| Hotline: 0983.970.780

Mặc thêm “áo giáp” cho cao su

Thứ Năm 10/10/2013 , 10:11 (GMT+7)

Cần có một giải pháp khôi phục vành đai phi lao chắn gió ven biển như một cách mặc thêm “áo giáp” để không những bảo vệ làng mạc, mà bảo vệ chính những vườn cao su còn lại...

Cần có một giải pháp khôi phục vành đai phi lao chắn gió ven biển như một cách mặc thêm “áo giáp” để không những bảo vệ làng mạc, mà bảo vệ chính những vườn cao su còn lại - khối gia tài đồ sộ không nằm trong nhà của mỗi gia đình nông dân Quảng Trị.

Đã nhiều lần khuyến cáo

Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Trị, sau bão số 10, những diện tích cao su bị gãy từ 70% trở lên cần chặt bỏ để từng bước tìm cây trồng thích hợp. Song tại tỉnh Quảng Trị còn hơn 7.000 ha cao su chưa đến tuổi khai thác mủ, hoặc mới khai thác mủ chỉ bị bão làm hư hại một phần rất cần được bảo vệ tốt.

Ai cũng thừa nhận mặc dù bão số 10 cường độ lớn nhưng nếu có vành đai rừng chắn gió thì mức độ hư hại, gãy đổ rừng cao su sẽ ở mức thấp hơn. Trong lúc đó người trồng cao su ở Quảng Trị chỉ chú trọng đến việc mở rộng diện tích mà không quan tâm đến việc trồng cây rừng tạo vành đai cản gió, chắn gió cho vườn cao su đề phòng khi có bão xảy ra.

Nhớ lại, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị và UBND huyện Vĩnh Linh đã nhiều lần khuyến cáo, nhắc nhở bà con nông dân cùng với trồng cao su nên chú ý trồng vành đai cây rừng chắn gió, nhưng có lẽ đến khi tận mắt nhìn cao su bị gãy đổ quá nhiều thì bà con mới sực nhớ. Mặt khác, nhiều hộ dân khai thác cao su chạy theo lợi nhuận hoặc muốn rút ngắn thời gian trả vốn vay ngân hàng nên cạo mủ theo kiểu "vắt kiệt" cây cao su, cạo mủ đến sáu ngày, chỉ nghỉ một ngày trong tuần (nếu cạo mủ theo đúng quy trình kỹ thuật thì cạo hai ngày, nghỉ một ngày). Điều này khiến cây yếu không có sức chống chịu được với gió bão.


Những cây phi lao ở xã Vĩnh Thái hàng chục năm tuổi bị bới lên tận gốc, nhường đất khai thác ti tan (Ảnh chụp ngày 4/7/2008 tại xã Vĩnh Thái)

Tại các xã vùng Đông của huyện Vĩnh Linh, nơi sát biển, diện tích cao su gãy đổ rất lớn. Ở đây, vườn cao su trồng sát biển đã không thích hợp với thời tiết, khí hậu mà còn không có vành đai cây trồng chắn gió hoặc rất thưa thớt. Chúng tôi chạy xe dọc đường ven biển bắt đầu từ xã Vĩnh Thái. Những rừng cây phi lao cao vút ngày xưa được người dân trồng chắn gió giờ đã bị chặt đi với nhiều lý do khác nhau. Ban đầu thay vào đó là những hồ nuôi tôm. Bà con nông dân có được con tôm cải thiện cuộc sống thì môi trường sinh thái lại bị mất đi. Nếu không phải nuôi tôm thì đó là công trường khai thác ti tan của doanh nghiệp. Đất cát được đào sâu xuống, gốc phi lao bị bới lên, vứt đi. Tại những nơi còn sót lại một ít phi lao thì cây quá thưa thớt không đủ chức năng làm tấm “áo giáp” che chở cho rừng cao su bạt ngàn phía sau. Nhưng đâu chỉ riêng bảo vệ cây cao su, mà vành đai phi lao ven biển còn chống cát bay, cát lấp bảo vệ làng mạc. Điều gì đến cũng phải đến, cơn bão số 10 đổ vào, xã Vĩnh Thái bị thiệt hại nặng nhất, đến 600/700 nhà dân tốc mái.

