| Hotline: 0983.970.780

Mãi mãi Tây Nguyên

Chủ Nhật 27/01/2013 , 10:41 (GMT+7)

Tháng một. Tây Nguyên lất phất mưa. Hai bên đường từ thị trấn Ay Junpa đi vào xã Ia Broái màu xanh của cánh đồng lúa nước trải dài mênh mông...

Tháng một. Tây Nguyên lất phất mưa. Hai bên đường từ thị trấn Ay Junpa đi vào xã Ia Broái màu xanh của cánh đồng lúa nước trải dài mênh mông, lốm đốm những đàn cò trắng phau ngả ngởn bên những đường cày máy chạy dài hút mắt.

Phía trên cao hơn, liền kề đồng lúa là những ruộng thuốc lá bạt ngàn. Giữa Tây Nguyên mà có cảm giác đang đứng đâu đó trên cánh đồng mênh mông Nam Bộ. Càng ngạc nhiên hơn khi biết chủ của những cánh đồng lúa nước no đủ, những ruộng thuốc lá tươi tốt kia là của người Jarai, những người dường như bao đời nay chỉ quen cuốc nương, làm rẫy.

Sự thay đổi tập quán sản xuất của buôn làng đã bắt đầu từ những người nông dân dám nghĩ, dám làm. Chị Rcom H’Jing chủ tịch hội phụ nữ xã kể lại, sau khi tốt nghiệp lớp 12 tại trường dân tộc nội trú tỉnh, chị được gọi vào học tại Đại học Tây Nguyên, nhưng đã 23 tuổi, lại có người yêu chờ đợi nên chị quyết định ở nhà làm ruộng. Có học, nên cách làm ruộng của chị luôn khác với cách làm của bà con.

Hồi đó, chị làm chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn, đi vận động bà con thay đổi tập quán sản xuất, đồng bào bảo: Nói được mà không làm được thì đừng có nói! Người đồng bào chỉ thích bắt chước người khác chứ không dám liều lĩnh tự thay đổi bao giờ. Biết vậy, chị thuê một đám đất trồng bắp. Hơn mười năm trước, bà con thường chọc lỗ, gieo hạt, nhưng chị lại cùng chồng cày ruộng, rồi  xọc hàng theo bò, gieo hạt. Tới khi thu hoạch, năng suất bắp của chị cao hơn nhiều. Một sào rẫy chị thu được 500kg bắp còn theo cách chọc lỗ của bà con thì chỉ được 200kg. Thấy vậy, năm sau người dân bắt đầu làm theo. Tới khi người dân làm bắp theo kiểu mới đại trà thì chị lại chuyển đổi cây khác có giá trị cao hơn.

Chị trồng đậu, lạc. Khi trồng đậu, chị xạ chứ không chọc lỗ như lối cũ. Sau khi xạ, chị tưới nước, phun thuốc trừ sâu. Cây đậu trồng theo lối xạ dày hơn, lại không bị sâu bệnh nên năng suất cao hơn nhiều. Từ đó, người dân tin tưởng học làm theo chị.

Tới năm 1999, nhìn những cánh đồng mì trồng trên chân ruộng thấp chị nghĩ có thể chuyển sang trồng lúa nước, nhưng không biết lấy nước ở đâu bây giờ. Hồi đó, chưa ai biết vay tiền ngân hàng để sản xuất. Nhưng ham muốn đã thắng nỗi sợ hãi. Lần đầu tiên đi vay NHPTNT, chị mua máy bơm, thuê người khoan giếng, dẫn nước thử làm 2, 3 sào ruộng cho gia đình. Cuối vụ, ruộng lúa nước của chị bội thu. Người dân thấy vậy phấn khởi lắm. Người ta bán bò, bán lợn, vay ngân hàng để khoan giếng làm ruộng lúa nước. Bây giờ xung quanh xã đã hình thành một cánh đồng tự tưới rộng tới 126 héc ta, có thể làm hai vụ/năm cho năng suất cao mà chi phí lấy nước lại thấp.

Cứ thế, thói quen sản xuất theo khoa học của người dân trong buôn dần hình thành. Và cách hợp tác làm ăn giữa các hộ cũng bắt đầu xuất hiện. Để có nước ruộng hiệu quả, người dân trong xã bắt đầu thành lập hợp tác xã quản lý nước tưới với 9 thành viên mà chồng chị làm chủ nhiệm. Năm 2009, với sự đầu tư của một công ty địa phương, người dân lần lượt chuyển sang trồng thuốc lá hy vọng cho thu nhập cao hơn. Nhưng vào tháng mười một, cơn lũ lớn nhất trong lịch sử tràn tới. Hàng ngàn con trâu bò, lợn gà bị trôi, tài sản của người dân mất hết. Bão lũ qua, làng xóm tiêu điều, người dân gượng vay vốn ngân hàng để trồng lại thuốc lá, hy vọng phục hồi kinh tế nhanh. Nhưng do không nắm được kỹ thuật, hàng chục ngàn tấn thuốc lá bị cháy đen ngay trên cánh đồng. Sau đó, không ai còn dám mạo hiểm trồng thuốc lá nữa vì vốn đầu tư quá nhiều mà rủi ro cũng quá lớn.

Nhưng H’Jing không chịu thua. Cùng với việc trồng lúa nước hai vụ trên 1ha đất của mình, chị thuê thêm 2,5 ha đất trồng thuốc lá. Lần này, chị học hỏi tỉ mỉ kỹ thuật trồng và chăm sóc loại cây khó tính. Với sự hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật và đầu tư ban đầu của công ty thuốc lá, ruộng của chị đã cho những vụ thu hoạch giá trị cao. Lấy tiền đó chị thuê thêm nhân công làm cùng, rồi vay thêm tiền ngân hàng xây lò sấy thuốc lá… Dám nghĩ dám làm, làm giàu cho gia đình mình và cho buôn làng, ngay từ những năm 2000 chị đã nhận được Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào: “Nông dân sản xuất- kinh doanh giỏi toàn tỉnh”.

