| Hotline: 0983.970.780

Luyện kim hút nghề

Thứ Tư 20/10/2010 , 10:14 (GMT+7)

Trường Cao đẳng Cơ khí Luyện kim Thái Nguyên là cái nôi đào tạo cán bộ kỹ thuật, công nhân kỹ thuật lành nghề phục vụ cho luyện kim...

Nằm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, cái nôi của ngành luyện kim Việt Nam, Trường Cao đẳng Cơ khí Luyện kim Thái Nguyên là nơi đầu tiên đào tạo cán bộ kỹ thuật bậc cao đẳng, THCN, công nhân kỹ thuật lành nghề phục vụ cho ngành công nghiệp nặng đầu tiên của đất nước, đó là Khu liên hợp gang thép Thái Nguyên từ những năm 1960.

Suốt nhiều năm qua, nhà trường luôn xác định, chất lượng đào tạo tốt sẽ giúp cho học sinh, với chủ yếu là con em nông thôn có việc làm ổn định nơi thị thành hoặc khu công nghiệp là yếu tố quyết định sự sống còn của mình. Để nhanh chóng hòa nhập với xu hướng đào tạo nghề, từ năm 2007 nhà trường đã chỉnh lý 4 chương trình hệ cao đẳng, biên soạn 57 chương trình đào tạo trung cấp nghề, 27 chương trình cho hệ sơ cấp, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học với 13 đề tài cấp khoa, cấp trường, 95 sáng kiến cải tiến được nghiệm thu và đưa vào áp dụng có hiệu quả.

Nhiều đề tài được ứng dụng ngay vào sản xuất, kết hợp với việc sử dụng lao động là học sinh của trường thực tập đem lại hiệu quả cao như ngành đúc, cơ khí, công nghệ thông tin. Các hoạt động ngoại khoá và thực hành tại nhiều cơ sở sản xuất giúp nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện, giúp các em hòa nhập nhanh sau khi học... Vừa chú trọng đào tạo, nhà trường còn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, với tổng mức đầu tư 30,5 tỷ đồng cho 3 hạng mục là nhà học lý thuyết, trung tâm thông tin thư viện, ký túc xá HSSV.

Ngoài việc đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm, trường còn tiếp tục mở rộng quy mô, bậc học, đa dạng hoá ngành nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Kết quả đào tạo năm học 2008-2009 cho thấy, chất lượng tay nghề đạt 98,2%, trong đó khá giỏi chiếm 44,36%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 93,86%.

Cũng chính là đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường, đã giúp cho 3/4 số HSSV ra trường có việc làm ngay, 100% học sinh học chuyên ngành cơ khí, luyện kim đen, luyện kim màu khi ra trường đều được các DN đến trường tuyển dụng, thậm chí một số nghề như cán, đúc không có đủ học sinh cho các cơ sở tuyển dụng. Ngành luyện kim đen và luyện kim màu luôn được các DN đến tuyển dụng luôn cả khoá học, các em không phải tìm việc làm.

Anh Triệu Việt Khoa, nhà ở thôn vùng sâu vùng xa sát biên giới với Trung Quốc (xã Quang Trung, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng) bỏ nương rẫy đến học nghề cơ khí, sau khi tốt nghiệp năm học 1998 – 1999, đi làm cho một DN tại TP Thái Nguyên. Năm 2006 khi tay nghề đã cao, cùng với tích luỹ được chút vốn và kinh nghiệm quản lý, anh đã tự mở cửa hiệu cơ khí, tạo việc làm cho 15 lao động, với mức lương trung bình 2,5 triệu đồng/người/tháng. Anh Khoa cho biết, hầu hết các bạn của anh trong lớp học là con em nông dân vùng sâu, có người vừa học vừa làm thuê lấy tiền ăn học, cùng ra trường thời điểm đó, nay đã là các “chủ nhỏ”, hoặc đều có việc làm ổn định.

Nữ sinh Nguyễn Thị Quyên, sinh ra trong một gia đình nhà nông nghèo, quê huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang đang làm cho một DN xây lắp tại thị xã Tuyên Quang đã thổ lộ: Năm 2007, khi cầm tấm bằng tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp đi xin việc cũng gặp khó khăn, vì luôn nhận được câu trả lời “Trường của em chỉ mạnh về cơ khí, kế toán liệu có làm được không?”. Tuy nhiên, sau 2 năm làm việc cho một DN xây lắp, cô đã thể hiện được năng lực nên không chỉ có việc làm tốt, mà còn trở thành con dâu thảo hiền của ông chủ, nay kiêm luôn cả việc điều hành sản xuất của Cty.

Còn Nguyễn Văn Sự, ở xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, nhà nghèo, túng thiếu quá người mẹ đành về gần trường làm “ô sin” lấy tiền nuôi Sự ăn học. Học xong nghề cán đúc, Sự được một DN ở tỉnh Hải Phòng tiếp nhận, sau 5 năm đi làm công nhân có thu nhập ổ định, nay gia đình đã thoát nghèo…

Trong nhiều học sinh mà chúng tôi có dịp tiếp cận, hầu hết là con em nông dân vùng sâu vùng xa hoặc nhà nghèo không có điều kiện học các trường đại học, nên xin đi học nghề tại Trường CĐ Cơ khí luyện kim. Với bản chất chịu khó, biết lắng nghe và khiêm tốn học hỏi, họ đã tự khẳng định mình khi có chỗ đứng nơi thị thành. Do có tay nghề thực thụ, phần nhiều các em không lo thiếu việc làm, thậm chí được thoải mái lựa chọn làm việc chỗ lương cao vì nhu cầu tuyển dụng nghề này rất lớn.

Trao đổi với chúng tôi, thầy Trần Viết Thường, Hiệu trưởng cho biết: “Nằm trên địa bàn một tỉnh có khoảng 50 trường đại học, cao đẳng và THCN, việc duy trì số lượng học sinh đầy đủ và ngày càng đông đảo như hiện nay là nhờ trường đã đào tạo đã đúng hướng, sát với nhu cầu xã hội. Mục tiêu của nhà trường trong những năm tới là tăng cường cơ sở vật chất, giáo viên để khai thác hướng đào tạo theo địa chỉ, vì hiện nay có nhiều DN đã đổi mới công nghệ, nên rất cần đào tạo lại nguồn nhân lực”.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.