| Hotline: 0983.970.780

Mặc cảm cuối đời

Thứ Hai 17/06/2013 , 10:11 (GMT+7)

Chuyện diễn ra đã quá lâu nên tôi không còn nhớ rõ đã quen biết Mai trong trường hợp như thế nào. Lúc đó, Mai là một cô giáo dạy mầm non.

Chuyện diễn ra đã quá lâu nên tôi không còn nhớ rõ đã quen biết Mai trong trường hợp như thế nào. Lúc đó, Mai là một cô giáo dạy mầm non.

Cô không xinh đẹp, thậm chí nước da ngăm đen và một thân hình gầy guộc. Nhưng đôi mắt có hồn và giọng nói nhẹ nhàng. Tôi khi ấy đang rất cô đơn do vừa kết thúc một cuộc tình. Mai thì đã ở tuổi 32, gia đình đang hối thúc chuyện chồng con. Cô tâm sự chân thành với tôi là muốn có con, nhưng không lấy chồng, và muốn tôi làm cha của con cô. Tôi thấy thương mà chưa kịp yêu, trong khi tôi biết rõ cô rất yêu tôi. Nhất là khi cô nói: “Em nghĩ là nếu lấy vợ, anh sẽ chọn người khác chứ không phải là em. Em không xứng đáng với anh. Nếu sống lâu dài, em không có khả năng đem lại hạnh phúc cho anh”.

Tôi hỏi vì sao cô muốn “xin” đứa con ở tôi mà không ở người khác thì cô trả lời : “Vì em yêu anh. Em muốn con mang gen người mình yêu chứ không thể là người xa lạ”. “Anh có gì đặc biệt đâu?”. “Anh thông minh, giỏi dang, khỏe mạnh. Em muốn con có được thể chất, tâm hồn và trí tuệ như anh”. Những điều Mai nói khiến trái tim tôi dần thấy rung động. Thế rồi, chúng tôi ấn định “việc lớn” là tạo ra đứa bé. Và chúng tôi đã lên Tam Đảo để thực hiện việc này. Ba ngày, ba đêm ở đây quả là vô cùng thú vị. Tôi không ngờ một cô gái trông bên ngoài chẳng có gì đặc biệt như Mai lại có thể khiến tôi hạnh phúc đến thế.

Sau đó, tôi nhớ Mai da diết, thấy yêu cô hơn trước nhiều. Chỉ sau mấy ngày, tôi đã muốn gặp lại. Nhưng cô đã không nghe điện thoại khi tôi liên tục gọi. Có nghĩa là cô đã cố tình phớt lờ. Khi tôi quyết định sẽ vượt 2 chục cây số đến trường mầm non cô dạy tại một huyện ngoại thành thì nhận được tin nhắn của cô, sau nhiều ngày im lặng: “Anh! Xin anh hãy tha thứ cho em. Em không thể tiếp tục gặp anh. Anh đừng liên hệ với em nữa. Em không đáng để anh phải bận tâm. Khi nào thuận tiện, em sẽ chủ động gặp lại anh”. Tôi bàng hoàng, buồn bã, không hiểu vì sao cô lại như vậy.

Bẵng đi nhiều năm. Tôi không có bất cứ tin tức gì của Mai. Lúc này, tôi đã lấy vợ mới và có đứa con đang lẫm chẫm biết đi. Cuộc sống của chúng tôi hạnh phúc. Vợ tôi xinh đẹp, kém tôi 20 tuổi, là kiến trúc sư. Giữa những ngày tháng này, tôi nhận được điện thoại của Mai sau nhiều năm không tin tức. Cô hẹn gặp tôi có việc cần trao đổi. Cuộc điện thoại ngắn gọn, nhưng qua giọng nói, tôi hiểu là Mai vẫn còn tình cảm với tôi. Cuộc gặp gỡ trong vòng một giờ tại một quán nước bên hồ Tây. Nội dung là cô thông báo với tôi sau lần đó, cô có thai và sinh con gái, đặt tên là Tạ Hoài Anh. Cô giải thích: Tạ vừa là họ của cô, vừa có ý muốn tạ lỗi, Hoài là nhớ. Ba chữ ấy nghĩa là cô vừa luôn nhớ vừa muốn tạ lỗi với tôi (“Anh”).

