.

- Làm khô thóc: Nên phơi ở mức mỏng hơn và đảo thường xuyên cho thóc khô từ từ.

- Phơi đạt độ khô bảo quản: Thóc cần được làm sạch phơi lại cho thật khô đảm bảo độ ẩm đạt 13%( bóc gạo cắn thấy kêu đanh là được).

Để giữ thóc được lâu mà vẫn đảm bảo chất lượng cần phơi thật khô, làm sạch hết tạp chất rồi mới đem bảo quản. Giữ thóc trong chum, thùng phuy, thùng tôn, hòm gỗ hoặc trong bao chuyên dùng. Nơi cất trữ thóc phải khô ráo, thóc để cách tường và kê cao cách mặt đất 40 - 50cm để tránh hút ẩm. Nếu bảo quản trên 6 tháng thì cần phải phơi lại sau 5 tháng bảo quản để lấy lại ẩm độ 13%.


Hỏi: Xin chuyên gia cho biết tại sao nuôi gà sinh sản giai đoạn hậu bị lại phải cho ăn hạn chế?

Trả lời: Gà hậu bị, đặc biệt là gà hướng thịt có tính phàm ăn và lớn nhanh, nếu không cho ăn hạn chế chúng sẽ ăn nhiều, có khối lượng cơ thể lớn, là nguyên nhân chính dẫn đến các tác hại như: Tích mỡ nhiều, cả trong nội tạng, mỡ chèn ép cơ quan sinh sản làm cho gà đẻ ít trứng và trứng nhỏ; Gà có khối lượng lớn, cần nhiều dinh dưỡng, thức ăn để duy trì cơ thể hơn gà có khối lượng nhỏ, vì thế tốn nhiều thức ăn cho gà bố mẹ trong suốt thời gian đẻ, dẫn đến chi phí thức ăn/đơn vị sản phẩm (trứng giống) cao hơn; Gà to, béo (mập) gây khó khăn cho quá trình giao phối, thụ tinh vì thế tỷ lệ trứng có phôi thấp; Gà to, béo (mập) dễ mắc các bệnh về chân, dễ chết nóng, dập trứng, lộn tử cung hơn gà bình thường, vì thế tỷ lệ chết và loại thải cao hơn.


Hỏi: Vì sao khi nuôi gà bố mẹ giai đoạn hậu bị thường dùng đệm lót dày và không cần thay đệm lót?

Trả lời: Giai đoạn nuôi gà hậu bị trên nền cần đệm lót dầy và không cần thay đệm lót vì đệm lót dầy có tác dụng như sau: Hút ẩm từ phân gà; Giảm mức đậm đặc của phân; Diệt khuẩn: Sự kết hợp giữa lớp đệm chuồng dày và phân gà dẫn đến quá trình lên men tăng nhiệt ở mức thấp, có tác dụng diệt khuẩn. Quá trình này không gây hại đối với gà; Điều hoà độ ẩm và nhiệt độ môi trường và đảm bảo yêu cầu cần thiết đối với chất đệm chuồng là tơi xốp, có khả năng hút ẩm tốt.

Lưu ý: Trong trường hợp đệm lót bị ướt thì hót hết đệm lót ướt ra ngoài, san đệm lót cũ sang rồi bổ sung đệm lót mới; không thay hết để tiết kiệm vật tư cũng như công lao động, hơn nữa để tận dụng các vi sinh vật có ích sẵn có trong đệm lót. Lớp đệm chuồng có độ ẩm khoảng 25 - 30% là phù hợp nhất.


Hỏi: Chè ở vùng chúng tôi mỗi đợt ra búp non (nhất là những thời gian nắng nóng) thì con bọ cánh tơ lại xuất hiện và gây hại rất nhiều. Xin được hướng dẫn cách phòng trừ cho hiệu quả cao?

Trả lời: Bọ cánh tơ là một dịch hại rất phổ biến và quan trọng ở tất cả các vùng chuyên canh cây chè của nước ta hiện nay, đặc biệt là vào những đợt chè ra búp non mà lại gặp thời tiết khô, nóng. Nếu nặng, búp chè có thể bị chùn lại, lá và tôm chè bị biến dạng và rụng sớm, gây thất thu năng suất nghiêm trọng.

Để hạn chế tác hại của bọ cánh tơ, có thể áp dụng kết hợp một số biện pháp chính sau đây:

- Bón phân, tưới nước đầy đủ, làm cỏ kịp thời, dùng vật liệu phủ kín đất xung quang gốc (không để rễ chè lộ lên trên mặt đất), để cây chè khỏe mạnh, có sức chống đỡ với tác hại của bọ cánh tơ và những dịch hại khác.

- Trồng thêm cây che bóng mát, để vườn chè luôn mát mẻ.

- Hái chè đúng lứa, để làm giảm mật số trứng và ấu trùng của bọ đang tồn tại trên búp chè.

- Nếu có điều kiện nên áp dụng cách tưới phun mưa, để rửa trôi bớt bọ trên lá non và búp chè.

- Vào giai đoạn chè phát triển búp, cần kiểm tra nương chè thường xuyên, để phát hiện sớm và phun thuốc phòng trừ bọ kịp thời

Về thuốc, có thể dụng một trong những loại thuốc như Matoko 50WG, Abatox 1.8EC, Sacophos 550EC, Abasuper 3.6EC, Minup 0.3EC, Goldgun 0.9EC, Kozomi 0.3EC, Emacinmec 178SG…Theo kinh nghiệm của một số bà con trồng chè ở Yên Sơn và Hàm Yên (Tuyên Quang) thì hỗn hợp hai loại thuốc Goltoc 250EC và Sachray 200WP sẽ cho hiệu quả phòng trừ bọ cánh tơ rất cao. Về liệu lượng và cách sử dụng, theo hướng dẫn của nhà sản xuất có in sẵn trên nhãn thuốc.

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.