Nhưng với chị sản xuất giỏi chưa đủ, với trách nhiệm hội trưởng hội phụ nữ xã chị trăn trở nghĩ cách thực hành bình đẳng giới cho buôn người Jarai, vốn vẫn sống theo tục lệ mẫu quyền. Trước đây, phụ nữ có quyền lớn trong gia đình nhưng cũng là người trụ cột, chịu trách nhiệm chính về sản xuất, công việc nhà cửa, chăm sóc con cái. Còn người đàn ông phụ thuộc vào vợ, ỷ lại vào vợ. Việc nương rẫy họ làm ít hơn phụ nữ, mà việc nặng trong nhà cũng bỏ mặc. Hình ảnh người phụ nữ buổi chiều từ nương rẫy về nhà, lưng cõng gùi củi, phía trước ngực đeo thêm một đứa con trĩu nặng, còn người đàn ông chỉ vung vẩy chiếc rựa nhẹ tâng đi bên cạnh đã thành hình ảnh đặc trưng của lối sống Jarai.

Nhưng H’Jing không chấp nhận như vậy. Chị bắt đầu nói với phụ nữ về bình đẳng giới. Bình đẳng là bình đẳng trong mọi công việc, trách nhiệm, quyền lợi. Từ cuộc sống gia đình chị, cách chồng chị đi ra suối giặt quần áo cho vợ buổi sáng, chặt củi, lấy nước buổi chiều, chăm con đi học… Những người phụ nữ khác bắt đầu làm theo. Họ nói: Sao chồng của chị đó thương vợ, làm giúp vợ mà anh lại không thương em, không làm giúp em! Nói riết rồi đàn ông bắt đầu cũng thay đổi cách nghĩ. Mỗi khi hết củi, phụ nữ bắt đầu gọi: Anh ơi nhà hết củi, anh ơi nhà hết nước, anh đi lấy cho em…Bây giờ, ở nhà phụ nữ chỉ nấu ăn, trông con, không còn phải làm việc nặng nữa. Còn mỗi khi đàn ông đi nhậu lâu không về nhà, phụ nữ ôm con đến tận nơi bảo: Anh ơi, con anh đây, anh cho nó nhậu cùng! Cứ thế, từ nhà này sang nhà khác, phụ nữ rỉ tai nhau cách có được quyền bình đẳng của mình. Bây giờ đàn ông bảo: Bữa nay các bà có quyền được nghỉ ngơi không làm việc nặng nữa rồi! Còn các bà trong buôn thì bảo: Phụ nữ bây giờ sướng rồi không còn khổ nữa!

Vào buôn Broái nhiều năm nay đã không còn nhìn thấy cảnh đói nghèo nữa. Những con đường bê tông thẳng tắp chia buôn thành những ô bàn cờ ngay ngắn, thuận tiện cho xe công nông vận chuyển nông sản vào tận nhà. 184 hộ dân người Jarai sống trong những ngôi nhà sàn rộng rãi, ngay ngắn giữa những ô đất rộng gần 2000m chia đều nhau. Cuộc sống chưa phong lưu, nhưng đã bắt đầu đầy đủ, dư giả. Người trong buôn không còn nói đến chuyện bữa ăn nữa mà nói đến chuyện vay ngân hàng nào để đầu tư sản xuất, làm giàu, hay cho những đứa con đi học. Chuyện làm công ở công ty, trang trại nào vào những ngày nông nhàn để có tiền mua thêm phân bón, bò và lợn, chuyện kỹ thuật giống cây và vật nuôi mới.

Thế nhưng, điều đặc biệt nhất trong buôn Broái lại không phải là chuyện đua nhau làm giàu mà là câu chuyện về mạch nguồn văn hóa. Tận những ngày nghèo khổ trước kia, những ngày no đủ hiện nay, buôn Broái vẫn gìn giữ được những truyền thống văn hóa của dân tộc Jarai. Trong buôn, những người phụ nữ nói tiếng Jarai và thành thạo tiếng Kinh vẫn tiếp tục làm nghề dệt truyền thống. Họ vẫn làm ra những sản phẩm dệt độc đáo của dân tộc mình để bán ra thị trường. Nhìn già làng Nay Hơng hãnh diện khoe những bộ quần áo Jarai mà vợ ông mới dệt chất đầy trong tủ; Hay khi xem những bộ váy áo xưa, những chiếc khố dài tới bốn mét dệt mịn màng, kiểu cách, có từ 60-70 mươi năm trước được truyền cho các thế hệ trong gia đình bà Kpă H’oan; Nhìn những bộ cồng chiêng, những ché rượu, những chiếc nồi đồng truyền thống trong nhà chị H’Jing người ta vẫn thấy văn hóa Jarai đang được lưu giữ tự hào từ đời này sang đời khác bất chấp thời cuộc hay tín ngưỡng.

Tây Nguyên đang đổi thay. Tây Nguyên vẫn truyền thống. Tháng ba sắp đến rồi, mùa lễ hội sắp đến rồi! Và những tiếng cồng chiêng lại sắp dồn dập ngân vang mời gọi mọi người về vít rượu cần trên khắp bát ngát Tây Nguyên.

Tháng một, 2013, Ya Broái,huyện Yapa, Gia Lai

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

U23 Việt Nam hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan

Các cầu thủ và ban huấn luyện U23 Việt Nam bày tỏ sự hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan tại lượt trận cuối bảng D vòng chung kết U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.