Tôi hỏi vì sao sau lần ở Tam Đảo về, lại cắt đứt liên lạc thì cô xin không trả lời vì lúc ấy có rất nhiều chuyện buồn phiền. Giờ đây, Mai vẫn đơn thân nuôi con, thực hiện đúng lời nói với tôi là chỉ cần có con. Cô gặp tôi với mục đích nhờ trông nó 3 tháng hè vì cô có việc rất cần phải vào Sài Gòn mà không thể mang theo, lại không nhờ được ai. Tôi nói với cô hiện tại đã có cuộc sống khác. Tôi có thể giúp cô tiền, bao nhiêu cũng không tiếc, nhưng không thể đem cháu Hoài Anh về nhà. Không một lời thuyết phục, cô đứng dậy, ra về luôn với vẻ thất vọng rõ rệt. Tôi tháo chiếc nhẫn mấy chỉ đưa cho Mai và nói sẽ gửi thêm tiền hàng tháng để cô nuôi con. Nhưng cô đã khước từ và nói: “Em không cần tiền ở anh và vẫn giữ lời nói ngày trước. Điều em cần, anh đã không đủ bản lĩnh để đáp ứng”.

Cô từ biệt tôi khá nhanh, không một chút lưu luyến. Từ đó, tôi không bao giờ gặp lại Mai, đành tự trách đã vô tình với giọt máu của mình. Nhưng không thể khác. Tôi không muốn cuộc sống hiện tại bị xáo trộn, nhất là lúc này, tôi đang là giám đốc một cơ quan lớn. Chuyện này đối với vợ tôi là động trời. Cô ấy làm sao có thể chấp nhận.

Mấy chục năm trôi qua. Giờ đây, tôi đã gần 80 tuổi. Đứa con trai duy nhất của tôi đang học ở Anh. Vợ tôi đã không may qua đời chưa được một năm do bị ung thư. Đứa con gái riêng với vợ trước của tôi theo chồng định cư ở nước ngoài từ lâu. Tôi trở nên cô đơn, không người thân thích. Gần đây, tôi luôn phải vào bệnh viện do bị tiểu đường ngày càng trầm trọng. Thật run rủi, Tạ Hoài Anh lại chính là bác sĩ chủ nhiệm khoa tôi điều trị.

Lần đầu tiên nhìn cháu, tôi đã ngờ ngợ: Cháu có nhiều nét giống tôi và giống Mai. Về sau, lân la nói chuyện với các bệnh nhân, có người do biết ơn Hoài Anh đã cứu sống nên tìm hiểu về cháu và cho biết: Cô bác sĩ giỏi, rất có tâm với bệnh nhân, chỉ có mẹ, không cha. Cô không đến nỗi nào mà nay đã 30 tuổi nhưng vẫn chưa có chồng. Họ nói tôi nên tìm cách để được cô bác sĩ này trực tiếp điều trị, chắc chắn sẽ tốt cho sức khỏe. Ngày ngày, tôi nhìn Hoài Anh mà lòng trào nên rất nhiều cảm xúc. Tôi muốn đến ôm chầm lấy cháu để reo lên: “Bố ngàn lần tạ lỗi với con và mẹ! Hãy tha thứ cho bố! Bố không đáng là bố của con”. Nhưng lòng tự trọng đã ghìm lại để phút này, tuy vào nằm viện được mấy tháng mà Hoài Anh vẫn chẳng biết tôi là ai.

Thưa các anh, chị. Quả là căn bệnh của tôi đang ở mức báo động. Nếu tôi nhận Hoài Anh, chắc cháu sẽ không nỡ thờ ơ với tôi. Nhưng điều đó không quan trọng. Đã gần 80 tuổi, tôi có thể kết thúc cuộc sống. Điều tôi muốn là được hết mình với Mai và cháu Hoài Anh dẫu chỉ vài năm ngắn ngủi để chuộc lại lỗi lầm. Nhưng tôi rất băn khoăn: Liệu cả hai mẹ con Mai có nhận tôi hay khinh bỉ, cho rằng lúc này tôi cần chữa bệnh nên mới nhận con? 

(Đào Đức Giang - cán bộ hưu trí ở quận Ba Đình, Hà Nội) 

Trao đổi của chuyên gia tâm lý Nguyễn Đình San:

 

Bác hãy cứ chân thành chủ động nói chuyện với Hoài Anh. Cô ấy chắc chắn sẽ nói với mẹ. Cả hai mẹ con đều nhân hậu, tử tế, chắc không đến nỗi nỡ rứt tình với bác trong lúc bác chẳng còn chỗ nào nương tựa. Bác có nghĩ đó là “quả báo” không?

Nhưng thôi, hãy xua đi mặc cảm và hết mình với vợ con tuy không hôn thú nhưng cũng sâu nặng tình nghĩa. Hãy sống thanh thản nhất để vượt qua bệnh tật và hạnh phúc những năm tháng cuối cùng của cuộc đời.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?