Không thể làm ngược khoa học

Ông Hoàng Đức Doanh, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Quảng Trị so sánh cho biết, nước Úc những năm tám mươi, chín mươi của thế kỷ trước cũng cấp phép cho doanh nghiệp khai thác ti tan. Song họ quy định rõ ràng, lớp đất trên mặt sâu gần 1 m phải múc đi cùng với đa dạng sinh học trên đất cất vào một nơi khác. Sau khi khai thác ti tan xong, doanh nghiệp hoàn thổ, đổ đất cát vào rồi tiếp tục chở lớp đất được đào sâu gần 1m lúc trước về trả lại ngay vị trí ban đầu. Như vậy đa dạng sinh học sẽ nhanh chóng bình thường trở lại, góp phần chắn gió, bão. Tuy làm theo kiểu này doanh nghiệp bị giảm lợi nhuận nhưng họ có trách nhiệm hơn trong việc góp phần bảo vệ môi trường bền vững.

Còn ở ta, theo ông Doanh, doanh nghiệp khai thác ti tan dù có hoàn thổ, trồng lại cây, song đất cát đã bị rửa trôi hết phần chất mùn, giữ ẩm. Mất thêm hàng trăm năm nữa lớp đất trên mặt vẫn chưa cung cấp trở lại được chất ẩm, mùn cần thiết để cây cối phát triển, góp phần chắn gió.

Trở lại câu chuyện vành đai chắn gió cho rừng cao su ông Doanh nói rằng, không riêng huyện Vĩnh Linh, mà cả tỉnh Quảng Trị cần thiết phải trồng cây thành vành đai bảo vệ những diện tích cao su còn lại. Người dân cũng hiểu cây cao su rất cần vành đai chắn gió bảo vệ. Song đất đai quá quý hiếm, chỉ cần một diện tích đất nhỏ nếu trồng được cao su bà con sẵn sàng trồng ngay.

Anh Trần Lưu ở xã Hải Thái, huyện Gio Linh xuýt xoa, tiếc nuối cho biết 2 ha cao su của nhà anh bị bão đánh xiêu vẹo cũng vì trước đây không trồng vành đai rừng bên ngoài che chắn. Ban đầu anh cũng để dành đất trồng đai rừng bảo vệ. Nhưng sau đó giá mủ cao su lên quá cao nên anh phá đai rừng, trồng liều cao su lên phần đất này. Anh Lưu nói các nhà khoa học đã nghiên cứu cảnh báo thì không sai. Cây cao su không thể sống một mình mà không có rừng bảo vệ phía bên ngoài. Đúng là chúng ta không thể làm ngược khoa học được.

Ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch huyện Vĩnh Linh lý giải rất cặn kẽ, chân tình sau bão người dân đã thấm thía và hiểu hơn về giá trị của vành đai trồng rừng chắn gió bảo vệ cao su. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư là rất lớn, rất mong muốn Nhà nước hỗ trợ thêm để bà con nông dân có tiền mua giống, làm đất trồng cây. Giúp nông dân lúc này để bà con gượng dậy, sớm ổn định cuộc sống.

Ông Hoàng Đức Doanh đề nghị tỉnh Quảng Trị cần có một giải pháp khôi phục vành đai phi lao chắn gió ven biển như một cách mặc thêm “áo giáp” để không những góp phần bảo vệ làng mạc, mà bảo vệ chính những vườn cao su còn lại - khối gia tài đồ sộ không nằm trong nhà của mỗi gia đình nông dân.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Xuất siêu nông sản 3 tháng đầu năm 2024 tăng gần 100% so với cùng kỳ năm ngoái

Ba tháng đầu năm 2024, nông nghiệp vẫn tăng trưởng khá. Năng suất, sản lượng nhiều; sản phẩm chủ lực tăng; đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã - 'Sóng ngầm' ở vùng biên: [Bài 1] Điểm tập kết thú rừng

Các loại thú rừng, từ thông thường đến quý hiếm, nằm trong sách đỏ, vẫn được các đầu nậu âm thầm tuồn từ biên kia biên giới về Việt Nam, phục vụ các 'thượng đế'.

Bình luận mới nhất