| Hotline: 0983.970.780

'Made in China' và tham vọng bay cao: Kinh doanh ăn theo người nổi tiếng

Thứ Sáu 24/11/2017 , 13:10 (GMT+7)

Người Mỹ chắc chắn quen thuộc cái tên Trump, nhưng ô tô Trumpchi thì không. Mặc dù nó gần giống tên vị tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ, nhưng thực ra nó là một hãng sản xuất ô tô của Trung Quốc đang hy vọng vào năm 2019 bán vào thị trường Mỹ những chiếc ô tô đầu tiên của họ.

Nhãn hiệu Trumpchi ra đời từ năm 2010, trước khi ông Donald Trump bắt đầu chiến dịch chạy đua tới chiếc ghế ông chủ Nhà Trắng, theo BBC. Tuy nhiên, người ta nói rằng chọn đặt tên như vậy, các doanh nhân Trung Quốc đã tỏ rõ ý muốn nhắm đến thị trường Mỹ. Họ tìm kiếm một cái tên sao cho nghe có vẻ ít “chính trị” đối với dân Mỹ.

Trumpchi là nhãn hiệu sản phẩm dành riêng cho thị trường Mỹ của tập đoàn GAC thuộc sở hữu nhà nước ở Quảng Châu (Trung Quốc). Tập đoàn này cũng sản xuất nhiều ô tô dưới các thương hiệu quốc tế.

Đầu năm nay, giám đốc thiết kế của tập đoàn ô tô GAC Trương Phàn nói với hãng tin Reuters: “Chúng tôi thấy người ta cười khi thấy xe nhãn hiệu Trumpchi, và chỉ chụp ảnh chi tiết phần logo rồi đưa lên internet. Khi chúng tôi đọc các phản hồi, chúng tôi nhận thấy có lẽ đây không hẳn là chiến dịch tiếp thị thành công đối với nhãn hiệu (Trumpchi)”.
 

Trump mọi nơi, mọi thứ

Tên vị tổng thống đương nhiệm của Mỹ không chỉ được tận dụng cho ô tô. Từ “Trump” hay một số biến thể của nó xuất hiện trên một loạt sản phẩm vốn gây ra tranh cãi về thương hiệu và sở hữu trí tuệ.

09-56-48__98837924_gettyimges-461450458
Ô tô Trumpchi

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ diễn ra năm 2016, rất nhiều công ty Trung Quốc lấy tên ông Trump đặt cho sản phẩm của mình mà không xin phép vị tỷ phú này. Có lẽ nổi tiếng nhất là nhãn hiệu Trump Toilet.

Kể từ đó đến nay, công ty của ông Trump đã đăng ký 47 nhãn hiệu thương mại tại Trung Quốc, nhằm ngăn các công ty Trung Quốc tiếp tục lợi dụng tên tuổi vị tổng thống tỷ phú. Nhưng trường hợp xe Trumpchi thì khác. Có vẻ như nó chỉ đơn thuần dịch từ tên Trung Quốc của nó là Chuanqi, chơi chữ từ cụm từ “truyền kỳ” hay “truyền quý”, và cũng có thể dịch nhanh thành “lan tỏa sự may mắn”.

Những chiếc xe Trumpchi bắt đầu thu hút sự chú ý quốc tế vào năm nay, tại hội chợ ô tô Detroit (Mỹ). Nhưng cũng tại đây, trước những phản ứng không tích cực từ công chúng, những ông chủ của hãng xe Trung Quốc đã bàn thảo về khả năng đổi tên xe.

Bỏ qua chuyện tên gọi, hãng xe hy vọng xúc tiến các bước thuận lợi để có thể đưa xe hơi “made in China” thâm nhập thị trường Mỹ khó tính, đòi hỏi cao. Cần nhớ rằng Trung Quốc vừa là thị trường ô tô lớn nhất thế giới, vừa là nhà sản xuất ô tô lớn nhất với 24 triệu xe hơi được xuất xưởng trong năm 2016. Tuy nhiên phần lớn được tiêu thụ trong nước và các thương hiệu xe hơi Trung Quốc đều vật vã trong tiến trình thâm nhập thị trường Mỹ.
 

Khi nào tới thời “xe Tàu”?

Khi nào xe Trung Quốc nối gót xe Nhật, Hàn chiếm lĩnh thế giới? Nếu điều đó xảy ra, thì đó là thương hiệu nào? Có người cho rằng đó chắc phải là hãng xe “chắp vá” Geely, theo nhận định của Business Insider. Phóng viên tờ báo Mỹ này đưa ra nhận định như thế sau khi đi thăm trung tâm nghiên cứu phát triển của Geely ở Hàng Châu, tới trung tâm thiết kế của hãng ở Thượng Hải, và thấy rất ấn tượng.

“Công nghiệp ô tô Trung Quốc đã sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới và vượt ra khỏi thị trường nội địa”, giám đốc marketing của Geely, Alain Visser nói với phóng viên. “Tôi tự tin chúng tôi sẽ dẫn đầu, nhưng tôi sẽ thấy rất ngạc nhiên nếu chỉ có mỗi xe Geely xuất ngoại”.
 

Bertel Schmitt

Visser từng là giám đốc marketing cho hãng Ford và General Motors ở châu Âu trước khi đầu quân cho Volvo. Geely đã mua lại Volvo hồi năm 2010 với giá 1,5 tỷ USD từ tay Ford, lúc đó đang cần tiền khôi phục sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu Ford. Cho dù Ford sống sót, nhưng họ vẫn phải bán thương hiệu Jaguar Land Rover cho hãng xe Tata của Ấn Độ, bán Aston Martin cho các nhà đầu tư cá nhân, bán cổ phần chi phối trong Mazda cho các ngân hàng Nhật Bản.

09-56-48__98837931_gettyimges-624079856-1
Bồn cầu Trump Toilet

Các cơ sở, nhà xưởng, dây chuyền của Volvo đã không bị tháo dỡ, vận chuyển qua Trung Quốc như nhiều người dự đoán. Các kỹ sư của Volvo được thoải mái phát triển công nghệ. Nhờ thương vụ mua lại này, Geely đã đặt được một chân vào đường đua tranh cấp độ toàn cầu trên thị trường xe hơi. Trước khi mua Volvo, Geely sản xuất 330.000 xe/năm, tương đương công suất của Volvo lúc “ngắc ngoải”.

Năm 2016, Geely bán 1,3 triệu xe ra toàn cầu. Trong số này, 776.000 xe được tiêu thụ ở Trung Quốc, một số bán sang Nam Mỹ, châu Phi… Volvo bán ra 534.000 xe. Trong năm 2017, Geely đặt mục tiêu bán 1-1,2 triệu xe và muốn đạt tới con số 2 triệu vào năm 2020. Volvo cũng được lên kế hoạch bán 800.000 xe vào thời điểm đó. Tính đến nay, Geelly đang vận hành 12 nhà máy, 9 ở Trung Quốc, còn Thụy Điển, Bỉ và Anh, mỗi nơi một nhà máy.

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.